Logistics, siêu cảng, công nghiệp làm nền cho thị xã quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu

Tường Thụy Thứ ba, ngày 07/11/2023 12:05 PM (GMT+7)
Thị xã Phú Mỹ được Bà Rịa - Vũng Tàu chọn để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 cho thấy tầm quan trọng của Phú Mỹ, thành phố thứ 3 ở Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.
Bình luận 0

Với diện tích khoảng 334 ha, thị xã Phú Mỹ nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60 km, cách TP. Vũng Tàu khoảng 40 km và TP. Bà Rịa khoảng 20 km. Từ thị xã đến sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng tại huyện Long Thành, Đồng Nai) trong vòng 30 phút.

Phú Mỹ tập trung nhiều khu công nghiệp, cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics. Trong số đó, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A là nơi đại gia sản xuất bia của thế giới Heineken đặt nhà máy sản xuất có diện tích lớn nhất Việt Nam.

Heineken khai trương nhà máy quy mô "khủng" trên diện tích 40 ha với vốn đầu tư 400 triệu USD trong tháng 9/2022. Công suất nhà máy lên tới 12 triệu lon bia mỗi ngày, và 1,1 tỷ lit/năm. Điểm đặc biệt nhất của nhà máy hiện đại này là vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo (nhiệt năng và điện năng), theo Heineken Việt Nam.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Lan tháng 12/2022, lãnh đạo tập đoàn Heineken cho biết Heineken đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam và dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD trong 10 năm tới.

Logistics, siêu cảng, công nghiệp làm nền cho thị xã quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Một góc nhà máy Heineken Vũng Tàu với tổng diện tích 40 hectare. Ảnh: Heineken.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với lợi thế giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không. Trong đó, thị xã Phú Mỹ sắp tới sẽ có dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ tầm cỡ khu vực và thế giới, với vốn đầu tư ước tính 6,7 tỷ USD.

Theo thông báo của Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9, công ty điều hành cảng SSA Marine (Mỹ) và công ty Gemadept (Việt Nam) sẽ hợp tác phát triển các cảng biển chiến lược tại miền Nam, bao gồm Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.

SSA Marine và Gemadept có mục tiêu chung là muốn đưa cảng Cái Mép Hạ (còn gọi là cảng Cái Mép - Thị Vải) trở thành trung tâm logistics lớn nhất cả nước. Siêu cảng đảm nhận khối lượng hàng container lớn nhất nước được xây dựng ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải.

Dự án ban đầu được quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với diện tích khoảng 1.800 ha, gồm hai phân khu chính là Trung tâm logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu.

Logistics, siêu cảng, công nghiệp làm nền cho thị xã quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Phối cảnh Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Ảnh tư liệu.

Cảng cạn thứ 3 ở miền Nam

Tọa lạc tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ), cảng cạn đầu tiên của Bà Rịa - Vũng Tàu với đầu tư 2.292 tỷ đồng chính thức hoạt động ngày 28/10/2023. Là cảng cạn thứ 3 ở miền Nam, cảng cạn Phú Mỹ được xem như là cánh tay nối dài của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đầu tư, cảng mới này cung cấp hệ sinh thái dịch vụ logistics đa phương thức tích hợp và trọn gói với các dịch vụ cốt lõi như dịch vụ vận chuyển đa phương thức, dịch vụ xếp dỡ, đóng rút hàng hoá, kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sửa chữa, vệ sinh và bảo dưỡng container, dịch vụ lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ logistics khác.

Logistics, siêu cảng, công nghiệp làm nền cho thị xã quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Toàn cảnh cảng cạn Phú Mỹ. Ảnh: báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu tại lễ công bố cảng, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh.

"Lượng hàng hoá thông qua cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải rất lớn, gần 500.000 TEU. Dự kiến đến năm 2026, năng lực thông quan hàng hoá của Cảng cạn Phú Mỹ khoảng 300.000 - 400.000 TEU để góp phần nâng tầm vị thế trung chuyển hàng hoá, đóng góp lớn vào kinh tế và giao thông vận tải trong vùng", ông Vinh nhấn mạnh. Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong ngành logistics nhờ cảng cạn Phú Mỹ.

Thu hút các "đại bàng" FDI

Tosoh, tập đoàn chuyên về hóa chất và các sản phẩm, vật liệu đặc biệt tại Nhật Bản, đang chuẩn bị thực hiện dự án 172,6 triệu USD (tương đương 4.230 tỷ đồng) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để sản xuất hóa chất MDI cho ngành xây dựng.

Công ty cho biết đã hoàn tất thủ tục ký hợp đồng giữ chỗ khu đất khoảng 120.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 với Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư của khu công nghiệp, để thực hiện dự án. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, phía công ty Nhật Bản đã trình bày dự án. Nhà máy của Tosoh có công suất thiết kế 100.000 tấn sản phẩm/năm.

Giữa tháng 9/2023, tập đoàn Hyosung Hàn Quốc vừa quyết định chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm địa điểm mới để đầu tư sản xuất sợi carbon và tổng vốn ước tính gần 1 tỷ USD, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của ông lớn này. Công ty Hyosung Advanced Materials con của Hyosung đã thành lập doanh nghiệp có tên Hyosung Vina Core Materials Co., Ltd. tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho dự án lớn này.

Theo Hyosung, đến tháng 9 năm nay, 533 tỷ won (402 triệu USD) đã được đầu tư vào công ty sản xuất sợi carbon Hyosung Advanced Materials. Kế hoạch của Hyosung là nhà máy mới tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 (thị xã Phú Mỹ) sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2025.

Hyosung cho biết đến nay đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD tại Việt Nam, trong đó hơn 1,4 tỷ USD được đổ về Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cuối năm 2021, Hyosung Vina khánh thành tổ hợp sản xuất nhựa Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung với sức chứa 240.000 tấn tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ). Các nhà máy này đều ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Tổng công suất thiết kế sản xuất nhựa PP là 650.000 tấn/năm, với tỷ lệ sử dụng trong nước và xuất khẩu gần tương đương 50:50. Nhờ đó, Việt Nam được ghi nhận là một nguồn cung cấp PP cho thế giới.

Logistics, siêu cảng, công nghiệp làm nền cho thị xã quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 4.

Tổ hợp sản xuất nhựa PP và kho khí gas LPG của Công ty Hóa chất Hyosung Vina tư tại KCN Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hyosung Vina

Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 gần đó thu hút được 38 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 72.000 tỷ đồng (hơn 2,65 tỷ USD) đến thời điểm này. Trong đó có các tập đoàn lớn và đa ngành từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thuộc chương trình "Sáng kiến phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - PBEG", do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất. Đây là khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam.

Là một trong hai dự án KCN kiểu mẫu nằm trong Thỏa thuận Hợp tác & Phát triển được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, KCN Phú Mỹ 3 được đầu tư hạ tầng bài bản, cơ sở vật chất hiện đại chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản. Những ngành trọng điểm đang được đầu tư tại KCN Phú Mỹ 3 gồm khí đốt, gas, xăng dầu, luyện kim…

Một trong những lợi thế của KCN Phú Mỹ 3 là gần cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, một trong những trung tâm thông thương hàng hải lớn nhất địa phương và khu vực. Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được đầu tư đầu tư 12.891 tỷ đồng, bằng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Logistics, siêu cảng, công nghiệp làm nền cho thị xã quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 5.

Một phần KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Ảnh TL

Đóng góp ngân sách lớn

Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, căn cứ tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, thị xã Phú Mỹ đạt 11/11 tiêu chuẩn thành lập thành phố Phú Mỹ.

Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đô thị vệ tinh quan trọng, một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước.

Trong đó, theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.

Thị xã Phú Mỹ đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách tỉnh, với tổng thu ngân sách năm 2022 là 30.625 tỷ đồng. Trong danh sách 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, Phú Mỹ dù là một thị xã nhưng có số thu chỉ thấp hơn 12 tỉnh dẫn đầu, nhưng cao hơn các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Khánh Hòa...

Cùng với xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông logistics. Một loạt giải pháp như thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép; thành lập Chi cục Kiểm định hải quan tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, triển khai Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 hay dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, kết nối trung tâm logistics Cái Mép Hạ và sân bay Long Thành và hệ thống đường cao tốc phía Nam, nhằm góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và kết nối liên vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem