Lễ hội đang lệch chuẩn

Thứ sáu, ngày 10/02/2012 19:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều người Việt Nam năng đi lễ hội mà không hiểu nhiều lễ hội, không được trang bị những kỹ năng hành xử cần thiết; tín ngưỡng dân gian đang bị lạm dụng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề này.

Sau những gì báo chí vừa liên tục phản ánh, ông nghĩ thế nào khi niềm tin tâm linh trong lễ hội hiện nay có lúc bị hiểu sai, bị lợi dụng, bị đẩy đến mức độ mê tín?

- Đó là thực trạng biểu hiện tha hoá trong hành vi, trong niềm tin tâm linh, tôn giáo. Nó cũng phản ánh sự thiếu chuẩn, lệch chuẩn không chỉ trong lĩnh vực lễ hội. Như việc lễ bằng tiền thật, tiền lẻ tràn lan hiện nay, việc người đi lễ đông quá tràn hết cả ra đường gây ắch tắc. Hay quan niệm sai về câu “tả tơi đi hội”, cứ cho rằng lễ hội là phải chen chúc, xô đẩy, phải tơi bời lắm… Lệch chuẩn là kết quả của nhiều nguyên do khác nhau, nhưng tôi nghĩ đứng trước nó, chúng ta không đến nỗi bất lực.

img
Chen lấn và cướp lộc trong Lễ hội đền Trần 2012.

Vậy theo ông làm thế nào để toàn xã hội không đến nỗi bó tay, bất lực trước “vấn nạn” đi hội này?

- Lễ hội đã đi đến tình trạng “vượt chuẩn” thì phải có sự can thiệp của Bộ VHTTDL, thậm chí của Chính phủ. Chúng ta phải chấn chỉnh thật nghiêm túc để tránh những hiệu ứng xã hội lệch lạc. Phải chấn chỉnh cả hai đối tượng: Người dự hội không được tuỳ tiện, không thể vì sở hữu riêng mà coi thường cộng đồng. Họ cần được trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội. Còn nhà quản lý thì có ở cơ sở và ở cấp trên, cần có cơ chế, có sự giám sát để chống sự cả nể, vụ lợi. Vấn đề dân trí đâu chỉ đặt ra với người dân.

Được biết, Bộ VHTTDL đang tiến hành công tác quy hoạch lễ hội. Với tư cách là người nghiên cứu tôn giáo, ông có góp ý gì?

- Theo tôi cần phân định, phân loại, lễ hội truyền thống thì cần trả về cho chủ thể. Lễ hội của làng thì đưa về cho làng tổ chức, thực hiện, lễ hội của vùng cũng vậy. Những lễ hội mới, phát sinh những cái mới, khác thì theo quy mô, địa bàn giao cho các cấp địa phương, chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý.

"Quản lý lễ hội cần có những ứng xử chung và riêng. Phải có lối quản lý, xử lý riêng đối với những lễ hội đang thu hút hàng vạn người tham gia."

Hãy duy trì bản sắc lễ hội truyền thống song song với sự tồn tại các lễ hội mới và tạo sự đắp đổi, học tập để cùng nâng cao. Lễ hội truyền thống là tập hợp của các kinh nghiệm. Lễ hội mới là sự gợi ý của kỹ năng, phương pháp tổ chức để lễ hội truyền thống có thể áp dụng.

Tôi cũng cho rằng, ba nhà: Quản lý, nghiên cứu và truyền thông hãy cùng ngồi lại để đưa ra tiếng nói và những giải pháp linh hoạt. Còn tất nhiên, kỷ luật phải nghiêm!

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem