Lao xao đào Tết

Thứ tư, ngày 26/01/2011 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gặp phải mấy tháng cuối năm thời tiết khắc nghiệt khó lường, nên việc kiếm một cành đào rừng đẹp ở “đất đào” Sơn La để đón xuân Tân Mão quả là quá khó với những người ham thích đào rừng.
Bình luận 0

Náo nức từ nhà...

img

Chọn mua đào rừng.

Tảng sáng, khi con gà rừng trên vách núi Pha Luông vừa le te cất tiếng gáy thì cha con ông Mùa A Dơ (bản Pha Luông, Chiềng Sơn, Mộc Châu) đã lục đục kéo nhau dậy. Đeo chiếc gùi nặng trĩu với dăm cành đào rừng trên vai, lão vén sương mù, vượt núi ra Quốc lộ 6.

“Hôm nay là ngày mọi người cúng ông Công, ông Táo, nhà ai cũng muốn có cành đào, mình phải tranh thủ đi bán sớm dễ gặp khách hơn. Đào hôm nay đẹp, nếu bán được thì sẽ mua cho 2 đứa cháu và con dâu mình bộ quần áo mới mặc Tết”, ông Dơ hào hứng.

Trong nhà, Mùa A Lử (con trai lớn của ông Dơ) cũng chuẩn bị cho chuyến vạch núi tìm đào mới. Cố ních chân vào đôi giày vải cao cổ màu xanh lá cây đã rách bươm mũi và bật khuy, Lử bảo: Mấy năm nay đào rừng hiếm lắm nên phải lên núi cao, rừng vắng mới tìm được đào đẹp. Không có giày không đi rừng xa được đâu, đá tai mèo, gốc cây nhọn, gai rừng sắc lắm.

Bây giờ đào Pha Luông, Suối Thín, Hin Pén là loại đào mèo được khách ưa thích nhất, cành nhỏ nhưng vẫn có thể bán được tiền triệu như chơi...

Ba năm nay, cứ cận Tết cha con ông Dơ lại vạch núi tìm đào như thế. Có ngày chỉ kiếm được vài ba cành nho nhỏ nhưng cũng bán được mấy trăm ngàn. Phải hôm số đỏ, gặp cây đào mèo cổ thụ thì phải nhờ người đến khênh gốc hoặc lấy ngựa thồ cành mới hết.

"Hai năm trước, bố con em chỉ biết lấy ra bán lại cho mấy đại lý ngoài huyện Mộc Châu nên thu nhập cũng thấp. Năm nay thì chia nhau làm, con khoẻ thì đi rừng, bố già yếu thì đi bán, thu nhập cao hơn hẳn.

Năm ngoái, em kiếm được một cây đào già, cành mốc thếch, nhiều nụ, vừa bán, vừa mắng khách vẫn được dăm triệu anh ạ. Nhưng bây giờ khó kiếm đào đẹp lắm, em cũng cố gắng xong vụ đào Tết này lấy tiền mua con ngựa, sang năm làm đào dễ hơn", Lử nói.

Lập lờ thương hiệu

img

Anh Mùa A Tếnh ở Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La gùi hoa trên lưng đi bán rong dọc QL6.

Cũng theo Lử thì việc tìm đào mèo bây giờ khó không chỉ bởi đào hiếm, mà còn bởi quá nhiều người đi tìm đào về bán. "Họ chặt cành linh tinh cả lên, nhiều lúc nhìn những cành đẹp bị chặt nát thành những nhánh nhỏ (cho dễ vận chuyển) mà tiếc đứt ruột".

Đi làm đào được mấy năm, cũng thuộc diện ham học hỏi nên Lử biết thêm ít nhiều về văn hoá chơi đào của người dưới xuôi, biết chọn màu đào, cành thế, ước tính được thời điểm cành đào sẽ nở hoa... nên việc chạy hàng của anh hiệu quả hơn.

"Không biết những bí quyết đó thì có khi gặp cành đào đẹp mà chặt hỏng mất hoặc chọn phải cành nụ to, hoa nở quá sớm, chưa vác ra khỏi rừng đã rụng hết thì bán cho ai.

Đã lấy đào rừng sâu thì phải tính tới vận chuyển, không được lấy cành hoa sắp nở, vừa dễ rụng nụ, vừa nhanh tàn nên bị ép giá. Bí quyết đi lấy đào rừng của em là xấu rừng - đẹp chợ”.

img Hình như dưới xuôi năm nay ít đào nên dù đào ở đây không đẹp khách vẫn mua nhiều nên bán được giá. Hôm qua, tôi đã xuất được hai xe ô tô, thế là may mắn rồi... img

Chúng tôi kỳ công tìm hiểu mới biết, ngay cả những cành đào đang được bày bán dọc các tuyến đường Tây Bắc trong dịp Tết này chưa hẳn đã là đào rừng, đào mèo như người ta quảng cáo.

Theo ông Mùa A Dơ, ở Mộc Châu mấy năm gần đây đã trồng rất nhiều giống đào, trong đó có cả đào Nhật Tân, đào Pháp, đào phai, đào mèo... Do thương hiệu “đào rừng” bán chạy nên nhiều người cứ cắt cành các loại đào khác mang ra đường, quảng cáo là đào mèo. "Họ quảng cáo thế vì đã ai thấy nó nở hoa đâu mà biết.

Nhiều người chặt cả đào Pháp (thứ đào hoa ít, sắc xấu, nhanh tàn, chủ yếu trồng lấy quả)... mang ra đường thuê người Mông, người Thái bán mà vẫn đắt như thường. Còn nhìn cành, nhìn nụ mà phân biệt được thì phải là người hiểu đào mới biết",ông Dơ tiết lộ.

Đào núi ồ ạt về xuôi...

Ngày 24-1, chúng tôi theo chân ông Dơ cùng mấy người dân bản ra chợ thị trấn Mộc Châu mới thấy sự sôi động của chợ đào Tết. Từ xã Lóng Luông - nơi tiếp giáp với tỉnh Hoà Bình lên đến ngã ba Lóng Phiêng-nơi tiếp giáp với huyện Yên Châu (Sơn La) đã có tới gần trăm điểm bán đào lớn, nhỏ.

Đào bày bán hai bên đường, trên bục giao thông nơi ngã ba, ngã tư và cả được người dân địu bán ngay trên lưng như ông Dơ, ông Tếnh...

Anh Tráng A Lếnh - chủ một bãi đào ở xã Lóng Luông, bảo: Tôi cứ mua, bán theo cành; khách nhìn thấy nhiều nụ, nhiều nhánh là mua ngay, chẳng phân biệt đào gì cho mệt. Nhiều khách bỏ tiền mua đào nhưng cũng có hỏi đào gì bao giờ đâu. Hình như dưới xuôi năm nay ít đào nên dù đào ở đây không đẹp khách vẫn mua nhiều nên bán được giá. Hôm qua, tôi đã xuất được 2 xe ô tô, thế là may mắn rồi...

Tại ngã ba Pa Háng đầu thị trấn Mộc Châu, anh Hà Thanh Hải ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội đang cùng các cửu vạn chất đào lên chiếc xe tải to đùng. Anh Hải khoe: Mỗi năm tôi bỏ ra hơn trăm triệu mua đào từ Mộc Châu về. Tôi không mua cành to, cứ nho nhỏ với giá 200-500 nghìn đồng/cành là về Hà Nội rất dễ bán. Chỉ riêng cái tiếng đào mốc Mộc Châu này là đã 1 vốn 4 lời rồi. Nhưng không phải ai làm cũng được đâu nhé. Khối anh buôn đào, bán củi đấy...

Trước chợ đào ở Km64 (Mộc Châu), 6-7 phụ nữ đang loay hoay với những cành đào tua tủa nụ. Chị Nguyễn Thị An (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Chúng em là người buôn bán nhỏ ở chợ Đông Anh. Năm ngoái có người ở Sơn La về cho một cành đào mèo rất đẹp, lại có nhiều bông 6 cánh nên năm vừa qua làm ăn tốt lắm.

Năm nay, mấy chị em dành ra một ngày đi Mộc Châu để tìm mua đào mèo thờ Tết. Quá nhiều người gửi tiền mua giúp nhưng em chẳng biết đâu là đào mốc, đào mèo hay đào phai, đào Pháp... Thôi cứ mua đại theo ý chủ quán chỉ cho xong, may-rủi nằm trong nụ hoa cả...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem