Lãng phí vì dạy sai nhu cầu

Chủ nhật, ngày 14/08/2011 04:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dạy “trúng” nhu cầu, nông dân được hưởng lợi khi được nâng cao tay nghề, nhưng dạy không “trúng” sẽ gây nên sự lãng phí. Đó là thực tế tại nhiều địa phương.
Bình luận 0

Trong năm đầu tiên (2010) thực hiện dạy nghề nông dân theo Đề án 1956, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã mở được 47 lớp với 11 nghề cho 1.547 học viên. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã có việc làm ổn định, nâng cao mức sống.

img
Tập huấn trồng hoa lan cắt cành cho nông dân trong lớp dạy nghề ở TP. Đà Nẵng.

Có nghề, cuộc sống ổn định

Chị Sơn Thị Hồng Nga ở ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, trước kia thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất. Chị chỉ còn biết tận dụng một ít diện tích đất sau nhà để chăn nuôi heo, mong muốn là nuôi heo nái để từ từ phát triển đàn. Nhưng đối với chị, việc nuôi heo nái lúc bấy giờ rất khó, nên chỉ nuôi được heo thịt.

Đến năm 2010, chị Nga được Trung tâm Dạy nghề huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ dạy nghề miễn phí và chị chọn ngay nghề chăn nuôi thú y. Sau 2 tháng học nghề, chị Nga bắt đầu chuyển sang nuôi thêm heo nái, góp phần tăng thu nhập. Đầu năm 2011, gia đình chị đã thoát nghèo.

Còn anh Lý Minh Hoàng (ấp Hòa Khanh) từ khi có nghề sửa xe gắn máy và mở được một điểm sửa xe tại ấp thì gia đình đã bớt khó khăn. Từ năm 2010 trở về trước, gia đình anh Hoàng thuộc diện hộ nghèo. Giữa năm 2010, anh được Trung tâm Dạy nghề huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ dạy nghề sửa xe máy theo hình thức miễn phí. Anh cho biết: “Nếu học sửa xe ở ngoài một khóa tốn khoảng 9 – 10 triệu đồng”. Hiện nay thu nhập mỗi ngày của anh gần 100.000 đồng.

Năm 2011, từ nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng của dự án đào tạo nghề nhằm giảm nghèo vùng ĐBSCL do ADB tài trợ, Trung tâm Dạy nghề huyện Mỹ Xuyên đã tiếp tục mở 36 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với các nghề may gia dụng, chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật xây dựng, hàn điện và sửa xe. Những nghề này đáp ứng đúng nhu cầu nông dân miệt vườn nên bà con rất hào hứng đăng ký học.

Dạy “trượt” nhu cầu

Khác với Sóc Trăng, tại Đà Nẵng, việc dạy nghề khó khăn hơn bởi phải gắn với nhu cầu lao động của các khu công nghiệp. Đối tượng lao động nông thôn được đào tạo nghề thuộc đủ mọi lứa tuổi nhưng thành nghề rồi chỉ có lao động từ 18 - 35 là có khả năng kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, qua 2 đợt tổ chức hội chợ việc làm cho đối tượng nông dân mất đất sản xuất ở Hòa Vang và Ngũ Hành Sơn, có hơn 10.000 lao động đến để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, nhóm lao động trên 35 tuổi (chiếm hơn 50%) hầu như không ai được tuyển dụng.

img Dạy nghề nông dân là dạy cho nhiều lứa tuổi, trình độ nhận thức, lứa tuổi của học viên không đồng đều được xếp trong một lớp cũng ảnh hưởng đến việc tiếp thu các kiến thức và quá trình truyền đạt của giáo viên. img

Ông Nguyễn Pháo

Ngoài ra, lao động được đào tạo nghề ở nông thôn cũng than phiền là mới chỉ được hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn, chủ yếu là sơ cấp nghề (dưới 1 năm) nên dù đã có nghề nhưng rất “chật vật” xin việc. Anh Bùi Văn Trung - học viên học nghề hàn cho biết: “Kể cả lao động trẻ cũng khó xin việc, vì nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất yêu cầu trình độ lao động trung cấp hoặc cao hơn”.

Theo ông Nguyễn Pháo - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, hạn chế lớn của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay là chưa “trúng” yêu cầu của doanh nghiệp. Đà Nẵng có rất nhiều khu công nghiệp đang cần lao động ở nhiều ngành nghề, như may mặc, điện tử, chế biến thủy hải sản, các ngành công nghiệp nặng. Nhưng các trung tâm đào tạo việc làm chỉ chủ yếu dạy những nghề “quen thuộc”, như trồng nấm, làm cây cảnh... Chương trình đào tạo nghề lại nặng về lý thuyết, ít thực hành. Vì thế, nhiều học viên học xong không tìm được việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem