Lời thỉnh cầu cho liệt sĩ

Thứ bảy, ngày 14/12/2013 09:10 AM (GMT+7)
Tháng 9.2013, cán bộ, nhân dân 2 xã Đại Cường, Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam) phát hiện một nghĩa địa chôn cất hàng trăm liệt sĩ từ thời chống Pháp (1947-1954).
Bình luận 0
Đầu tháng 12.2013, bà con đã viết đơn thỉnh cầu lập bia tưởng niệm và hương khói cho các liệt sĩ đã bị bỏ quên hơn nửa thế kỷ.

Chỉ mong có tấm ván lót lưng

Sau 1945, thực dân Pháp trở lại huyện Đại Lộc và dựng lên một loạt đồn bốt ở Núi Lở, Giao Thủy, Gò Muồng… Bộ đội chủ lực của tỉnh Quảng Nam và quân khu tổ chức liên tiếp các cuộc công đồn gây tổn thất nặng nề cho địch. Tất nhiên, bên ta cũng có thương vong. Ông Nguyễn Nhì (83 tuổi, ở Đại An, Đại Lộc) tham gia nhiều trận đánh thời đó, nhớ lại: “Tôi tham dự nhiều trận nhưng nhớ nhất là trận cùng C240 của Tiểu đoàn 17 (Tỉnh đội Quảng Nam) đánh quân chi viện từ Ái Nghĩa kéo lên Giao Thủy (khi ta công đồn Giao Thủy) vào năm 1952. Trận này ta tiêu diệt 30 tên Pháp, nhưng bên ta cũng hy sinh 18 đồng chí”.

Ông Nguyễn Hữu Mai (ngoài cùng bên phải) cùng các đảng viên thời chống Pháp đang đứng trên phần đất hoa màu  mà bên dưới là hàng trăm hài cốt liệt sĩ.
Ông Nguyễn Hữu Mai (ngoài cùng bên phải) cùng các đảng viên thời chống Pháp đang đứng trên phần đất hoa màu mà bên dưới là hàng trăm hài cốt liệt sĩ.

Cũng theo ông Nhì, toàn bộ thương binh, tử sĩ của ta sau những trận đánh này đều được về vùng tự do lúc đó là thôn 10, Đại Minh (bây giờ là giáp ranh của Đại Cường và Đại An). Tại đây, chúng ta có Hội Mẹ chiến sĩ do bà Lê Thị Ngoạt (người địa phương) làm hội trưởng. Các mẹ chị trong Hội Mẹ chiến sĩ đã sơ cứu thương binh và chôn cất liệt sĩ ở ngay bãi đất hoang có tên Quan Trại (truyền thuyết nơi đây trước kia vua Quang Trung khi tập kích Nguyễn Ánh đã đóng quân).

"Ngay khi nghe tin, chúng tôi lập tức giao Sở LĐTBXH tỉnh và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra và tiến hành các bước theo quy định để tiến hành công nhận và thực hiện chế độ cho các liệt sĩ như tờ trình của địa phương”.
Ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

“Từ năm 1947 – 1954 có hàng trăm liệt sĩ được chôn ở Quan Trại. Người dân địa phương gọi đây là “lung mã chiến sĩ (“lung”: Từ địa phương là bãi)” – ông Hoàng Minh Chánh (90 tuổi) – Chủ tịch Liên Việt xã Đại Hoà thời trước 1954 – cho biết.

Ông Chánh là người đã tham gia chôn cất nhiều liệt sĩ ở đây. Ông nhớ lại: Thời chiến tranh ác liệt, bộ đội hy sinh nhiều, việc chôn cất không được chu đáo. Nhiều người đổ ruột ra chỉ được “băng” lại bằng sợi lạt, rồi đem chôn. Cũng không lấy đâu ra ván làm quan tài, đào đất xuống, đồng bào lấy tre đan tấm ví bao chung quanh lỗ huyệt (cho đất xung quanh khỏi rơi xuống) rồi đặt liệt sĩ xuống, người nào may mắn thì có được tấm ván lót lưng…

Hoang phế nửa thế kỷ

Năm 1954, cán bộ, đảng viên miền Nam tập kết ra Bắc. Kể cả mẹ Lê Thị Ngoạt cũng đi tập kết. Vùng tự do thôn 10 rơi vào sự quản lý của Mỹ Diệm với chính sách tố cộng rất khốc liệt. Đồng bào địa phương không ai dám hương khói cho Lung mã chiến sĩ. Mộ hàng trăm liệt sĩ lặng lẽ trong mưa gió, bão lũ, bồi lấp trong cỏ dại ngút ngàn cho đến tận bây giờ.

Mãi đến tháng 9.2013, cán bộ địa phương khi viết hồ sơ để truy tặng Bà mẹ VN Anh hùng cho mẹ Lê Thị Ngoạt (qua đời vào năm 1989) có tìm đến nhờ ông Nguyễn Hữu Mai – nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (đã nghỉ hưu). Khi viết đến đoạn mẹ Ngoạt chôn cất liệt sĩ, ông Mai mới giật mình nhớ lại những liệt sĩ ngày trước được mẹ chôn ở Quan Trại. Ông đi hỏi những người cao niên ở đất thôn 10 (cũ) mới tá hoả khi biết lâu nay không ai quy tập, hương khói cho hàng trăm liệt sĩ này.

“Tôi sinh 1949, thời chôn liệt sĩ ở đây còn nhỏ, không biết cặn kẽ. Sau 1975, cái đói đe dọa trước mắt, tôi làm cán bộ địa phương phải tập trung chỉ đạo nhân dân tăng gia sản xuất chống đói, động viên bà con khai hoang, vỡ hoá làm ăn. Lung mã chiến sĩ lau sậy hoang hoá, bà con đến vỡ vạc làm ăn, không ai để ý đến hàng trăm người nằm thầm lặng dưới đó. Cái thiếu sót của chúng tôi, của bao nhiêu cán bộ chống Pháp với các liệt sĩ có nguyên do lịch sử như vậy” – ông Nguyễn Hữu Mai bày tỏ.

"Sở sẽ cùng với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam tổ chức kiểm tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc xây dựng bia tưởng niệm cũng như hương khói cho các liệt sĩ là việc cần phải làm sớm”.
Ông Võ Duy Thông -Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Nam

Vừa qua, ông Mai đã cùng cán bộ, đảng viên thời chống Pháp, những vị cao niên địa phương đồng viết lời thỉnh cầu gửi các cơ quan chức năng đề nghị xây dựng một ngôi mộ chung, bia tưởng niệm cho các liệt sĩ trên 4 sào đất của Lung mã chiến sĩ (bây giờ là cánh đồng trồng hoa màu của nông dân địa phương) đồng thời đề nghị cấp thêm 2 sào ngay cạnh để địa phương bố trí sản xuất lấy hoa lợi lo hương khói lâu dài cho các liệt sĩ. Chủ tịch UBND 2 xã Đại Cường và Đại An đáp ứng lời thỉnh cầu này và có tờ trình gửi huyện và tỉnh. Theo ông Mai, chỉ cần các cấp đồng ý về chủ trương thì ông sẽ vận động mọi nguồn lực xây dựng ngay ngôi mộ chung và bia tưởng niệm cho các liệt sĩ.

Bí thư Huyện uỷ Đại Lộc Mai Đình Lự rất tán thành đề nghị này. Ông cho biết, Huyện ủy thống nhất với đề nghị của 2 xã, đồng ý cho xây dựng bia tưởng. Huyện ủy cũng báo cáo việc này lên các cấp ngành liên quan để tạo điều kiện hoàn thành tâm nguyện của 2 địa phương.
Khải Phong (Khải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem