Nhà hàng nấu thức ăn chay 0 đồng: Mang nghề đến cho học viên, yêu thương cho bệnh nhân nghèo

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 15/04/2022 14:39 PM (GMT+7)
Trong góc nhỏ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức) có một nhà hàng mang tên “Bếp ăn Hạnh Phúc” hoạt động đã hơn 1 năm về trước. Nhà hàng này, chủ yếu nấu cơm chay miễn phí phục vụ cho các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện và hơn hết là hỗ trợ cho bà con nghèo khi đến thăm khám.
Bình luận 0

Theo ông Trần Thanh Long (Trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm, người đứng đầu nhà hàng chay), nhóm của ông Long có 23 cơ sở nhà hàng chay miễn phí cho người nghèo trên khắp cả nước. 

Tại chi nhánh "Bếp ăn hạnh phúc" Bệnh viện Lê Văn Thịnh được thành lập hơn 1 năm về trước, mỗi ngày nơi đây nấu cơm chay miễn phí phục vụ bà con nghèo, y bác sĩ tại bệnh viện khoảng từ 300 đến 350 suất.

Miễn phí, deo duyên ăn chay đến nhiều người

"Được cộng đồng mạng kết nối, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh xây dựng nhà ăn "0 đồng", hoạt động đến nay đã được 1 năm. Mỗi ngày phục vụ bà con từ 300 đến 350 suất cơm. Hiện nay, chúng tôi có mở lớp đào tạo thêm học viên nấu đồ chay, việc làm này để giúp các học viên có nghề chăm lo cho bản thân, gia đình và gieo duyên ăn chay được nhiều nơi…", ông Trần Thanh Long (trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) mở đầu câu chuyện với phóng viên.

Nhà hàng nấu thức ăn chay “0 đồng”: Mang nghề đến cho học viên, yêu thương cho bệnh nhân nghèo - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Long trong một lần chúc mừng ngày thành lập "Bếp ăn Hạnh Phúc" tại bệnh viện Lê Văn Thịnh cùng các thành viên, học viên của mình. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo ông Long, nhà hàng chay "0 đồng" hoạt động ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh tính đến thời điểm này đã hơn 1 năm. Hiện nhà hàng đang phục vụ cơm chay buổi trưa miễn phí cho bệnh nhân nghèo khi đến đây thăm khám cùng với đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện.

Ông Long chia sẻ: Hơn 5 năm về trước, ông đã từng mở nhiều chi nhánh quán ăn chay miễn phí phục vụ bà con nghèo trên khắp cả nước đặc biệt các quán ăn luôn được đặt gần các bệnh viện. Tính đến nay đã có 23 cơ sở quán chay mang thương hiệu thiện nguyện Nhất Tâm, mọi thứ ở đây đều "0 đồng".

Nhà hàng nấu thức ăn chay “0 đồng”: Mang nghề đến cho học viên, yêu thương cho bệnh nhân nghèo - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Long người được sáng lập thiện nguyện Nhất Tâm, hiện nay ông Long đang quản lí 23 chi nhánh nhà ăn "0 đồng" phục vụ bà con nghèo trên cả nước. Ảnh: Chinh Hoàng

Nói về "bếp ăn hạnh phúc" tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ông Long bộc bạch: Làm bất cứ việc gì kể cả việc thiện khởi đầu ai cũng gặp phải muôn vàn điều khó, nhất về nguồn nhân lực, kinh tế. Vậy nhưng, bằng sự quyết tâm và tấm lòng hướng thiện của mình, đến nay nhà hàng nấu cơm chay miễn phí đã đi vào hoạt động ổn định được nhiều người dân chủ yếu bệnh nhân nghèo hưởng ứng tích cực.

Nhà hàng nấu thức ăn chay “0 đồng”: Mang nghề đến cho học viên, yêu thương cho bệnh nhân nghèo - Ảnh 3.

Đội ngũ thành viên, học viên đang phục vụ tại "Bếp ăn Hạnh Phúc" bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Chinh Hoàng

Thời gian qua, ông Long cho biết, khi đội ngũ nhân viên trong nhóm thiện nguyện Nhất Tâm phục vụ bà con tại bệnh viện, nhóm đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình từ ban điều hành, giám đốc bệnh viện, các mạnh thường quân cũng như các doanh nghiệp việc làm.

"Chúng tôi luôn nổ lực, cố gắng hết sức để phục vụ bà con cũng như các y, bác sĩ tại bệnh viện Lê Văn Thịnh. Tôi rất vui khi nghe được những lời tấm tắc khen ngợi từ bà con về thức ăn ngon, đây cũng là động lực giúp nhóm thiện nguyện chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa", ông Long bày tỏ.

Nhà hàng nấu thức ăn chay “0 đồng”: Mang nghề đến cho học viên, yêu thương cho bệnh nhân nghèo - Ảnh 4.

Bà Thu Thủy, người phụ trách đứng bếp chính đồng thời cũng là người chỉ dạy các học viên công thức nấu các món ăn chay tại "Bếp ăn Hạnh Phúc" bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Chinh Hoàng

Cùng theo đồng hành với ông Long nấu cơm chay phục bà con nghèo xuyên suốt đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại TP.HCM đến hiện tại có bà Thu Thủy người được xem là đầu bếp chính đạo diễn tất cả các món ăn chay tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Ở tuổi 60, bà Thủy vẫn hăng say làm việc thiện không nề hà, không than phiền mệt mỏi, khi nghe đến các chương trình thiện nguyện Nhất Tâm tổ chức cho bà con nghèo, bà luôn tham gia và hỗ trợ cho nhóm này hết mình. 

Đặc biệt, trong thời gian này, bà Thủy vừa là người đứng bếp chính, vừa là người truyền đạt kinh nghiệm kĩ thuật nấu các món chay cho các học viên theo học tại chi nhánh nhà hàng đặt ở bệnh viện.

Chia sẻ đầy thân tình về những việc thiện trong thời gian qua, bà Thủy nói: "Những việc làm của tôi đều xuất phát từ cái tâm, cho nên cái tôi nhận được rất quý giá không phải là tiền mà sau những việc làm này tôi có niềm vui, niềm hạnh phúc, sự an yên, tĩnh tâm trong cuộc sống. Điều quan trọng gieo duyên ăn chay đến mọi người là cái tôi hướng đến".

"Vừa học nghề, vừa được phục vụ bà con nghèo là niềm hạnh phúc"

Trải lòng với phóng viên về câu chuyện theo học nghề nấu thức ăn chay tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhiều học viên hào hứng: "Chúng tôi đến đây vừa được học nghề miễn phí, vừa được chung tay giúp bà con nghèo có những suất ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng chúng tôi thấy hạnh phúc vì được làm việc thiện có nhiều ý nghĩa".

Nhà hàng nấu thức ăn chay “0 đồng”: Mang nghề đến cho học viên, yêu thương cho bệnh nhân nghèo - Ảnh 6.

Các thành viên trong nhóm thiện nguyện Nhất Tâm chuẩn bị thức ăn cho bệnh nhân, y bác sĩ tại bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Chinh Hoàng

Chị Nghiêm Thị Thanh Hòa (học viên, ngụ quận 7) kể: Mỗi ngày lớp dạy một món chay khác nhau sau đó đem thành quả học được phục vụ miễn phí cho bà con và nhân viên trong bệnh viện. Cứ đều đặn mỗi ngày 7h sáng, các thành viên trong nhóm lại tập trung ở bếp ăn để bắt đầu công việc của mình. Ở đây, không phân biệt tuổi tác, họ hỗ trợ nhau trong công việc nấu nướng, người nhặt rau, người thái hành, người dọn dẹp… phối hợp nhịp nhàng với nhau.

"Tôi đến với lớp học nấu thức ăn chay "0 đồng" này xuất phát từ cái tâm, từ tình thương đối với những mảnh đời khó khăn. Sau này, khi hoàn thiện nghề tôi cũng mong muốn có một nhà hàng riêng mang thương hiệu của mình để phục vụ bà con", chị Hòa tâm sự.

Với mong muốn được góp một phần nào đó giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cùng với niềm đam mê thức ăn chay, anh Quốc Thái đã tìm đến bếp ăn "0 đồng" này thông qua giới thiệu của bạn bè.

Tuy chỉ mới những ngày đầu tiên đến học việc nhưng sự thân thiện, gần gũi của những thành viên như ông Long, bà Thủy đồng nghiệp khiến anh Thái cảm thấy đây giống như nhà mình, mọi người ở đây chính là anh em một nhà. Anh Thái cũng cho rằng: "Đến với Bếp ăn hạnh phúc, tôi như tìm được bí quyết để thỏa mãn đam mê nấu thức ăn chay đã nung nấu từ lâu. Những công việc nơi này giúp tôi biết được, thấu hiểu niềm hạnh phúc, ý nghĩa khi phục vụ bà con nghèo, nhân viên bệnh viện bằng những suất ăn nghĩa tình này".

Theo ông Trần Thanh Long (trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm), chuyên về mảng nhà ăn (23 chi nhánh trên cả nước). Ngoài ra, để phụng sự bà con nghèo, khó khăn một cách tốt nhất ông còn nhiều mảng phụ khác như: Mai táng, xe cứu thương, hỗ trợ khử khuẩn, siêu thị, dạy tiếng Anh, xây nhà…

Tất cả những cái vừa liệt kê ở trên đều "0 đồng" và được ông Long thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện ông Long vẫn đang tiếp tục thúc đẩy những hoạt động thiện nguyện một cách tốt nhất có thể để phục vụ bà con.

Đặc biệt, với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM vẫn còn đang phức tạp, nhóm của ông Long vẫn đang ngày đêm tích cực hỗ trợ oxy, máy tạo oxy cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.

Vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạo tại Hà Nội, ông Long đã trực tiếp có mặt cùng với những thành viên trong nhóm của mình đưa xe cứu thương, oxy ra Hà Nội hỗ trợ cấp cứu cho những bệnh nhân Covid-19 không có điều kiện đi bệnh viện.

Trước đó, đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM bùng phát ông Long chính là người khai sinh mai tang "0 đồng" ông cùng với các thành viên tình nguyện hỗ trợ những nạn nhân Covid-19 đi mai táng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem