Lợn dự án giúp dân thoát nghèo

Thứ hai, ngày 07/11/2011 05:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nuôi lợn rừng thuần lai với lợn bản địa (lợn Mường) là dự án Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đang triển khai tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Mô hình này hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho các hộ còn khó khăn.
Bình luận 0

Giống lợn của nhà nghèo

Trong khoảnh vườn rộng phía sau nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Bảy, xóm Dong, xã Phong Phú có gần chục con lợn đen. Chị Bảy cho biết, ngoài con lợn đực rừng thuần còn lại đều là lợn nái bản địa mà người dân gọi là lợn Mường.

img
Nuôi lợn dự án tại vườn của gia đình anh Đào Văn Tinh, xóm Dong, xã Phong Phú.

Xã Phong Phú có 6 hộ tham gia dự án chăn nuôi lợn rừng thuần với lợn Mường. Gia đình chị Bảy nuôi 2 nái và con lợn đực rừng thuần; 3 hộ khác mỗi hộ nuôi 2 con, 2 hộ còn lại nuôi mỗi hộ 1 con. Lợn nái hậu bị được dự án tìm chọn mua trong dân, lợn đực rừng thuần mua tại trại giống rồi chuyển giao cho các hộ chăn nuôi, phối giống và nhân đàn.

Chị Bảy cho biết, trong số 11 con lợn nái đã có 4 con đang mang thai, sẽ đẻ trong tháng 12 tới và tháng 1.2012. Lợn bố, mẹ là giống tạp ăn, sống bán hoang dã, sức đề kháng bệnh dịch cũng như chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết rất tốt nên con lai sẽ thừa hưởng được những ưu thế di truyền. “Đàn lợn nhà tôi nuôi chẳng tốn kém lắm, thức ăn tận dụng rau lang, rau muống, cây chuối, cám ngô, sắn lát... Nhiều người nói lợn lai này là giống lợn của nhà nghèo cũng đúng” - chị Bảy chia sẻ.

Anh Đào Văn Thọ, xóm Dong đang chờ lợn nái của gia đình đẻ lứa đầu tiên vào tháng tới. “Lợn con tôi để nuôi hết. Lợn đực nuôi lợn thương phẩm, còn lợn cái nuôi thành lợn nái. Tôi sẽ bỏ hẳn nuôi lợn lai trắng chuyển sang nuôi giống lợn này bởi nó chẳng tốn kém, giá bán lại khá cao, không lo rớt giá”- anh Thọ dự tính.

Nhân rộng mô hình

Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng thuần lai với lợn bản địa (lợn Mường) của Hội ND Hoà Bình triển khai tại xã Phong Phú nhằm đưa ra một đối tượng nuôi mới phù hợp với ND miền núi dựa trên xu hướng tiêu dùng của thị trường. Ông Nguyễn Văn Phấn - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hoà Bình cho biết: “Dự án đặt ra 3 mục đích chính là giúp người dân sử dụng con lai trực tiếp, tại chỗ; con lai sinh ra có chất lượng tốt hơn; giá trị kinh tế cao hơn góp phần nâng cao thu nhập của bà con”.

Chị Bảy cho biết thêm: “Giống lợn Mường “xịn” bây giờ cũng không dễ tìm đâu, phải vào tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa may ra mới có. Giống lợn này nuôi rất chậm lớn vì hầu như thả rông tự kiếm thức ăn, mỗi tháng chỉ tăng 1kg. Giá bán loại lợn này luôn ở mức 130.000-150.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần lợn thường. Còn nếu mua con giống phục tráng ở trung tâm bảo tồn thì giá tới 300.000 đồng/kg, khoản tiền này với hộ nghèo là rất lớn”.

Con lai giữa lợn rừng thuần và lợn bản địa sẽ kế thừa được các ưu điểm vượt trội của bố mẹ như ăn tạp, sức đề kháng và chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tốt, thịt thơm ngon. Nhu cầu của thị trường về thịt lợn nuôi bán hoang dã cũng rất lớn, giá bán khá cao và ổn định.

Việc gây đàn và nhân rộng mô hình nuôi con lai giữa lợn rừng thuần và lợn Mường ở xã Phong Phú đã được dự án xây dựng kế hoạch theo hướng giảm phần chi phí. Thứ nhất, trong xã gia đình nào có lợn nái có thể mang đến gia đình chị Bảy để gửi phối giống. Thứ 2, nhóm chăn nuôi con lai đã thống nhất, lợn nái nền sau khi đẻ chủ hộ sẽ chọn 1 con lợn cái tốt tướng từ con lợn mẹ đẻ đều rồi chuyển cho 1 hộ nghèo khác.

Như vậy, nếu 11 con lợn nái nền của dự án bước vào thời kỳ sinh đẻ với bình quân 2 lứa/năm, mỗi năm sẽ có ít nhất 20 hộ nghèo được nhận lợn giống.

“Với 1 lợn nái nền của dự án, 5 lứa đầu, mỗi lứa chủ hộ phải chuyển cho 1 hộ nghèo trong xã 1 con lợn giống. Kể từ lứa thứ 6 trở đi, chủ hộ có quyền giữ lại toàn bộ lợn con sinh ra. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án và chuyển giao lợn giống cho hộ nghèo”- ông Phấn khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem