Theo ông Phạm Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện nay cả nước còn 5 tỉnh: Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh và Điện Biên có DTX chưa qua 21 ngày. Dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Lạng Sơn, Bình Dương và Đồng Nai.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, sở dĩ dịch tiếp tục có những dấu hiệu đáng lo ngại và ngày càng khó kiểm soát là do các địa phương chậm phát hiện dịch và chỉ đạo thiếu quyết liệt. “Đặc biệt, ở Lạng Sơn và Đồng Nai chính quyền còn loay hoay với việc đưa ra chính sách hỗ trợ nên dẫn đến tình trạng dân bán chạy lợn. Ngay cả cơ quan thú y vùng cũng chủ quan với dịch nên kết quả phòng chống rất hạn chế” - ông Tần nói.
Ông Trần Thế Xường- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lo ngại, ở những điểm nóng về DTX như Đồng Nai, Bình Dương, việc kiểm soát con giống hiện rất lỏng lẻo. Nhiều địa phương chưa có quy trình kiểm soát giống an toàn và những giống có nguy cơ nhiễm bệnh nên nhiều khả năng sẽ thiếu giống sạch để tái đàn sau dịch. Ông Phạm Công Thiếu- Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi “hiến kế”, thời điểm này nên hướng tiêu dùng vào lợn sữa, giữ lại đàn lợn nái, vì nếu như người chăn nuôi bán hoặc giết mổ lợn nái thì rất khó đủ nguồn giống phục vụ tái đàn.
Hữu Thông - Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.