Lần đầu tiên Bộ NNPTNT xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản khổng lồ lên tới 158.300ha

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 20/10/2021 19:09 PM (GMT+7)
Để đẩy mạnh liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp, Bộ NNPTNT có chủ trương xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận 0

Đầu tư công nghệ chế biến cho vùng nguyên liệu 

Theo Đề án Bộ NNPTNT xây dựng, 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản quy mô lớn sẽ có tổng diện tích 158.300ha. 

Trong đó cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình) với diện tích 14.000 ha (chanh leo, dứa, xoài); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với diện tích 22.900 ha; cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk) với diện tích 11.200 ha; lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang) 50.000 ha; vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) có diện tích 60.200 ha (xoài, mít, sầu riêng).

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản quy mô lớn này sẽ được đầu tư hỗ trợ hệ thống hạ tầng, logistics một cách đồng bộ.

Cụ thể, Bộ NNPTNT sẽ hỗ trợ đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối vùng trồng với tổng chiều dài dự kiến 132km đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết nối vùng trồng nguyên liệu với khu sản xuất, chế biến.

Đầu tư nâng cấp và sửa chữa 5 cống điều tiết và 8 trạm bơm điện tại tỉnh Tiền Giang và An Giang, 6,3km kênh tưới tại tỉnh Đồng Tháp để phục vụ tưới chủ động phát triển vùng nguyên liệu với tổng diện tích tưới là 4.006ha gồm cây lúa và các loại cây ăn quả.

Sẽ có 5 vùng nguyên liệu lớn nông sản chủ lực - Ảnh 1.

Vùng nguyên liệu cây ăn quả ở miền núi phía Bắc sẽ tập trung ở Sơn La, Hoài Bình. (Trong ảnh: Nông dân huyện Mường La, Sơn La) phân loại xoài. Ảnh: PV Tây Bắc

5 vùng nguyên liệu là: Cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk); lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).

Bộ NNPTNT cũng sẽ đầu tư xây dựng 2 kho lạnh, nhà xưởng, nhà sơ chế, nhà kho, sân phơi kết hợp công nghệ nhà màng; 3 silô vùng nguyên liệu để thu mua, bảo quản cà phê chất lượng cao.

Tăng cường năng lực các HTX trong vùng nguyên liệu

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, hạt nhân của các vùng nguyên liệu sẽ là các hợp tác xã (HTX). 

Mục tiêu của Bộ NNPTNT là thành lập mới 66 HTX và 5 Liên hiệp HTX; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị HTX; đào tạo nghề giám đốc HTX. Xây dựng 22 dự án, mô hình khuyến nông- khuyến lâm. 

Bộ chủ trương xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng trong các vùng nguyên liệu theo quy mô mỗi xã một tổ; hoặc cụm 2-3 xã có 1 tổ với nòng cốt là cán bộ khuyến nông ở cấp huyện, xã; và sự tham gia của các hệ thống chính trị ở cơ sở đặc biệt là Hội Nông dân. 

Nhiệm vụ chính của tổ khuyến nông cộng đồng là hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, HTX về khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, HTX tham gia thị trường và liên kết chuỗi giá trị. 

Đặc biệt, công tác truy xuất nguồn gốc ở các vùng nguyên liệu sẽ được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu, gồm thông tin, dữ liệu về: nông hóa thổ nhưỡng; nông sản đang sản xuất và có thể sản xuất; nguồn lực cho phép; hạ tầng phục vụ sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nêu rõ việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục được những hạn chế và tồn tại của lĩnh vực nông nghiệp như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết. 

Đồng thời tăng cường gắn kết và tương thích giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng.

Thông qua việc xây dựng mô hình vùng nguyên liệu tiêu chuẩn sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. 

Qua đó, giúp Nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản và quản lý hiệu quả nguồn cung sản phẩm nông nghiệp.

Thu hút 185.000 hộ nông dân

Theo Bộ NNPTNT, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao gia trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.

Phát triển vùng nguyên liệu còn là công cụ giúp nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản; qua đó quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, bước đầu đã hình thành 5 vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa với diện tích 158.300ha trên phạm vi 50 huyện thuộc 11 tỉnh.

Đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi giá trị cam kết tham gia đề án (17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản); 250 HTX nông nghiệp và 185.000 hộ nông dân trong vùng dự án.

Đề án được triển khai thí điểm trên 11 tỉnh đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn của của các địa phương, các doanh nghiệp, các HTX và người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem