Lịch sử và những địa danh lưu dấu bước chân chúa Nguyễn Ánh

Hai Miệt Vườn Thứ hai, ngày 06/10/2014 15:05 PM (GMT+7)
Khoảng thời gian từ 1775 đến hết thế kỷ XVIII, Nguyễn ánh bôn tẩu khắp chốn rừng, đảo, sông rạch vùng Cửu Long. Một phần tư thế kỷ gắn chặt với cuộc đời bôn tẩu và phục quốc của vị vua đầu nhà Nguyễn, …
Bình luận 0

1. Từ sự thật lịch sử - chân dung Nguyễn Ánh

Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phước Ánh, còn có tên là Chủng và Noãn, sinh năm 1762, con thứ ba của Nguyễn Phước Luân. Luân được triều Nguyễn truy tôn Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế, mẹ Ánh là Hiếu Khang hoàng hậu, một trong ba người vợ của Luân. Năm 1778, Nguyễn Ánh được các tướng lĩnh Đàng Trong ở Nam Bộ tôn là Đại Nguyễn soái Nhiếp quốc chính, đến 1780 xưng vương, trở thành người đứng đầu các lực lượng chống Tây Sơn trên địa bàn phía Nam sông Gianh.

Trải qua nhiều lần quân tan tướng chết, trốn lánh bôn ba, cầu viện nước ngoài, thậm chí giao cả con là Phước Cảnh cho Pigneau de Béhaine đưa qua Pháp cầu viện, năm 1788 Ánh chiếm lại được Gia Định. Năm 1802, Nguyễn Ánh bắt được Quang Toản, tiêu diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, và trở thành vị vua đầu triều Nguyễn với niên hiệu là Gia Long.

img

Kênh Chắc Băng – Cà Mau

Sử quan triều Nguyễn chép: Ánh giỏi dùng súng điểu thương. Ánh cũng giỏi bơi lội, thạo chèo thuyền. Một số tài liệu nước ngoài còn tả Nguyễn Ánh lúc đúng tuổi “dáng người cao trung bình, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm”, “màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi, …”.

2. Những địa danh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long lưu dấu bước chân Nguyễn Ánh

Tương truyền chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Chúa Nguyễn xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là “Cầm Thi Giang”. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ. Tất nhiên do là giai thoại nên chưa chắc mọi người đã đồng thuận hoàn toàn với cách giải thích đậm chất dân gian như vậy.

Một lần khác thuyền chúa Nguyễn trong rạch sắp ra đến ngoài vịnh, bỗng có hai con rái cá lội ngang chặn mũi thuyền lại. Xem thấy có điều bất thường, Nguyễn Chúa muốn quay lại, nhưng không còn kịp. Quả nhiên gặp một đội thuyền chiến của Tây Sơn chặn đánh. Đoàn thuỷ binh của Nguyễn Ánh sắp bại đến nơi, thì may sao trời nổi giông gió dữ dội, làm đắm các chiến thuyền của Tây Sơn, chúa Nguyễn nhờ đó thoát nạn.

Sau khi lên ngôi, Gia Long hoàng đế đã xuống lệnh phong cho đàn cá sấu là “Tân Ngạc Ngư Long” và phong cho hai chú rái cá kia là “Lang lại nhị đại tướng quân”. Dân gian cho rằng địa danh Lại Sơn hay Hòn Sơn Rái có từ đó. Nay địa danh này là xã đảo của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Thời gian Nguyễn Ánh chạy đến vùng Sa Đéc, Vĩnh Long, chúa đến ẩn náu tại một vùng đất, mà sau này chúa dùng hai chữ Long Hưng để làm tên gọi. Cạnh rạch Long Hưng có cội da, Nguyễn vương thường đến đây câu cá. Dân gian gọi là cây đa Bến Ngự.

Cũng gần vùng đất này có nền đồn của Đức Cao Hoàng giá ngự, vuông vức 6 công đất, nền đất thuộc Long Hưng, gần vàm Nước Xoáy (Hồi Oa). Những địa danh này thuộc vùng đất Đồng Tháp, gần giáp giới Vĩnh Long ngày nay.

Ca dao có câu rằng:

Ngó lên Nước Xoáy ngùi ngùi/ Nhớ ông Cao Tổ vua tôi một lòng

Dân gian kể rằng khi chúa Nguyễn chạy đến vùng đất Mỹ Xuyên xưa (nay thuộc đất Sóc Trăng), định theo dòng Mỹ Thanh ra biển, đồng bào Khmer ở đây nấu cơm dâng vua. Cơm chưa kịp chín, quân Tây Sơn đã đuổi tới. Vua phải tức tốc bôn tẩu. Người nấu cơm vội vàng thốt lên “bay xao”, “bay xao”, âm tiếng Khmer nghĩa là “cơm sống”. Địa danh Bãi Xào gọi trại ra là vì thế.

Cũng tại cửa sông Mỹ Thanh, một đồn binh được thiết lập khi chúa Nguyễn Ánh lánh nạn ở Cồn Đầm. Đồn binh này ngày nay không còn, nhưng còn câu chuyện, lúc đến đây, một vị công nương của chúa không chịu thấu nỗi gian lao và cũng đã từ giã cõi đời. Hài cốt vị công nương ấy được vùi chôn tại làng Tân Khánh. Tây Sơn lại tấn công, chúa Nguyễn phải bôn đào, việc trông nom ngôi mộ của vị công nương ấy được giao lại cho một người Hoa tên Yết. Về sau, Gia Long ban cho chú Yết rất trọng hậu, phong chức tri phủ, lại cho được quyền thu hoa lợi tất cả các cơ sở đánh cá dọc Nam Hải, giữa khoảng vàm Mỹ Thanh và cửa Hoành Tẩu, địa danh Phủ Yết được đặt như để đánh dấu một thời, …

Khi Nguyễn vương tránh quân Tây Sơn tại Cái Rắn (Bạc Liêu), thì việc khó khăn nhất là nước uống, bởi khắp xóm này không có chỗ nào cung cấp nước ngọt thường xuyên ngoài giọt mưa trời. Lúc ấy, tháng hạn, nước ngọt cạn kiệt. Không thể làm khác hơn, Nguyễn vương cho quân đặt bàn hương án giữa trời khấn vái. Xong việc, vua cho đào ngay giếng tại nơi đó. Khi giếng đào xong, nước múc lên nếm thử thì thấy ngọt. Giếng ấy ở xóm Cái Rắn, Tân Hưng (nay thuộc thị xã Bạc Liêu), vẫn còn sau hơn 200 năm tồn tại. Dân gian trong vùng gọi là Ao Ngự.

Cũng thời gian này, từ rạch Cái Rắn, quân Nguyễn vương đi lần tới biển, qua rạch Rau Dừa rồi tới rạch Cái Nước để vào vịnh Thái Lan. Trong cuộc hành trình, nhà vua và đám tuỳ tùng dừng chân tại một nơi thuộc hữu ngạn sông Bảy Háp, chỗ vàm Cái Nước đổ ra. Dân chúng trong vùng có đến yết kiến, từ đó nơi này được gọi là vùng Ngài Ngự, sau đổi là Giá (xe vua) Ngự cho đến ngày nay. Dân gian còn dùng từ Long Ẩn (vua trốn) để đặt tên cho một con kinh khác ở Cái Rắn.

img
Một góc hòn Lại Sơn (Kiên Hải – Kiên Giang)Tại vùng rừng Năm Căn, những năm đầu thế kỷ XX, người trong vùng tình cờ phát hiện được chiếc thuyền mà họ gọi là thuyền Ngự (thuyền của vua) với nhiều vật dụng có giá trị. Động lòng tham nhiều kẻ lấy cắp mang về nhà. Nhưng rồi sau đó, những kẻ sở hữu “đồ vua” không bệnh tật thì cũng gặp nạn nọ nạn kia, sợ hãi họ mang đến chỗ cũ hoàn lại.

Người già còn truyền khẩu rằng những ngày lành tháng tốt, nửa đêm gà gáy, người trong vùng còn nghe tiếng quân sĩ hò reo như đang ở sa trường máu lửa, … Màu sắc huyền hoặc ấy, ngày nay không khó để lý giải. Có điều dấu tích chiếc thuyền ngự nay đã bị phù sa bồi đắp, đước vẹt mọc xanh tốt như bao nơi khác của cánh rừng U Minh hạ bạt ngàn.

Năm 1783, khi bị Tây Sơn truy nã ráo riết, Nguyễn Ánh đến vùng U Minh. Trong đoàn tuỳ tùng có công chúa Ngọc Hạnh. Rừng thiêng nước độc, công chúa nhuốm bệnh thương hàn và bỏ mình tại đây. Thương con, Nguyễn vương cho dựng một đền thờ cạnh mộ, dân gian quen gọi là Cạnh Đền. Địa danh này thuộc Ninh Thạnh Lợi (Bạc Liêu).
img
Một góc rừng Cà Mau – gần địa danh Cạnh Đền
Một lần thuyền chúa đang ở giữa dòng kinh mà lúc đó chưa có tên gọi. Nguyễn Ánh ốm nặng, sợ không qua khỏi, nhà vua trăn trối với ba quân rằng:

- Cơn bệnh ngặt nghèo của trẫm lương y không chữa hết. Chắc trẫm phải băng rồi. Thương cho việc phục quốc không thành! Đáng buồn thay!

Nhưng sau đó, vua được các lương y hết lòng cứu chữa nên qua khỏi. Dân gian truyền lại câu chuyện vừa kể và nhắc lại lời vua ngày ấy: Trẫm chắc băng! Cuối cùng Chắc Băng đã trở thành một địa danh ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang (ngày nay)

Vị chúa ấy, có lúc phải cùng đoàn tuỳ tùng đi qua vùng Long An, phải nhờ ông Hóng giúp đỡ. Ông Hóng là một cự phú ở vùng Vàm Cỏ Tây ngày nay. Khi ấy, đoàn thuyền chở chúa đến đây, thì hết lương phải dừng lại, Nguyễn Ánh sai thị thần đến làng Bình Lãng, Tân An xin ông Hóng “bữa cháo”! Ông Hóng cho gia nhân đào con kênh nhỏ từ nhà thông ra sông Vàm Cỏ để chở lúa ra sông … tiếp tế. Con kênh ấy gọi là kênh “ông Hóng”, có kênh dẫn nước, cư dân thời bấy giờ nuôi vô số vịt con, và thế là sự kiện ấy dần dần hoá thân vào lời ca dân gian, …

Theo dòng giai thoại, chúng ta còn gặp được trong dân gian vùng đất Bến Tre (Kiến Hoà xưa) giai thoại về hai cô gái bán lụa giúp thuyền Nguyễn Ánh vượt qua nguy kịch. Tương truyền, trong lúc thuyền chúa đang lênh đênh giữa dòng sông rộng thì thình lình giông gió nổi lên, mây đen kịt kéo phủ đầy trời.

img

Sông Hậu chảy qua Cần Thơ

Mọi người ra sức chèo chống, chẳng may dây cột buồm và dây cột bánh lái đứt ra. Thuyền ngừng hẳn, mặc cho sóng nhồi, gió tạt, quan quân sợ hãi làm rớt cái chiên lệnh xuống dòng sông. Từ đó, dân gian gọi sông này có tên là Cổ Chiên, để ghi nhớ ngày Gia Long tẩu quốc (?). Chống chèo không được nữa, nhà vua cùng tuỳ tùng ngửa mặt lên trời cầu nguyện trong tuyệt vọng. Bỗng đâu, từ xa vang lên câu hò:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau em đợi/ Kẻo giông khơi đèn mờ mịt hiểm nguy

Quan quân trông vọng vào nơi đó. Một chiếc ghe nan lướt sóng chèo đến thuyền vua. Tới nơi, họ ngơi tay chèo, nghe kể rõ tình thế, các cô vội vàng lấy ra nhiều cuộn tơ bông trăng quăng sang. Thì ra, hai thiếu nữ này là người buôn tơ sợi, nhân dịp mua tơ về, gặp thuyền chúa nguy nan nên giúp đỡ.

Sau khi lên ngôi, Gia Long cho người tìm đến hai người con gái năm xưa để đền đáp công lao cứu tử. Nhưng họ đã lìa đời, nhà vua ban sắc phong và truyền lập miếu thờ tại làng Đa Phước Hội. Miếu Hai Bà hay chùa Hai Bà đến nay vẫn còn.

img
Đoạn sông gần Vàm Mỹ Thanh – Sóc Trăng.

Những truyền thuyết loại này không những nhiều mà vẫn còn lưu truyền ở hầu khắp các tỉnh Tây Nam Bộ. Thực hư chưa thể thẩm định, nhưng nó đã góp phần quan trọng cho những tiểu thuyết dã sử trên văn đàn Sài Gòn đầu thế kỷ XX, với đề tài Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc luôn hấp dẫn người thưởng thức xa gần, bởi hàm ý chống lại chính quyền thực dân đương thời của nó. Sự ảnh hưởng giữa giai thoại dân gian và văn học quốc ngữ về vấn đề Gia Long là một hiện tượng lý thú cần được giới nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, lý giải sâu sắc hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1988.
2. Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại, tập 2; tập 8, Nxb Giáo dục, H. 2001.
3. Cao Tự Thanh, Lịch sử Gia Định, Sài Gòn trước 1802, Nxb Văn hoá Sài Gòn, 2007.
4. Tài liệu sưu tầm điền dã dân gian ở Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem