Loạn xà ngầu rao bán nhà đất trên mạng - bài 2: Nhiều người bị sập bẫy lừa đảo
Loạn xà ngầu rao bán nhà đất trên mạng - bài 2: Nhiều người bị sập bẫy lừa đảo
Gia Linh
Thứ tư, ngày 16/08/2023 07:14 AM (GMT+7)
Tin vào thông tin, giấy tờ rao bán đất qua mạng nhiều người không chỉ bị mất thời gian gặp gỡ trao đổi, vướng nhiều phiền lụy mà còn bị mất tiền oan uổng.
Thực tế, rất nhiều trường hợp người mua nhà vì không tìm hiểu kỹ, không nắm rõ các thông tin trên mạng xã hội đã vội liên hệ để mua bán nhà đất và nhận quả đắng.
Chị Nguyễn Xuân Thi (ngụ đường Hiệp Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình có kế hoạch mở quán cơm gà, lâu nay đi thuê để kinh doanh, chị và chồng quyết định tìm mua một căn nhà quanh khu dân cư để vừa ở vừa mở quán cơm. Chị Thi đã lên các hội nhóm bất động sản trên mạng xã hội và trong tích tắc đã tìm được một căn ở quận 9 (cũ). Tuy nhiên, khi đến xem nhà thì người này mới tá hoả bị đưa vào một con hẻm nhỏ chứ không như quảng cáo.
"Cứ chắc rằng số mình may mắn mua được nhà, thế nhưng tôi lại được dẫn đi xem một căn nhà nằm sâu trong một hẻm đường bê tông nhỏ. Diện tích và chất lượng hoàn toàn khác trên mạng", chị Thi thông tin.
Anh Huỳnh Đức Trung (nhân viên môi giới) chia sẻ: "Trước khi làm môi giới bất động sản, tôi cũng lên mạng tìm kiếm hàng loạt các thông tin về mua bán nhà đất, chạy từ Thủ Đức qua Nhà Bè rồi đi Hóc Môn… lúc đầu đi nhiều vậy để nắm thị trường, tìm kiếm cho mình cơ hội.
Có lần tôi phát hiện mảnh đất ở Bình Chánh rao với giá 2 tỷ với diện tích 300m2 có thổ cư. Tức tốc chạy tới liên hệ, tôi được "cò" dẫn đi Cần Giuộc xem, mới biết là rao một nơi nhưng bán một nẻo. Nhiều năm có kinh nghiệm, tôi giờ không còn tin vào mấy thông tin trên mạng, hoặc phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đi thực địa".
Hay một tài khoản mạng xã hội có tên Xây Dựng Tân Bình - K.T…. đăng tải rao bán đất nền khu định cư An Phú Tây sổ đỏ chuyển nhượng trực tiếp từ chủ Đầu Tư Sadeco, giá chỉ 24 triệu/m2, diện tích từ 80m2 - 150m2 (1,9 tỷ - 3,6 tỷ), được ngân hàng BIDV bảo lãnh hỗ trợ tới 80% giá trị đất.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực trên đất đã được bán từ lâu và chuyển nhượng với giá cao hơn so với tài khoản này rao.
Đáng chú ý, sau một thời gian đăng bài quảng cáo, giới thiệu nhà đất giá rẻ để chiêu dụ khách hàng, tài khoản mạng xã hội trên đã đổi tên, khoác áo mới là "Phong Thủy - Tài Lộc...". Đồng thời, tài khoản trên cũng xóa đi các thông tin đã rao về đất nền khu định cư An Phú Tây.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm rao bán có tên chủ đầu tư là đơn vị bị người dân khiếu nại kéo dài khi không bàn giao dự án, nhà đất cho khách hàng, không xây dựng hoàn thiện dự án…
Mua phải đất làm sổ đỏ giả
Không chỉ bị nhóm "cò", nhóm người môi giới nhà đất dẫn dụ, điều hướng đi khắp nơi làm mất thời gian, công sức… nhiều trường hợp tin vào chuyện rao bán nhà đất trên mạng xã hội mà chuyển tiền. Đến khi ra phòng công chứng mới tá hoả phát hiện mình bị lừa.
Vào năm 2022, Công an TP.Thuận An nhận được tin báo của một văn phòng công chứng về việc trong lúc thẩm định hồ sơ mua bán đất đã phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có dấu hiệu làm giả.
Công an xác minh thì được biết bà Nguyễn Thị T. (SN 1972, quê Thanh Hoá) hẹn ông Vũ M.T. (SN 1984, ngụ TP.HCM) đến văn phòng công chứng ở phường Lái Thiêu để thực hiện thủ tục chứng thực sang nhượng quyền sử dụng đất.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ thì công chứng viên phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mộc đỏ do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp ngày 10/3/2022 có nhiều điểm bất thường.
Qua làm việc, bà T., khai nhận đã lên mạng xã hội tìm và mua được thửa đất trên với giá 700 triệu đồng của một người đàn ông tên Đạt (không rõ lai lịch) vào khoảng tháng 3/2022; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên cũng do ông Đạt chuyển đến cho bà. Sau đó, bà Nguyễn Thị T., đăng thông tin trên Facebook rao bán thửa đất thì được ông M.T. liên hệ thỏa thuận giao dịch. Khi cả hai đến văn phòng công chứng thực hiện giao dịch thì phát hiện sự việc sổ trên có dấu hiệu làm giả.
Hay mới đây, chị P.T.S.D. (ngụ Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lên nhóm "mua bán nhà đất Tân Uyên", thì thấy một tài khoản đăng hình sổ đỏ bán đất Tân Uyên - Bàu Bàng, chị liên hệ để mua thì được dẫn đi coi đất và yêu cầu cọc trước 300 triệu để lấy sổ đỏ từ chỗ cầm đồ ra ngoài. Người bán cũng dẫn chị D., đến một tiệm cầm đồ để coi giấy tờ, nhưng chị D., thấy sổ hồng đóng dấu mộc cấp từ năm 2018 và còn rất mới nên nảy sinh nghi ngờ và không đồng ý mua.
Sau khi về nhà, chị D., tìm thông tin quy hoạch trên Sở Tài Nguyên Môi trường và phòng đô thị thì mới biết khu đất mà chị đi xem là đất cây lâu năm, chưa có thổ cư, đặc biệt khu đất trên chưa được cấp sổ.
Hoạt động mua bán bất động sản thông qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có thể tạo cơ hội cho kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hình thức tư vấn, môi giới, dịch vụ bất động sản nhưng chưa rõ thông tin để không gây thiệt hại về tài sản cho bản thân.
Khi có nhu cầu thông tin, giao dịch về nhà đất, người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý của thửa đất đang quan tâm và được hướng dẫn các thủ tục mua bán nhà, đất theo đúng quy định pháp luật về đất đai để hạn chế thấp nhất các rủi ro, tránh bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp, vi phạm pháp luật cho phía người nhận chuyển nhượng bất động sản khi tiến hành giao dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.