Lốc xoáy và chuyện huyền bí về “Ông Cụt”

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ hai, ngày 05/05/2014 08:30 AM (GMT+7)
Chiều ngày 2.5.2014, một cơn mưa kéo dài từ 14 đến 16 giờ kèm theo gió lốc đã kéo sập mái che đập tràn Tha La (thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang) và làm 4 căn nhà ở khu vực này bị tốc mái...
Bình luận 0

Các phương tiện lưu thông qua tuyến tỉnh lộ 55A đều tê liệt. Tại hiện trường, mái che đập tràn Tha La bay ngổn ngang dưới chân cầu và trùm lên thân cầu Tha La (cặp kinh Vĩnh Tế). Cơn lốc xoáy đã kéo sập mái che đập tràn với chiều dài gần 40m, chiều ngang 20m. Toàn bộ dây điện và nhiều cột điện xung quanh đập tràn đều bị đổ, ngã!

Lốc xoáy, bà con nông dân miệt đồng thường gọi là “ông Trốt”. Dữ dội hơn thì nói là “Ông Cụt đi”...!

img
Reahu trong nghệ thuật tạo hình của người Khơ me

 

“Trốt” là gì? Và “ông Cụt” là ai?

Trốt là một hiện tượng biến đổi vật lý của các quá trình thay đổi không phức tạp cục bộ. Diễn ra bất kỳ chỗ nào, hoàn toàn không có điềm báo trước. Đó là sức xoáy lốc cực mạnh của gió, đặc biệt là theo chiều thẳng đứng, từ thấp lên cao chứ không thổi ngang như những luồng gió thông thường.

Đồng bào Nam bộ gọi “con trốt”, trại ra từ cơn trốt, cũng có thể lại trại từ cơn hốt. Có không ít người gọi “ông Trốt”. Ông Trốt thường xuất hiện ở đồng lớn, thường diễn ra vào mùa (và lúc) nắng nóng thật gắt, cao điểm từ 12 giờ đến 14 giờ trong ngày.

Ở giữa đồng lớn trống trải và đứng gió, cứ khoảng chừng vài ba mươi phút là người ta thấy có một hiện tượng trốt đi, hoặc xa, hoặc gần. Tất cả những cỏ khô, rơm rạ, bụi cát, thậm chí những mái tranh lợp sơ sài của nông dân trong phạm vi ảnh hưởng đều bị cơn trốt cuốn hút, xoáy vòng hình tròn ốc, thẳng từ mặt đất lên thật cao, năm ba trăm mét không chừng – tuỳ từng cơn trốt mạnh hay nhẹ hoặc do số bụi rác bị hốt lên nhiều hay ít mà ước đoán – tuy nhiên cũng có những cơn trốt rất nhẹ, xoáy thoáng qua làm vừa đủ mát giữa trưa hè oi bức.

Do đó ở những vùng có trồng thuốc lá, khi phơi thuốc đã xắt trên hàng trăm tấm liếp ngoài đồng, người ta cẩn thận treo xung quanh hàng chục cái rế để gọi là ngăn chận “con chốt”, không cho tốc thuốc đang phơi.

Rõ ràng là dị đoan, nhưng lại là một thứ dị đoan có cơ sở, xuất phát từ một truyền thuyết thần thoại xa xưa mà cho đến nay ở những vùng nông thôn sâu vẫn hãy còn một số người tin tưởng (bởi đơn giản là không tốn kém gì).

Người ta bảo rằng, những cái rế ấy chính là những chữ bùa “tứ tung ngũ hành” biến tướng từ lá bùa nêu (cây nêu) ngày trước. Chữ bùa ấy hình chữ thập (+) nguyên là chữ bùa do ông Khương Tử Nha (vị thần được thượng đế cắt đặt cai quản các thần ở thế gian, có cây roi gọi là “đá thần” để trị những thần ương ngạnh) vẽ cho, để nhân dân dùng trừ tà quỉ (có người còn viết rõ hàng chữ “Khương Thái công tại thử” – ông Khương Tử Nha ở tại đây) vì sợ quỉ dốt không biết chữ nên người ta viết chữ bùa ấy.

Sau đó, người Việt sáng tạo thêm, vẽ ra hằng nhiều chục chữ thập như vậy cho bùa được thêm linh, dưới hình thức “tứ tung ngũ hành” (bốn gạch đứng và năm gạch ngang song song và đè lên nhau). Lâu dần, “tứ tung ngũ hành” được cách điệu bởi một vật đan bằng tre, nhà nào cũng có sẵn. Nói khác đi cái rế là biến tướng từ chữ bùa của Khương Thái công, nhân dân tiện tay lấy dùng để làm vật ngăn ma quỷ, không cho quấy nhiễu.

img
Reahu ôm nuốt mặt trời, mặt trăng

 

Theo người Khơ me Nam bộ con trốt chính là Reahu tự cao tự đại. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi mà cả thế gian còn sống dưới ánh sáng từ bi đại độ của Đức Phật, thế gian được chiếu sáng bởi 7 mặt trời thì có 3 anh em trai nọ, cha mẹ mất sớm, họ sống rất thuận thảo.

Nhưng một hôm do mê chơi đùa, không nhớ lời hai anh dặn phải dâng thức ăn khi thấy đoàn tu sĩ khất thực đi qua, nên phải bị một trận đòn dữ dội. Reahu – tên người em – căm tức bỏ nhà ra đi. Thấy cảnh tình bơ vơ đơn độc, Đức Phật giúp cho người em trở thành cao lớn và có một sức mạnh phi thường để đủ sức chống chọi với nghịch cảnh. Trong khi đó ở nhà hai anh quá thương nhớ, đi tìm em khắp rừng khắp núi vẫn không gặp, Đức Phật động lòng cho họ hoá thành mặt trời và mặt trăng để tiện soi tìm khắp thế gian.

Do được nghe biết Đức Phật là một người vĩ đại, ai nấy đều tôn kính, Reahu ghen tức, quyết tâm tìm đến để tính việc hơn thua. Khi đến một dòng sông nọ, thấy Đức Phật đang thuyết pháp trong một ngôi nhà nhỏ chật hẹp, Reahu kêu căng, đứng ngoài sân nói vọng vào:

- Tưởng Phật là người cao lớn lắm, nào dè…

- Ngươi hãy vào đây, Đức Phật nói.

- Cửa nhỏ quá làm sao ta vào được ?

- Ngươi hãy cứ vào.

Reahu xăm xăm đi vào, cốt cho đụng sập nhà, nhưng Reahu vừa đến thì cửa nhà tự nhiên lớn to ra một cách lạ thường. Trước mặt Reahu Đức Phật đã trở thành một người khổng lồ. Reahu kinh ngạc, sụp lạy và hỏi:

- Ngoài ngài ra còn ai to lớn hơn nữa không ?

- Ngươi muốn biết thì hãy nắm lấy vạt áo, ta sẽ cho ngươi gặp Đức Phật Cồ Đàm. Ngài lớn hơn ta rất nhiều.

Sau một thoáng xuyên mây lướt gió, trước mắt mình là một người to lớn chưa từng thấy. Reahu hoảng vía buông tay, rớt xuống trần gian đúng ngay dòng sông lớn, nơi Đức Phật đã dẫn đi. Nước cuồn cuộn chảy cuốn Reahu vào guồng xoay, chém đứt ra làm 2 khúc, khúc thân dưới chìm sâu, khúc thân trên chỉ còn đầu và 2 tay, vọt bắn xoáy lên không, bay đến đâu gây giông tố mưa bão đến đấy.

img
Lốc xoáy

 

Vì vậy mỗi khi có hiện tượng mưa giông hoặc trốt xoáy, người Khơ me giải thích đó là do Reahu đang bay ngang qua. Và mỗi khi có xảy ra nhật thực, nguyệt thực, họ cũng giải thích rằng, khi bị bắn vọt lên cao Reahu bám lại trên đỉnh núi Somêru.

Theo truyền thuyết đây là ngọn núi trung tâm của vũ trụ, nơi ở của các vị thiên thần – ở đó rình chờ mặt trời, mặt trăng đi ngang qua, vói tay ôm nuốt vào bụng, nhưng bụng không còn, nên phải nhả ra – chính vì miệng rộng nuốt và nhả dễ dàng như vậy, nên những người đàn bà Khơ me sắp đến ngày khai hoa nở nhụy, thường cầu xin Reahu phù hộ cho sự sanh đẻ được dễ dàng, may mắn. Biểu trưng nuốt mặt trời và mặt trăng của Reahu được người Khơ me xem là một sự rửa hận xưa đối với hai anh đã đánh đập mình.

Trong kiến trúc, người Khơ me Nam bộ nào ta cũng thấy có mô típ Reahu được thể hiện một cái đầu người khá dữ tợn, há to mồm nhe nanh, hai tay ôm mặt trời (hoặc mặt trăng) đưa vào miệng với thái độ giận dữ. Reahu thường được các nghệ nhân Khơ me Nam bộ chạm khắc chân phương hoặc cách điệu, dọc theo chân tường hoặc theo những hàng cột thẳng tắp, như một bài học nhắc nhở hành giả trên đường tu tập, đượm đầy triết lý sống thực, rất mỹ thuật.

Do Reahu bị guồng xoay chém làm cụt mất hai chân nên bà con nông dân người Việt lớp trước hễ thấy hiện tượng trốt xoáy thì bảo nhau: Ông Cụt đi!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem