Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.Hà Nội: Cấm ép dân dồn điền đổi thửa

Thứ năm, ngày 13/03/2014 07:28 AM (GMT+7)
Đó là quan điểm chỉ đạo của Sở NNPTNT TP.Hà Nội xung quanh việc tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn thành phố. Khi tiến hành, nếu dân không đồng thuận cũng phải dừng ngay việc DĐĐT.
Bình luận 0
Không được ép tiến độ

Trao đổi với phóng viên NTNN hôm 12.3 về việc xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội cưỡng chế dân DĐĐT, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Theo kế hoạch của TP.Hà Nội, đến cuối năm 2013 sẽ tiến hành xong việc DĐĐT. Tuy nhiên, hiện mới thực hiện được 94%, các địa phương còn lại, nếu người dân chưa đồng thuận sẽ dừng việc DĐĐT, kiểm tra lại quy trình”.

Bà Lê Thị Thoa mặc nguyên bộ quần áo bê bết bùn do bị công an xô  ngã dúi dụi xuống ruộng lên hội trường thôn phản đối.
Bà Lê Thị Thoa mặc nguyên bộ quần áo bê bết bùn do bị công an xô ngã dúi dụi xuống ruộng lên hội trường thôn phản đối.

Cũng theo ông Mỹ, quan điểm của thành phố không “ép” tiến độ các huyện trong việc DĐĐT. “Khi thực hiện DĐĐT phải có sự đồng thuận cao của người dân. Nếu địa phương nào người dân chưa đồng thuận thì sẽ dừng việc DĐĐT, để làm vào các năm sau, không “ép” dân DĐĐT bằng mọi giá” – ông Mỹ khẳng định.

Theo ông Mỹ, việc lãnh đạo UBND xã Xuân Dương “ép” người dân nhận ruộng trong điều kiện ruộng không bằng phẳng, kênh mương, bờ ruộng đắp chưa hợp lý là cần phải xem xét lại. Ông Mỹ cũng cho biết, nếu đúng như báo nêu và người dân kiến nghị, thì UBND xã Xuân Dương phải xem xét lại quy hoạch, quy trình DĐĐT. Không nhất thiết là phải hoàn thành DĐĐT trong năm nay, nếu điều kiện chưa cho phép. “Việc xã Xuân Dương hiện còn khoảng 400 mẫu ruộng chưa cấy, khi thời hạn mùa vụ đã hết cũng cần phải lưu ý” – ông Mỹ nói.

Được biết, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ kiểm tra lại vụ việc ở xã Xuân Dương, đồng thời xử lý nghiêm nếu phát hiện những sai phạm từ phía cơ sở, nhằm tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trong chủ trương DĐĐT của thành phố.

Sẽ cho kiểm tra lại

Hôm qua 12.3, để phản đối những việc làm sai trái trong DĐĐT của UBND xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, hàng chục hộ dân đã không cho con em của họ đến trường. Trong đó, trẻ em học mẫu giáo cỏ tỷ lệ nghỉ học nhiều nhất, sau đó là học sinh tiểu học và THCS.

Trong một diễn biến khác, về việc xô xát giữa công an và người dân làm chị Nguyễn Thị Lan - con gái của bà Lê Thị Thoa bị chấn thương nặng vùng đầu (NTNN đã phản ánh trong số báo 61/2014), đến chiều qua chị Lan vẫn liên tục nôn mửa.

Theo kết quả khám bệnh của bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa 103, thì chị Lan bị “sưng nề vùng trán – do bị đánh đập, hoặc va đập với vật thể cứng, chấn động não bộ”. Anh Lê Chí Cường - chồng chị Lan cho biết, sáng 12.3 anh đã đưa chị Lan về nhà điều trị, nhưng hiện nay chị Lan vẫn thường xuyên kêu đau đầu và nôn mửa, ăn vào nôn ra.

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Lê Thị Hà – Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai cho biết, bà đã nắm được vụ việc xô xát giữa công an và người dân thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương.

Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc xô xát này là do bà Lê Thị Thoa cấy “nhầm” vào ruộng đã chia cho hộ khác. Khi được chúng tôi thông tin, khu ruộng chân mạ bà Thoa cấy không nằm trong diện DĐĐT, bởi người dân đã đồng thuận giữ lại chân mạ, ruộng nhà ai người đó cấy, thì bà Hà lại bảo: “Để chúng tôi cho kiểm tra lại”.

Về việc chị Lan phản ánh, chị đã bị công an đánh, xô xát dẫn đến bị đập đầu xuống đất bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu, bà Hà cho rằng đó chỉ là sự xô xát, va chạm, chứ không phải công an… đánh.

Sự việc cưỡng chế bắt dân DĐĐT của chính quyền xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai là sai, đi ngược lại mục đích chung là tạo điều kiện thuận lợi, sử dụng quỹ đất hợp lý hơn cho các hộ dân phát triển sản xuất và việc đó cần phải thảo luận, bàn bạc và thống nhất từ chính quyền đến các hộ dân có quyền lợi liên quan chứ không thể làm theo kiểu tùy tiện như vậy được. Theo tôi, UBND TP.Hà Nội, huyện Thanh Oai và xã Xuân Dương cần phải họp bàn rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp thực hiện có sự đồng thuận cao từ phía người dân.
Nguyễn Thái Hà (Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên)

Chuyện dồn điền đổi thửa ở Thanh Oai, Hà Nội không khác gì ở thôn tôi. Không ít trường hợp người thân quen của cán bộ được ruộng tốt, ruộng gần. Có hộ trước đây canh tác 2 thửa, sau khi dồn điền đổi thửa lại thành 3 thửa, nhiều người đang canh tác ở ruộng gần nay bị đẩy đi xa cách 3 - 4 cây số. Khi người dân không đồng thuận thì an ninh xã ra uy hiếp. Người được lợi, người thiệt thòi thành ra mất cả tình làng nghĩa xóm. Sau khi người dân đấu tranh, thôn xã đã sửa sai nhưng việc giải quyết đến nay vẫn chưa thỏa đáng. Ép dân là sai. Nếu không có sự chỉ đạo rốt ráo của lãnh đạo cấp trên thì việc dồn điền đổi thửa lợi bất cập hại.
Bùi Mạnh Hùng (xã Trung Thành, Vụ Bản, Nam Định)

Việc dồn điền, đổi thửa ở xã tôi “nhẹ như lông hồng”. Trước khi tiến hành, xã đã phổ biến kế hoạch, đặc biệt là nói rõ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc dồn điền đổi thửa đến từng hộ gia đình. Sau đó xóm lập phương án, họp dân, lấy ý kiến. Khi bà con nhất trí phương án, thì tổ chức bốc thăm, được số nào thì vào vị trí đó. Thế là chẳng ai phàn nàn, thắc mắc. Tất nhiên cũng có người thuận lợi, có người khó khăn. Nhưng sự chênh lệch không đáng kể. Vấn đề cốt lõi ở chỗ phương án đưa ra phải hợp lý, phải được dân nhất trí, cán bộ phải khách quan.
Phạm Thị Lương (xóm Mới, Thanh Ninh, Thái Nguyên)


Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem