Lãnh đạo công ty đóng tàu 67 không đến họp, tỉnh ra "tối hậu thư"

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 03/08/2017 18:15 PM (GMT+7)
Sau gần 3 tháng tranh cãi “nảy lửa” để tìm hướng giải quyết nhưng đến nay ngư dân Trần Đình Sơn- Chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS và doanh nghiệp đóng tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Bình luận 0

Tại cuộc họp sáng nay 3.8, ngoài ngư dân Sơn thì còn 5 ngư dân khác có tàu hư hỏng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng được mời dự để thống nhất phương án sửa chữa. Tuy nhiên, cuộc họp lại thiếu sự có mặt của lãnh đạo công ty TNHH MTV Nam Triệu, nên ông Nguyễn Hoàng Tân- Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty không thể tự quyết định yêu cầu của ngư dân đưa ra mà phải xin phép lãnh đạo. Điều này, khiến nhiều ngư dân bức xúc.

img

Chủ tàu BĐ 99245 TS ngư dân Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: D.T

Máy hỏng, ngư dân lỗ hàng trăm triệu đồng

Gần 3 tháng trôi qua, kể từ khi các chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra máy hư hỏng trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Sáng nay (3.8), tại cuộc do Sở NNPTNT Bình Định chủ trì, ngư dân Sơn và doanh nghiệp đóng tàu vẫn chưa thống nhất được phương án khắc phục.

Theo ngư dân Sơn, tàu ông hạ thủy vào tháng 12.2016 đến nay chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục.

“Con tàu đóng mới theo Nghị định 67/CP với số tiền 19,8 tỷ đồng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu, máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc). Nhưng từ khi hạ thủy đến nay máy cứ hỏng liên tục. Chuyến biển đầu tiên tôi đi được vỏn vẹn 7 ngày thì phải quay vào bờ. Tôi gọi điện báo máy hỏng thì công ty vào khắc phục trong vòng 1 tháng mới xong. Sau đó, chuyến biển tiếp theo máy lại bị hỏng. Con tàu là mạch huyết đời sống nên chúng tôi yêu cầu công ty tháo ra, thay lắp lại máy mới để đảm bảo tính mạng của ngư dân”- ông Sơn bức xúc.

Tại nhiều lần làm việc trước đó, ngư dân Sơn yêu cầu công ty đóng tàu phải thay máy mới để đảm bảo an toàn. Nhưng bất ngờ tại cuộc họp sáng nay, do tàu cá nằm bờ quá lâu, nợ nần chồng chất buộc ngư dân Sơn phải chấp nhận thay thế phụ tùng hư hỏng theo phương án của công ty đóng tàu. 

Đưa nhau ra tòa hay chịu khắc phục?

Đồng ý thay thế phụ tùng, ngư dân Trần Đình Sơn đề nghị sau khi thực hiện thì phía công ty phải có chế độ bảo hành 36 tháng cho máy tàu vì ông không tin chất lượng của máy tàu hiện tại.

img

Ông Nguyễn Hoàng Tân- Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Ảnh: D.T

Trước yêu cầu của ông Sơn, ông Nguyễn Hoàng Tân- Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu - đại diện Công ty này đến dự buổi họp không tự quyết được đề nghị của ngư dân nên đành phải liên tục xin rời cuộc họp để hỏi ý kiến quyết định từ lãnh đạo Công ty.

“Theo ý kiến của Công ty thì chúng tôi không đồng ý với việc bảo hành 36 tháng như yêu cầu của ông Sơn mà chỉ bảo hành 12 tháng theo chế độ bảo hành máy mới”- ông Tân khẳng định.

Theo ông Trần Văn Phúc- Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, việc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Đình Sơn hư hỏng có lỗi của cả ngư dân lẫn cơ sở đóng tàu. Lúc máy tàu hư hỏng, phía nhà máy đóng tàu thay thế phụ tùng nhưng không đồng bộ.

“Hiện phía hãng máy Doosan không đồng ý thay máy mới như yêu cầu của ngư dân Sơn. Nếu chủ tàu và cơ sở đóng tàu không thống nhất phương án sửa chữa thì phải ra tòa giải quyết và mất thời gian rất dài, tàu tiếp tục phải nằm bờ, ngư dân tiếp tục gánh nợ”- ông Phúc cho hay.

img

Cuộc họp vắng lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu khiến ngư dân bức xúc. Ảnh: D.T

Ngư dân Sơn đành chịu “xuống nước” với phương án đồng ý bảo hành 12 tháng nhưng đưa ra yêu cầu “nếu trong thời gian bảo hành mà máy tiếp tục hỏng với lý do khách quan, không phải lỗi của ngư dân thì công ty đóng tàu phải thay máy mới. Vì rõ ràng là máy tàu kém chất lượng”.

Lúc này vị Giám đốc Xí nghiệp lại tiếp tục gọi điện cho lãnh đạo công ty xin ý kiến nhưng không có câu trả lời cụ thể?. 

Để tránh trường hợp “dây dưa”, ông Trần Văn Phúc yêu cầu: “Đến lúc này, công ty và ngư dân đã đồng ý thay thế thiết bị hư hỏng trên máy. Vì vậy, đề nghị các thiết bị này phải có xuất xứ rõ ràng, chính hãng của Doosan. Nếu không thì chúng tôi không cho sửa chữa và trong quá trình lắp đặt phải có sự giám sát của Trung tâm đăng kiểm nhà nước. Thời gian bảo hành là 12 tháng, đề nghị nếu sửa xong mà máy vẫn xảy ra sự cố, lỗi không phải do chủ tàu thì phải thay máy mới chứ không khắc phục”.

Vắng lãnh đạo doanh nghiệp, ngư dân bức xúc

Tại cuộc họp sáng nay 3.8, ngoài ngư dân Sơn thì còn 5 ngư dân khác có tàu hư hỏng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng được mời dự để thống nhất phương án sửa chữa. Tuy nhiên, cuộc họp lại thiếu sự có mặt của lãnh đạo công ty TNHH MTV Nam Triệu, nên ông Nguyễn Hoàng Tân- Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty không thể tự quyết định yêu cầu của ngư dân đưa ra mà phải xin phép lãnh đạo. Điều này, khiến nhiều ngư dân bức xúc.

“Qua nhiều cuộc họp, Công ty TNHH MTV Nam Triệu cứ cử những người không đủ thẩm quyền đến dự họp, trong khi ý kiến của ngư dân đã rất rõ ràng nhưng không có câu trả lời, gây khó cho cuộc họp và cho ngư dân”- ngư dân Lê Văn Thãi phản ứng.

img

Ông Trần Văn Phúc- Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định. Ảnh: D.T

Ông Trần Văn Phúc- Phó giám đốc Sở NNPTN Bình Định ra “tối hậu thư”: “Trong ngày mai, công ty phải có văn bản phản hồi chính thức về yêu cầu của ngư dân Trần Đình Sơn để chúng tôi xin ý kiến UBND tỉnh giải quyết dứt điểm. Hiện nay, Tổng cục hậu cần (Bộ công an) đã vào Bình Định để kiểm tra tình hình sửa chữa, khắc phục tàu 67 hư hỏng nên vụ việc này cần phải nhanh chóng thống nhất, không để mất thời gian thêm nữa”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem