Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “nổi lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng

Đinh Hạ Chủ nhật, ngày 08/01/2023 05:33 AM (GMT+7)
Không khí hanh hao của tháng chạp là tín hiệu cho sự tất bật của người quê nấu mật mía khi Tết đến xuân về. No dồn đói góp trong vòng mưu sinh chóng mặt cũng vội vã hơn cho dịp cuối năm.
Bình luận 0

Khi hoa tàu bay đã nở tím đường quê ngõ xóm, tôi lại nôn nao nhớ về những kỷ niệm Tết xưa. Nhớ thuở xưa, khi cuộc sống mọi nhà ở thôn quê còn nghèo đói, buồn vui quẩn quanh sau lũy tre làng. Tết là sự háo hức chờ đợi của lũ trẻ, những lo toan, công phu chuẩn bị của người lớn. Tôi nhớ nhất, khi cha ngước nhìn trời, bảo: "hanh heo mật trèo lên ngọn" và tất bật cho việc chặt mía kéo che.

Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “đỏ lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng - Ảnh 1.

Thời điểm cuối năm, người dân đang khẩn trương chạy đua với thời gian để ép mía nấu mật bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: PV

Hanh heo mật trèo lên ngọn, kinh nghiệm của dân gian khi cây mía vào độ chín nhất của việc trữ đường. Làng quê thuở ấy, nhà nào cũng trồng một vài hàng mía ở mảnh đất đầu hồi nhà, sau vườn hay mảnh đất hoa màu khai hoang được. Nhà nào cũng hối hả thu gom cho vụ kéo che.Mía được chặt bỏ gốc ngọn, lau sạch lá rễ bó thành từng bó. Những bó mía được xếp ngay ngắn cùng dăm bó củi chất lên xe trâu chở đến nhà ông Quỳnh An cuối xóm, gia đình duy nhất đầu tư bộ đồ nghề kéo che lấy mật. Các gia đình chờ đợi luân phiên đến lượt.

Chiếc máy ép thủ công nhờ sức kéo của trâu bò với hai trục ép to vắt kiệt nước những cây mía. Nước mía được đem lóng rồi đổ vào những chiếc bung to để nấu trên những chiếc bếp Hoàng Cầm dã chiến. Quá trình cô đặc mật rất công phu, phức tạp với người lớn nhưng lại là sự háo hức của bọn con nít.

Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “đỏ lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng - Ảnh 2.

Theo anh Nguyễn Đại Dương (một người chuyên mua mật ở xã Tân Hương, Tân Kỳ) dịp cuối năm thường bận rộn trong việc thu mua mía để về xay mật bán dịp Tết. Ảnh: PV

Để có được mẻ mật thơm ngon, đúng vị cho cái Tết ngọt ngào, cha mẹ phải luôn tay giữ lửa trong bếp ổn định. Lửa to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Lửa nhỏ sẽ khiến công đoạn cô đặc lại rất lâu. Suốt quá trình ấy, vừa phải khuấy đều tay, vừa phải dùng chiếc gáo dài có giăng mùng màn tuyn để vớt bọt đen (mà ngày xưa chúng tôi gọi đùa là bọt cứt trâu). Được húp chút nước bọt bị vớt ra ấy cũng là nỗi thèm thuồng suốt cả tuổi ấu thơ. Nấu khoảng 4-5 tiếng khi mật sánh lại, sáng màu cánh gián mới đổ vào nồi 7, nồi 10 gánh về cất vào chum chờ ngày tết đến.

Những ngày mùa đông giá lạnh của gió mùa Đông Bắc, mẹ chuẩn bị cho cha đọi (bát) nước chè xanh pha mật mía để ra đồng cày ải, nghe ngọt ấm như tình nghĩa vợ chồng. Trong những chiều đông xám ngoét, bên bếp lửa, bát mật mía đặt giữa rổ khoai lang cả nhà quây quần cùng ăn mà ngỡ ngon hơn mọi sơn hào hải vị trên đời.

Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “đỏ lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng - Ảnh 3.

Theo người dân nấu mật mía lâu năm, muốn mật ngon phải đứng canh chảo mật lớn trong nhiều giờ, liên tục đảo đều tay. Ảnh: PV

Rồi những phiên chợ cuối năm, mẹ mua mấy chục con cá thửng (cá mối) kho vào nồi đất cùng mật mía thơm lừng cả ngõ quê. Rồi 23 tháng chạp, mẹ nấu món chè khoai mài, củ từ, củ vạc để kính tiễn ông Công, ông Táo về lại Thiên đình. Rồi những đêm rảnh rỗi, mẹ lại bày cho con gái đến tuổi lấy chồng cách tề gia nội trợ học làm đủ món bánh, nào bánh biến, bánh mật, bánh ít... bánh nào cũng ngọt ngào vị mật quyện với thơm dẻo nếp quê...

Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “đỏ lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng - Ảnh 4.

Nấu khoảng 4-5 tiếng khi mật sánh lại, sáng màu cánh gián mới đổ vào nồi. Ảnh: PV

Cũng như hạt lúa củ khoai, cây mía gắn bó thân thuộc với người nông dân và cuộc sống thôn quê, hữu dụng từ gốc đến ngọn. Lá mía tươi làm thức ăn cho trâu bò, lá khô cha tước về đan vài tấm tranh để lợp lại mái nhà có vài chỗ thủng. Thân để kéo che lấy mật cho ngày tết hoặc để giải khát mùa hè. Gốc, ngọn lại ươm mầm cho những mùa sau.

Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “đỏ lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng - Ảnh 5.

Công việc quan trọng nhất khi nấu mật, phải vớt cho sạch bọt bẩn. Mía càng bẩn bọt càng nhiều. Ảnh: PV

Trong khi thu hoạch mía kéo che, cha tôi không quên chừa lại những cây mía to thẳng, đẹp nhất để đến ngày Tết dựng hai bên bàn thờ tổ tiên. Cùng với bánh chưng bánh giầy, mâm ngũ quả; cây mía trở thành một phần linh hồn của văn hóa ăn tết cổ truyền Việt Nam. Ngày xưa, hỏi cha và các bậc cao niên trong làng con mới biết có nhiều ý nghĩa linh thiêng trong tục thờ cây mía ở quê mình.

Cây mía biểu tượng giao hòa trời đất, kết nối âm dương. Tán lá tượng trưng cho mây trời, gốc rễ tượng trưng cho đất, nguồn cội gia đình. Cây mía cũng là sự níu giữ những ngọt ngào từ năm cũ sang năm mới để kỳ vọng một năm êm ngọt. Mỗi đốt mía như một nấc thang để linh hồn leo lên trời đến cõi siêu sinh. Là cây gậy để tổ tiên, ông bà chống đỡ tìm về con cháu. Là vũ khí để đánh đuổi tà ma, cô hồn tranh cướp tài sản cháu con dâng cúng... Mỗi làng quê, vùng miền có một quan niệm khác nhau nhưng tựu trung lại đều thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tâm hướng tới những điều tốt đẹp.

Cứ đến tháng cuối năm, cả làng “đỏ lửa” nấu mật mía Tết thơm lừng - Ảnh 6.

Rót mật đòi hỏi phải khéo léo, đều tay để bọt không trộn lẫn với mật. Ảnh: PV

Cuộc sống ngày càng hiện đại. Những nét sinh hoạt cổ truyền cũng dần mai một. Quê mang mặt phố, phố lại muốn tìm hồn quê. Hương vị Tết xưa mờ nhạt hay tại lòng người đang nhạt phai. Trong tiết trời se lạnh hiếm hoi ngày giáp Tết, tôi bỗng thèm húp một bát mật mía, thèm một củ khoai lang chấm mật, thèm được nghe tiếng cha hối thúc: "Vào dắt trâu cho cha chặt mía kéo che...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem