Làng Chăm làm du lịch

Thứ tư, ngày 16/04/2014 07:24 AM (GMT+7)
Mới đây, được sự tài trợ của Tổ chức Hiệp hội Nông dân Hà Lan (Agriterra) và Hội Nông dân (ND) tỉnh An Giang, Tổ hợp tác du lịch làng Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu đã ra đời, với nhiều sản phẩm hứa hẹn thu hút du khách...
Bình luận 0
250 triệu đồng khôi phục làng nghề

Từ 150 triệu đồng của Agriterra và 100 triệu đồng vốn đối ứng của Hội ND An Giang, Tổ hợp tác (THT) du lịch làng Chăm Châu Phong đã nhanh chóng hình thành với mô hình “đa năng”.

“Đa năng là nhiều khả năng kết nối và phát huy các thế mạnh và tiềm năng của vùng đất và con người đa văn hóa và đa dạng sản phẩm du lịch nơi đây” - anh Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng bộ phận marketing của Dự án Trung Tâm du lịch nông dân (Hội ND An Giang) giải thích.

Theo anh Tùng, các “hạng mục” của THT được hình thành “chớp nhoáng” gồm chủ yếu là sự kết hợp và phát huy các cơ sở vật chất sẵn có như: Khôi phục làng nghề dệt, thêu may của người Chăm vốn đã nổi tiếng từ lâu ở Phủm Xoài (xã Châu Phong); khôi phục và luyện tập lại các đội văn nghệ người Chăm… THT đã dành hẳn một không gian sân khấu nhỏ để biểu diễn phục vụ du khách.

Một góc lớp dạy nghề thêu trong THT Châu Phong.
Một góc lớp dạy nghề thêu trong THT Châu Phong.

Đặc biệt các nghề làm bánh dân gian của người Chăm sẽ được chọn lọc và đưa vào đây để phục vụ du khách. Các thành viên tham gia THT đều thể hiện quyết tâm vào THT để phát huy tốt nhất tiềm năng của nghề dệt truyền thống dân tộc Chăm. “Được biết, trong gian trưng bày của THT sẽ có đầy đủ trang thiết bị để dạy nghề thêu may cho con em người Chăm. Họ vừa phục vụ cho du khách tìm hiểu về nghề thêu may Chăm, vừa được học nghề thì hay biết mấy” - ông Issa-Sen, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo An Giang phấn khởi cho biết.

Đồng bào Chăm nơi đây đang kỳ vọng về một cách làm mới trong việc khôi phục và phát huy làng nghề truyền thống Chăm ở Phủm Xoài.

Tạo thu nhập cho người Chăm

"Hồi nào tới giờ khăn, vải dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bánh làm ra chỉ để ăn, nay làm ra để bán cho du khách khắp nơi, chúng tôi vừa thấy rất vinh dự vừa có thêm thu nhập”.

Chị Rô-Phi-Á

THT du lịch làng Chăm hiện có 9 thành viên thường trực và hàng chục thành viên tham gia với vai trò “vệ tinh” và không thường xuyên.

Chị Rô-Phi-Á, thành viên kiêm phụ trách ẩm thực của THT cho biết: “Bản thân tôi được học nhiều lớp về nghề làm du lịch cũng như cung cách phục vụ du khách qua các chương trình do Tổ chức nông dân Hà Lan tài trợ, tôi thấy nếu đuợc truyền lại hay cầm tay chỉ việc cho mọi người thì hay biết mấy. Việc thành lập THT sẽ là cơ hội tốt để bà con phát huy nghề truyền thống, từ đó sẽ có thêm thu nhập cho gia đình”.

Còn nhớ, trong những ngày đầu khai trương THT du lịch làng Chăm, nhiều sản phẩm dệt và nhiều loại bánh dân gian của người Chăm đã được du khách thích thú và đều “cháy hàng”.

“Mấy chiếc khăn tôi mua đẹp tuyệt, đúng là Chăm chính hiệu, tôi đã đi nhiều, mua nhiều nhưng thấy hình như toàn hàng nhái, cái này nhìn đường dệt đã thấy mê, còn các món bánh thì không thể chê, vừa ngon vừa lạ miệng” – anh Nguyễn Công Sơn, một du khách đến từ TP.HCM nhận xét.

Từ những món bánh cho tới những mặt hàng dệt thêu của THT đều là những sản phẩm có giá trị của người Chăm An Giang làm ra. Nếu được nâng lên thành sản phẩm du lịch thì sẽ tạo ra giá trị thu nhập không nhỏ cho bà con.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem