Lạng Sơn: Đưa quýt đặc sản “hạ sơn” nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt

Chang Liễu Thứ hai, ngày 31/12/2018 07:30 AM (GMT+7)
Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng NTM, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã tập trung xây dựng, phát triển mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt vàng - đặc sản địa phương.
Bình luận 0

Đưa quýt vàng “hạ sơn”

Quýt vàng Bắc Sơn vốn là cây thích hợp trồng trong các lân lũng có độ ẩm cao nhưng việc chăm sóc và thu hái vô cùng khó khăn, vất vả. Người dân thường phải đi bộ đường rừng khoảng 20 - 60 phút mới đến vườn. Vì vậy, nhiều hộ dân ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã đưa cây quýt “hạ sơn” về trồng ở bãi, vườn, ruộng gần nhà. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ quýt, người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, điển hình là triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt.

img

Việc vận chuyển và chăm sóc cây quýt đặc sản gặp nhiều khó khăn do đi bộ, leo núi đá là cách duy nhất để người dân vào các lân, lũng trồng quýt.

Mô hình tưới nhỏ giọt được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế. Phương pháp này được áp dụng khá phổ biến ở nơi cần tích trữ nước, đặc biệt ở nơi thiếu nước. Năm 2017, được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, Phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn đã triển khai thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt đầu tiên tại xã Chiến Thắng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân bỏ ngày công để lắp đặt và đào ao tích nước, do đó đã giảm đáng kể về chi phí.

Việc triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt giúp nông dân giảm chi phí trong việc trồng và chăm sóc cây quýt, đặc biệt trong mùa khô hanh. Ngoài ra, mô hình này cũng giúp tiết kiệm nước tưới vì nước thấm dần vào đất, làm chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cây, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, sau khi được tập huấn về sản xuất hoa quả an toàn, các HTX còn mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất quýt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khâu chăm sóc, tỉa cành, bón phân, phun truốc trừ sâu, tưới nước đến thu hái và bảo quản sản phẩm đều theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó sản lượng tăng lên đáng kể, giá thành sản phẩm đầu ra cũng tăng lên. 

img

Ông Lương kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt tại vườn quýt của gia đình

Ông Đặng Văn Lương, HTX nông nghiệp Nam Hồng cho biết: Hiện quýt đang vào mùa thu hoạch, ước tính năng suất đạt gần 20 tấn/ha, cao hơn vụ trước. Có được kết quả trên, theo ông Lương, bản thân các thành viên HTX ngoài tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây quýt thì còn có sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền. Năm 2017, gia đình ông được nhà nước đầu tư đường ống dẫn nước, téc nước để thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt. Việc áp dụng mô hình giúp độ ẩm đảm bảo, năng suất tăng đáng kể.

Độ ẩm đảm bảo, tăng năng suất

Thời điểm tháng 10 âm lịch, quả quýt bắt đầu chuyển từ giai đoạn xanh ương sang chín vàng. Đây cũng là thời điểm cây cần nhiều nước để quả chín mọng, vỏ bóng mịn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mùa khô, thiếu nước, dù người dân phải gánh nước, chở nước về tưới cho cây nhưng không mấy hiệu quả. 

Bởi vậy, việc áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt đã giúp khắc phục những điểm yếu này. Nước được bơm từ nguồn nước lên téc đựng (téc được đặt ở vị trí cao), sau đó hệ thống các đường ống dẫn nước qua các gốc cây quýt, tại mỗi gốc cây được lắp một van xả nhỏ giọt để tưới vào gốc.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình, người dân đã đóng góp ngày công, tìm nguồn nước, mua máy bơm, khoan giếng, trong khi Nhà nước hỗ trợ hệ thống đường ống dẫn nước, van, téc đựng nước. Đến nay, mô hình hoạt động hiệu quả, nhân dân phấn khởi.

img

Thời điểm tháng 10 âm lịch, quýt đang ương nên cần duy trì độ ẩm để quả quýt khi chín được căng mọng nước.

Hiện nay, trên địa bàn thôn Hồng Phong có 22 hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ và thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt. Ông Phan Văn Hiền, một hộ dân được hỗ trợ phấn khởi: Trước đây, mùa khô phải gánh nước tưới rất vất vả mà chẳng thấm vào đâu. Mô hình tưới nước nhỏ giọt này đã giúp người dân giảm công lao động, tiết kiệm nguồn nước, độ ẩm được duy trì lâu hơn góp phần tăng năng suất.

img

Quýt được duy trì độ ẩm tốt sẽ không bị khô mà căng mọng, khi chín có màu vàng đẹp mắt.

Trao đổi với Dân Việt, ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn cho biết: Cây quýt vàng Bắc Sơn vốn được trồng trong lân lũng có độ cao 500-700m, có độ ẩm cao. Những năm trở lại đây, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhân dân đã di chuyển cây quýt từ các khe núi xuống trồng tại các bãi nương bằng phẳng để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái. Ở giai đoạn quả chín thường vào mùa khô (khoảng tháng 10 âm lịch), do thiếu nước đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sản phẩm. Do đó, giải pháp để hỗ trợ nguồn nước cho cây trồng trong giai đoạn này là rất cần thiết. 

Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2017 huyện xây dựng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt đầu tiên tại thôn Hồng Phong IV, xã Chiến Thắng. Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, mô hình cho hiệu quả tốt, cung cấp độ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay mô hình tưới nước nhỏ giọt đã được triển khai ở một số xã khác trên địa bàn huyện: Đồng Ý, Tân Lập, Tân Hương, Bắc Sơn..., tổng vốn Nhà nước hỗ trợ năm 2017-2018 là 1,4 tỷ đồng. Hiện, huyện vẫn tiếp tục tuyên truyền nhân dân các xã đến tham quan, từ đó nhân rộng mô hình này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem