Lên tận bản làng mở lớp dạy nghề

Trương Hồng Chủ nhật, ngày 27/10/2019 19:10 PM (GMT+7)
Nhờ sự “cầm tay chỉ việc” qua các lớp đào tạo nghề cho nông dân Quảng Nam mà trình độ tay nghề của bà con được nâng lên rõ rệt, mạnh dạn đưa máy móc vào đồng ruộng. Việc học nghề cũng thuận lợi hơn với các lớp được mở ngay tại thôn, bản, làng...
Bình luận 0

Nắm bắt nguyện vọng trước khi mở lớp

Những ngày đầu tháng 10/2019, Trung tâm Dạy nghề Thanh niên, Trung tâm Dạy nghề - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã bế mạc nhiều lớp dạy nghề cho nông dân, thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên cho biết, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) phát huy hiệu quả, thời gian qua trung tâm luôn xác định phải tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động trên địa bàn, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và nhu cầu của người học. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn.

img

Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân Quảng Nam đến tận cơ sở để hướng dẫn nghề cho đồng bào miền núi.  Ảnh: T.H

img

Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân Quảng Nam hướng đến mô hình dạy nghề tận cơ sở, các thôn bản làng vùng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Thận, qua các hợp đồng đào tạo nghề, trong năm nay trung tâm đã khai giảng 42 lớp nghề. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức giao nhận và thu hồi công nợ phân bón vụ đông xuân 2018-2019 cho Hội Nông dân 108 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, thị xã với số lượng phân bón tiêu thụ là 4.575 tấn, tổng giá trị hơn 50 tỷ đồng.

“Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần làm thay đổi nhận thức cũng như tư duy sản xuất của một bộ phận người dân nông thôn trên địa bàn, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó chú trọng các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có tại địa phương…” - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thận - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân Quảng Nam chia sẻ: “Thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức để hội viên nông dân nắm được chủ trương dạy nghề; huy động tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có tay nghề cao tham gia dạy nghề. Cùng với đó, tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở dạy nghề, các ngành nghề đào tạo cũng đa dạng hơn, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo các nghề để phát triển các làng nghề truyền thống, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi thú y, dịch vụ nông nghiệp…

“Thông qua công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng cao trình độ tay nghề, sau đào tạo các học viên đã có được những kiến thức cơ bản, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây con mới và thiết bị máy móc vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cơ cấu lao động ở nông thôn” - ông Thận đánh giá.

80% số học viên tự tạo được việc làm

img

Bế giảng lớp học trồng lúa cho năng suất cao của Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân Quảng Nam dành cho các nông dân trên địa bàn tỉnh. 

Ông Thận cho hay, gần 80% số LĐNT sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp đều tự tạo được việc làm, một số lao động sau khi được đào tạo đã mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, máy móc tại gia đình, tự bản thân có thể phòng và trị các loại bệnh thông thường trên đàn vật nuôi. Với học viên học các nghề phi nông nghiệp, sau khi được đào tạo, trung tâm đã giới thiệu, tư vấn cho các lao động được vào làm việc tại các cụm, khu công nghiệp và tư vấn xuất khẩu lao động.

Để việc đào tạo nghề cho học viên được đảm bảo tốt hơn, trung tâm đã bố trí các phòng của ký túc xá mới để cho giáo viên, học viên của trung tâm sử dụng trong thời gian tham gia các lớp đào tạo nghề. Cùng với đó, trung tâm đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề lưu động với nhiều mô hình tạo cơ hội cho cho các đối tượng LĐNT như: Hộ nghèo, cận nghèo, lao động neo đơn, người dân tộc thiểu số, lao động nông nhàn... dễ dàng đến lớp.

Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân Quảng Nam cũng đã cố gắng giảm thiểu mọi chi phí cho người tham gia học nghề, như: Tiền xăng xe đi lại, ăn ở, lưu trú... trong suốt quá trình tham gia học nghề. Từ đó, các khoá đào tạo nghề theo mô hình lưu động tại các vùng nông thôn, miền núi; thậm chí đến tận các làng bản xa xôi do đơn vị tổ chức đã thực sự thu hút người dân nông thôn.

“Họ đến lớp với tinh thần tự nguyện và xác định học là để áp dụng vào thực tế sản xuất, là để làm nghề. Nhờ vậy, hiện nay tại các vùng nông thôn, miền núi của Quảng Nam đã xuất hiện thêm nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, trên các lĩnh vực” - ông Thận chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem