Lo ngại bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 15/09/2017 06:18 AM (GMT+7)
Tới tháng 8.2017, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm 70% quỹ sử dụng trong năm 2017. Dự kiến năm 2017, mức bội chi sẽ trên 10.000 tỷ đồng. 
Bình luận 0

51 tỉnh đã bội chi lớn

Theo ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), nếu tiếp tục tình trạng bội chi như trên, Quỹ BHYT cố lắm cũng chỉ có thể đảm bảo được trong năm 2018-2019.

img

Xét nghiệm máu thường được chỉ định dễ dãi nhất (ảnh minh họa). Ảnh: Diệu Linh

Theo thống kê của BHXH VN, tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%; thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm, như tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị.

Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi trong năm 2017; nhiều địa phương dự kiến bội chi từ 500 – 1.000 tỷ đồng (Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà nẵng...). Chỉ có 4 tỉnh cân đối được Quỹ BHYT: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk. Theo ông Phúc: “Dự kiến năm 2017, số bội chi trên 10.000 tỷ đồng”.

Theo BHXH VN, các nguyên nhân khách quan làm tăng chi phí Quỹ BHYT như: Tăng giá viện phí, thông tuyến khám chữa bệnh, nâng mức hưởng đối với một số nhóm đối tượng (cận nghèo từ thanh toán 95% lên 100% tiền viện phí có BHYT), miễn đồng chi trả khi đã tham gia 5 năm liên tục...

Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình lạm dụng xét nghiệm, trục lợi Quỹ BHYT vẫn diễn ra hết sức tinh vi.

“Một số cơ sở y tế còn soạn sẵn bộ con dấu quy định hơn 10 xét nghiệm. Bệnh nhân nào vào khám cũng áp con dấu đó vào như là quy trình bắt buộc, chỉ định của bác sĩ. Qua trao đổi, Bộ Y tế cũng không đồng tình với hiện tượng này. Theo đó, bệnh nhân nào đến phải xem xét để có những xét nghiệm phù hợp chứ không áp dụng đồng loạt như nhau” - ông Phúc ví dụ.

Ngoài ra, việc kê thêm giường bệnh cũng là vấn đề nhức nhối. Theo ông Phúc, có những bệnh viện tăng hơn 40% chi phí do thêm giường bệnh.

“Tại Hà Tĩnh vẫn còn tình trạng bệnh viện có giường thực tế tăng so với giường trong kế hoạch tăng 400%; ngoài ra việc sử dụng thuốc còn không phù hợp và vẫn dùng những loại có giá đắt trong khi có nhiều loại tương ứng giá rẻ hơn” – ông Phúc ví dụ thêm.

Hàng nghìn người khám bệnh 8 lần/tháng

Theo báo cáo của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH VN), có rất nhiều bệnh nhân đi khám bệnh nhiều lần trong tháng một cách bất thường.

Qua theo dõi trên hệ thống trong giám sát đợt 3, BHXH VN phát hiện 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh bình quân từ 8 lần/tháng với tổng số khám là hơn 100.850 lượt, chi phí BHYT hơn 20 tỷ đồng. Có 732 bệnh nhân đã khám từ 3 cơ sở y tế trở lên trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.2017, với tổng lượt khám là 732, Quỹ BHYT chi gần 11 tỷ đồng.

Có 15 tỉnh, thành tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh: Bình Phước 39,9%; Khánh Hòa 34,2%; Hậu Giang 33%. Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt có một số tỉnh gia tăng trên 70%: Kon Tum; Lạng Sơn; Khánh Hòa”.

Ông Đàm Hiếu Trung

Ngoài ra tỉnh Bạc Liêu cũng có tần suất khám, chữa bệnh là 2,06 lần/thẻ cao nhất toàn quốc, tại Đồng Nai là 1,57 lần/thẻ, trong khi tính chung toàn quốc là 1,14 lần/thẻ.

Cụ thể như bệnh nhân Tiền Văn B (Bạc Liêu) mã thẻ BT2950100800533 khám, chữa bệnh 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền 30.367.033 đồng. Bệnh nhân Tiền Văn B. (Đồng Nai) mã thẻ BT2950100800533 khám, chữa bệnh 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền 30.367.033 đồng. Không chỉ khám ở Đồng Nai, ông B còn đi một số cơ sở y tế ở TP.HCM để khám.

“Các trường hợp nêu trên, BHXH VN đã yêu cầu các tỉnh/thành phố thực hiện giám định trực tiếp theo đúng quy trình giám định, thu hồi các khoản chi không đúng quy định và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương” - ông Đàm Hiếu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết. Theo báo cáo, 7 tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 91 triệu lượt khám bệnh theo thẻ BHYT với đề nghị thanh toán là 46.686 tỷ đồng.

“Có 15 tỉnh, thành tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh: Bình Phước 39,9%; Khánh Hòa 34,2%; Hậu Giang 33%. Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt có một số tỉnh gia tăng trên 70%: Kon Tum; Lạng Sơn; Khánh Hòa” - ông Trung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem