Các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước… đang tái xuất hiện dịch tai xanh trên đàn lợn. Do khâu kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh còn yếu nên lợn bệnh đang tìm mọi cách len lỏi về TP.HCM tiêu thụ. Ngoài ra, lợn dịch tại các tỉnh miền Trung cũng đang theo xe khách lọt qua nhiều trạm kiểm dịch vào miền Nam.
|
Tang vật do Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt giữ. |
Ồ ạt đổ về thành phố
Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 8 đến 15.10, hàng loạt vụ vận chuyển thịt lợn trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát giết mổ của thú y các tỉnh bị phát hiện.
Ngày 10.10, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt quả tang xe khách biển kiểm soát 92C-00777 từ Quảng Nam về TP.HCM vận chuyển 2 thùng xốp chứa lợn sữa và 4 giỏ tre chứa lợn con. Tang vật gồm 27 con lợn đã giết mổ có trọng lượng 83kg và 53 con lợn sữa có trọng lượng 2kg/con. Toàn bộ lô hàng không có dấu kiểm soát giết mổ, bên trong thân thịt còn phủ tạng, phần lớn lợn xuất huyết điểm trên da.
Bà Đặng Thị Tuyết - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cho hay: Trong một tháng trở lại đây, số vụ vận chuyển gia súc, đặc biệt là lợn không rõ nguồn gốc gia tăng đột biến. Thống kê của trạm cho thấy chỉ trong nửa đầu tháng 10 đã bắt giữ hơn 24 vụ với trọng lượng khoảng 4 tấn.
Bà Tuyết nhấn mạnh, toàn bộ số hàng đều nằm trong tình trạng không thể sử dụng được, phải tiêu hủy ngay lập tức. Ngày 12.10, đoàn kiểm tra phòng chống dịch gia súc, gia cầm quận Bình Tân, TP.HCM kiểm tra phát hiện tại một địa chỉ trên đường 11 thuộc khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đang tổ chức giết mổ trái phép với 8 con lợn tang vật.
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thịt lợn để xét nghiệm, kết quả cho thấy các mẫu đều dương tính với virus PRRS chủng độc lực cao, tức lợn mắc bệnh tai xanh.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Theo bà Tuyết, lợn dịch đổ về TP.HCM có thể sẽ khiến người tiêu dùng quay sang sử dụng thực phẩm khác, khiến giá thịt lợn có nguy cơ giảm, ảnh hưởng đến người chăn nuôi chân chính.
“Dù có nhiều trạm kiểm soát trên các trục đường chính vào thành phố nhưng việc lọt qua trạm là chuyện hết sức dễ dàng. TP.HCM có quá nhiều cửa ngõ với vô số con đường. Muốn ngăn chặn phải quản lý được lợn bệnh ngay tại hộ chăn nuôi, điều này cần sự vào cuộc tích cực hơn của các tỉnh bạn” - bà Tuyết nhận định.
Chiều 18.10, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam vừa công bố dịch lợn tai xanh tại huyện Điện Bàn. Tại huyện này, dịch lợn tai xanh đã lan rộng tại 23 thôn của 6 xã, với gần 1.000 con lợn của 89 hộ gia đình mắc bệnh, trong đó gần 580 con lợn bắt buộc phải tiêu hủy.
Trương Hồng
Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, việc bệnh lợn tai xanh xuất hiện và lây lan ở Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, khiến cho đàn lợn tại TP.HCM có nguy cơ bị lây lan. Ông Thảo cho biết: Hiện TP.HCM có đàn lợn khoảng 39.000 con, phân bố ở 513 hộ chăn nuôi, tập trung ở các quận Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn… Khu vực này có nhiều lò giết mổ trái phép nên nguy cơ lây lan lan thêm nguy hiểm.
Theo đánh của ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc cơ quan Thú y Vùng 6, việc vận chuyển lợn trong vùng có dịch ra ngoài sẽ khiến tình hình mất kiểm soát. Cơ quan Thú y Vùng 6 đã chỉ đạo chi cục thú y các tỉnh phải tăng cường kiểm tra giám sát, báo cáo tình hình dịch hàng ngày. Tuy nhiên, việc này khá khó khăn vì lực lượng chức năng các tỉnh rất mỏng trong khi địa bàn lớn và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung.
Đình Thức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.