Lo cho câu hát Lải Lèn

Thứ năm, ngày 03/05/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làn điệu múa hát Lải Lèn của người dân làng Nội Chuối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã có từ hàng trăm năm, đậm màu sắc linh thiêng... Giờ đây, điệu hát cổ này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Bình luận 0

Điệu hát múa độc đáo

Không ai còn nhớ nổi câu hát Lải Lèn có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ già trong làng kể lại rằng: Xưa, trong cuộc đấu tranh chống quân Lương, Triệu Quang Phục đã lợi dụng địa thế hiểm trở của vùng đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) và nhiều vùng thuộc ngã ba sông Hồng để làm căn cứ. Sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua, Triệu Việt Vương đã về thăm lại vùng đất trú quân năm xưa. Nhân dân vui mừng tổ chức đón rước long trọng và múa hát Lải Lèn có lẽ cũng bắt đầu từ dịp đó.

img
Múa hát Lải Lèn ở xã Bắc Lý (Hà Nam).

Theo các cụ già ở làng Nội Chuối thì "lải" là từ dùng để chỉ các cung nữ múa hát chúc rượu cho vua, còn “lèn” là điệu múa của các cung nữ đó. Múa hát Lải Lèn là một loại hình ca múa dân gian lâu đời với những trình thức, khúc thức rất độc đáo, được kết hợp múa hát liên tục (miệng hát, tay múa và chân giậm theo nhịp điệu), gồm có 32 làn điệu. Mỗi bài là một làn điệu khác nhau và mỗi làn điệu ấy lại nhằm diễn đạt một nội dung hay ý nghĩa riêng.

Hát Lải Lèn không có nhạc làm nền mà người biểu diễn chỉ dùng đôi sênh phách tre gõ theo lời ca, lúc trầm, lúc bổng. Đội múa hát Lải Lèn xưa gồm có 12 trinh nữ, độ tuổi 15- 18, răng đen hạt na, đầu quấn khăn đỏ có thêu kim tuyến, trong mặc áo dài đỏ, quần đen, ngoài khoác áo mã tiên. Cùng đó sẽ có 8 chàng thanh niên trai tráng, to khỏe, rắn chắc, vạm vỡ đóng giả đi theo hầu vua.

Trăn trở với di sản

Dù đã ở vào "tuổi xưa nay hiếm" nhưng bà Lưu Thị Ngần- một trong những nghệ nhân hiếm hoi có công lưu giữ và truyền dạy về câu hát Lải Lèn vẫn còn minh mẫn. Bà bảo, trước kia, đình làng Nội Chuối to đẹp có tiếng, những cột lim kê đá tảng lừng lững uy nghiêm.

 Cứ vào cữ "hai nhăm tết" là 12 cô gái và 8 chàng trai thanh tân lại tụ họp ở đình và được các thầy Lải dạy múa hát. Tối mùng 2 tết, mọi nghi thức, giai điệu, lời ca được ôn luyện thật kỹ, thật nhuyễn, chuẩn bị cho ngày mùng 3 chính hội. Thế rồi chiến tranh loạn lạc đã làm đứt đoạn những kỳ hội làng đáng nhớ ấy.

Sau khi tỉnh nhà tái lập, năm 1999, cùng với nhiều miền dân ca đặc sắc của quê hương núi Đọi - sông Châu, múa hát Lải Lèn thêm một lần được phục dựng, tôn vinh. Những cảnh múa hát được dựng lại, được ghi hình và lưu truyền rộng rãi với khách gần xa. Thế nhưng cũng chỉ có thế, nhiều năm nay tục múa hát Lải Lèn đã không còn hiện hữu trong những dịp hội làng.

“Câu hát Lải Lèn đặc sắc, tồn tại đến nay là do không bị pha trộn hoặc mất đi cái riêng có trong sự giao thoa, đan cài giữa các văn hóa vùng miền”.

Cho đến hôm nay, bà Ngần vẫn say sưa truyền dạy cho con cháu từng câu hát Lải Lèn, những mong nó không bị rơi vào lãng quên. Chị Lưu Thị Thủy- Chủ nhiệm CLB Hát múa Lải Lèn của làng Nội Chuối tâm sự:

"Mẹ tôi trước đây cũng là một thành viên đội múa hát Lải Lèn. Vì mến câu hát mà tôi đã tham gia thành lập CLB được gần 3 năm nay. Chị em mê hát xúm vào tự đóng kinh phí để tập tành, múa hát với nhau cho khuây khỏa sau những ngày lao động mệt nhọc, nếu ở đâu có hội làng mở được mời biểu diễn thì đi".

Sau những lời tâm sự, cả già Ngần và chị Thủy đều thở dài: "Câu hát Lải Lèn nổi tiếng nhưng thực ra rất ít người biết đến, chả nói đâu xa ngay cả chính quyền địa phương cũng chẳng mặn mà. Mà đã không có quan tâm thì làm sao có đầu tư kinh phí để truyền dạy, duy trì. Kiểu này, năm, bảy năm nữa khéo câu hát Lải Lèn cũng chỉ còn là hoài niệm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem