Mùa lễ hội 2012 như... chợ vỡ hỗn tạp

Thứ năm, ngày 09/02/2012 13:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các lễ hội đầu năm đang được ví như chợ vỡ, chỗ nào cũng chen lấn, chặt chém, tràn lan rác thải... Bản sắc văn hóa dân gian đã gần như mất dấu, cái còn lại chỉ là sự biến tướng, lai căng.
Bình luận 0

Sinh hoạt văn hóa mà nghèo văn hóa

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, truyền thông đã vẽ ra một bức tranh chân thực và… kinh khiếp về những lễ hội nổi tiếng trong “tháng ăn chơi”. Dường như sự xấu xí của nhiều người Việt dồn nén đâu đó quanh năm, chỉ đợi đến mùa lễ hội là bung ra, ngang nhiên hoà chung thành một đám đông hỗn tạp.

img
“Biển người” mặc trang phục quan họ và hát quan họ tại Hội Lim 2012.

Những thói xấu hàng ngày được dịp thể hiện đậm đặc trong các lễ hội, người ta xả rác bừa bãi, “chặt chém” nhau, đạp lên nhau để cướp lộc, chìm đắm trong các cuộc đỏ đen, mê muội trong lễ cầu cúng bái… Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng nhưng lại đang trở thành chỗ nghèo văn hoá nhất, và quan trọng hơn, nó phản ánh cái cách mà người Việt đang đối xử với nhau hàng ngày, trong những ngày- không- lễ- hội.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà nghiên cứu văn hoá lên tiếng và kêu cứu cho sự hỗn loạn tại các lễ hội ngày nay hòng “đánh thức” các quan chức, người dân nhưng có vẻ đây vẫn là câu chuyện lọt thỏm vào thinh không và không lời đáp.

Theo GS- TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, sở dĩ có hiện tượng hỗn tạp tại các lễ hội ngày nay là bởi vì có sự “đứt gãy” trong hiểu biết về lễ hội và tín ngưỡng dân gian sau một thời gian dài lễ hội bị ngừng lại vì chiến tranh, vì lịch sử.

Người Việt đang hiểu sai về lễ hội, về tín ngưỡng, thay vì đến đó để tôn vinh tinh thần nhân ái cộng đồng, để hiểu biết thêm về văn hoá lịch sử dân tộc thì người ta đi hội ngày nay với mục đích chính là cầu cúng, là mưu cầu tài lộc chức quyền. Vì thế mà phải chen lấn, mà phải đạp lên nhau để mong có phần hơn.

GS Trần Lâm Biền cho biết thêm: “Lễ hội là nơi con người thể hiện ứng xử văn hóa đối với thần linh, cộng đồng, kéo con người ra khỏi tính cá nhân chủ nghĩa để yêu thương nhau hơn. Người ta đến với lễ hội là để được giao hoà với thần linh, với thiên nhiên, với cộng đồng, vì vậy mới có được sự thanh thản trong tâm linh. Còn ngày nay, chen lấn trong sự quá tải và phải đối mặt với sự chặt chém ngay từ chỗ gửi xe, thì đi hội đúng là một cực hình”.

Còn đâu gốc tích

Có lẽ nếu vô tình được sống lại vào thế kỷ XXI này, các bậc tiền nhân sẽ không thể nào hiểu được cái đám đông chen chúc hỗn loạn mỗi dịp sau Tết ở những nơi có đền chùa kia lại được người ta gọi là… lễ hội. Sự biến tướng và mất dấu của yếu tố văn hoá dân gian đã trở thành vấn nạn.

Một câu chuyện nóng hổi đầu năm nay là kỷ lục đông người mặc trang phục quan họ và hát quan họ ở Hội Lim (Bắc Ninh) đang khiến các nhà nghiên cứu đồng thanh phản đối.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tô Ngọc Thanh cho biết: “Quan họ là lối hát giao duyên tình tứ giữa những anh Cả, chị Hai vùng văn hoá Kinh Bắc, giờ lại tập hợp nhau lại thành một dàn đồng ca mấy ngàn người để lập kỷ lục thế kia thì còn lại gì là chất duyên dáng, tình tứ nữa. Tại sao một lễ hội thuần chất phương Đông lại bắt chước, lai căng phương Tây như vậy mà không thấy cơ quan quản lý văn hoá nào lên tiếng?”.

“Nhiều yếu tố văn hoá dân gian của các lễ hội xưa đã thực sự bị hiểu sai, bị biến tướng, và việc giáo dục một văn hoá đi hội cần phải làm từ nhiều thế hệ mới cải thiện được tình trạng này”.

Hội Đền Trần (Nam Định) mấy năm gần đây nổi tiếng hơn vì sự chen lấn cướp ấn, bán ấn cũng bởi vì người dân hiểu sai về lá ấn. Thay vì một biểu tượng của sự bình an đầu năm, lá ấn được “biến tướng” thành lá bùa đảm bảo người có nó sẽ thăng quan tiến chức, vậy là phải lao vào tranh cướp, mua bán...

Hội ném đá ở Phú Thọ tương truyền từ thời Vua Hùng thứ 18, nhằm xua đuổi thú dữ khi tiễn Đức thánh Tản lên thuyền. Sau nhiều năm đứt quãng, vài năm gần đây, lễ hội này đã bị một số người dân lợi dụng để ném nhau tới sứt đầu mẻ trán.

Hội cướp Phết ở Hiền Quang (Tam Nông, Phú Thọ) cũng sai lệch với nguyên gốc, khi thời xưa, quả Phết được tung lên cao, rơi vào ai, người đó sẽ được may mắn, còn ngày nay, nó được tranh cướp trong một trận ẩu đả của các thanh niên trai tráng, có người còn ngất lịm đi. Các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, bịt mắt bắt gà vịt... ngày càng vắng bóng hoặc chìm nghỉm trong biển cờ bạc đỏ đen.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem