Lập hội đồng điều tra độc lập tai biến văcxin Quinvaxem

Thứ năm, ngày 28/03/2013 13:12 PM (GMT+7)
GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm, đã nghiêm túc đề nghị như vậy sau các sự cố liên tiếp liên quan đến văcxin 5 trong 1 Quinvaxem.
Bình luận 0

Ông Bảng cho biết:

Về mặt nguyên tắc, tai biến tiêm chủng liên quan đến hai yếu tố chính là văcxin (chất lượng và quá trình bảo quản), người tiêm - người nhận văcxin.

img
Nhiều phụ huynh lo lắng trước những thông tin tai biến sau khi tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem - Ảnh: Thanh Đạm

Trong hướng dẫn của chương trình tiêm chủng, trước khi tiêm phải tiến hành thăm khám xem trẻ có đủ cân nặng, có bệnh sẵn, có đang sốt hay bị nhiễm trùng, có cơ địa dị ứng chống chỉ định tiêm chủng.

Về kỹ thuật tiêm, có văcxin yêu cầu tiêm trong da, có loại yêu cầu tiêm dưới da. Văcxin thường được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, nếu lấy ra mà tiêm ngay cho trẻ cũng dễ gặp phản ứng.

Ở vị trí người nhận văcxin là các cháu bé, phải xem có đúng đối tượng, đúng chỉ định. Trẻ có thể đủ cân, đủ tháng, nhưng có thể có cơ địa dị ứng với thành phần trong văcxin. Tôi đã đi nhiều nơi, trong đó có tuyến xã phường thấy việc thăm khám trước khi tiêm ngừa chưa kỹ.

Không nên cho phép lưu hành văcxin gây tử vong

Trong tình huống xuất hiện liên tiếp tai biến văcxin như hiện nay, ông cho rằng nên phản ứng như thế nào là phù hợp?

- Nên kiểm tra một cách đầy đủ nhất để làm sáng tỏ nguyên nhân tai biến là điều khó và phức tạp. Khi kiểm tra chất lượng văcxin phải kiểm tra mẫu văcxin sử dụng trước khi tiêm cho trẻ (sau bảo quản), vì có thể văcxin sản xuất ra tốt nhưng khâu bảo quản làm sai lệch.

Thành phần văcxin ngừa bạch hầu có hydroxit nhôm, nếu bảo quản bị đông đá sẽ gây ápxe cho trẻ được tiêm. Kiểm tra khâu hai là nhân viên tiêm chủng và trẻ được tiêm, nhân viên y tế chịu trách nhiệm về bảo quản văcxin, chỉ định tiêm, kỹ thuật tiêm, muốn kiểm tra nhân viên y tế là phải kiểm tra ba khâu này, đây cũng là ba khâu dễ sai sót thì các tai biến vừa qua đã kiểm tra đầy đủ chưa?

"Nghĩ đến tình cảnh của các bà mẹ có con bị tai biến, người mẹ như tôi cảm thấy lo lắng, nhất là khi biết nguyên nhân tai biến văcxin vẫn chưa được tìm ra, trong khi việc tiêm chủng bằng Quinvaxem vẫn diễn ra bình thường"

"Con gái tôi 23 tháng tuổi. Hiện đã tới thời điểm chích ngừa nhắc lại mũi 5 trong 1 cho bé, song tôi rất hoang mang vì muốn chích ngừa cho bé để phòng bệnh nhưng lại sợ"

Ngoài ra, cần lưu ý cơ thể nhận văcxin là trẻ em, phải khai thác kỹ thể trạng, cơ địa có từng bị dị ứng hay mẫn cảm với thành phần của văcxin. Thật ra khâu này ở nhiều phòng tiêm chủng không làm được.

Mà mỗi khi không làm được, có tai biến thì không tìm được là tai biến do cái gì. Tiêm văcxin cho phép một tỉ lệ nhỏ gặp các phản ứng phụ như sốt nhẹ, sưng chỗ tiêm..., nhưng văcxin có tỉ lệ phản ứng phụ là gây choáng phản vệ (ở trẻ em thường không cứu được), tử vong là không nên cho phép lưu hành.

Như ông nói văcxin có tỉ lệ nhất định gặp phản ứng phụ nặng, tử vong là không nên cho lưu hành, vậy với văcxin Quinvaxem gây hàng chục trường hợp tử vong và tai biến nặng trong bốn tháng qua, theo ông, việc tai biến vẫn diễn ra nhưng vẫn cho phép sử dụng văcxin bình thường có quá nguy hiểm?

- Như tôi đã nói, việc thăm khám cho trẻ trước khi tiêm phải đầy đủ các khâu như kiểm tra cơ địa dị ứng, cái đó hiện nay chúng ta thường bỏ qua, trong khi nếu làm đầy đủ thì có thể tìm được nguyên nhân. Về điều tra nguyên nhân toàn bộ các trường hợp, theo tôi, nên thành lập một hội đồng độc lập chứ giao cho đơn vị quản lý việc tiêm chủng là chương trình tiêm chủng mở rộng là không ổn.

Ở tuyến tỉnh cũng vậy, giao cho giám đốc sở y tế điều tra, họ cử mấy nhân viên đi kiểm tra, nhưng ai chả bênh nhân viên của mình. Theo tôi, đơn vị điều tra nguyên nhân phải độc lập với cơ quan nhập khẩu văcxin hay điều phối việc tiêm chủng thì việc điều tra mới khách quan. Việc điều tra nguyên nhân phải thật sự khách quan, cầu thị, vì cộng đồng.

Chuyện giá thành không thể đặt ra với tính mạng

Theo mô tả, hầu hết các trẻ gặp tai biến văcxin vừa qua đều khỏe mạnh. Ông có thấy để vụ việc diễn tiến đến mức này là bất bình thường?

- Chẳng thà trẻ bệnh tật phải vào viện và tử vong là một nhẽ, còn đây là các bé khỏe mạnh, không tiêm thì còn sống mà tiêm văcxin thì tử vong quá là đau xót. Nguyên nhân không do văcxin thì do người tiêm hay do cái gì khác phải tìm ra. Văcxin liên quan đến tử vong, theo tôi, phải tạm ngừng sử dụng đến khi tìm ra nguyên nhân mới cho tiếp tục. Làm nghề này phải trong sáng, đừng vì mục đích gì khác mà gây thiệt hại cho trẻ em. Các cháu khỏe mạnh mà chết thì xót lắm, bộ trưởng y tế phải xót xa những trường hợp này.

Thông tin chính thức của Tổ chức Y tế thế giới cho biết đã có một số nước như Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal... từng tạm ngừng sử dụng Quinvaxem do liên quan tai biến sau tiêm. Ở VN, mỗi năm đang có 1,5 triệu trẻ được tiêm ngừa bằng văcxin này và gần đây có nhiều trường hợp tai biến. Theo ông, VN có nên ứng xử như các nước là tạm ngừng sử dụng văcxin có tỉ lệ tai biến cao này?

- Theo tôi, cái gì không yên tâm thì dù rẻ cũng dứt khoát không nhập. Văcxin này do GAVI (Liên minh Văcxin và tiêm chủng toàn cầu) tài trợ, trong đó có tế bào ho gà là thành phần dễ gây dị ứng. Từ khi thế giới sản xuất được văcxin ho gà vô bào, họ đã khuyến cáo chuyển sang sử dụng loại văcxin vô bào an toàn hơn, chuyện giá thành rẻ đắt không thể đặt ra với tính mạng con người.

Nhiều năm làm việc trong ngành này, tôi thấy chuỗi phản ứng sau tiêm thời gian gần đây là vụ việc gây nhiều tử vong nhất trong lịch sử chương trình tiêm chủng. Trước đây, khi phát hiện văcxin ngừa dại sản xuất từ tế bào thần kinh có phản ứng phụ là gây liệt cho người được tiêm, hay văcxin ngừa bạch hầu bị đông đá, chúng tôi từng đề nghị hủy lô văcxin trị giá 700.000 USD và đề nghị ngừng sản xuất ở dây chuyền văcxin dại, gần đây thì không ai có những đề nghị mạnh mẽ thế đâu. Có thể không phải vì tiền, nhưng việc ngại ngần đó là vì quan hệ.

Theo Tuổi trẻ

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem