Lớp học nghề ở thôn

Thứ năm, ngày 05/07/2012 07:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khảo sát nhu cầu của ND trước khi mở lớp, tổ chức lớp dạy nghề ngay tại thôn, theo từng mô hình kinh tế... đó là cách làm của Hội ND huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).
Bình luận 0

Sau khi tham gia các lớp học nghề, nhiều ND ở Phú Vang đã tự tin đầu tư mở rộng trang trại, mở cơ sở sản xuất, dịch vụ...

img
Sau khi học xong, anh Dương Chí Nam tự tin đầu tư trồng cây cảnh.

Thêm nghề thêm thu nhập

Anh Nguyễn Công Mùi, thôn 4, xã Vinh Thanh, tâm sự: “Gia đình tôi 5 người, chỉ làm vài sào ruộng và nuôi vài con lợn. Khi được cán bộ Hội ND xã thông báo Hội mở lớp dạy nghề miễn phí, tôi đăng ký tham gia và chọn học nghề chăn nuôi thú y. Kết thúc khóa học, tôi được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Giờ tôi không chỉ có kiến thức để chăn nuôi, mà còn có thêm nghề về thú y. Nếu không tham gia lớp học, có lẽ gia đình tôi không dám mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Năm 2011, anh Mùi tham gia lớp đào tạo sơ cấp nghề chăn nuôi thú y. Kết thúc khóa học, anh đầu tư 15 triệu đồng để nuôi 10 con heo thịt, 5 heo nái, 100 con gà, 50 con ngan. Sau 1 năm bán heo, gia cầm, gia đình anh có khoản lãi 50 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ chăn nuôi, trung bình mỗi ngày anh có từ 70.000 -100.000 đồng từ làm dịch vụ thú y cho bà con trong xã.

Còn anh Dương Chí Nam, thôn 3, xã Vinh Thanh chọn học nghề trồng hoa, cây cảnh. Anh Nam cho biết: Từ nhiều năm nay, gia đình anh đã ươm cây giống keo, tràm, huê. Với gần 2ha ươm cây giống nhưng thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Tham gia lớp học trồng hoa, cây cảnh do Hội ND tổ chức, anh mua mai, mưng, sung, bồ đề về trồng để uốn thế.

Với diện tích gần 2.000m2, anh có 3.000 cây giống, hàng chục chậu cây cảnh với các dáng, thế khác nhau. Thu nhập bình quân từ hoa, cây cảnh, ươm cây giống của gia đình anh 300 triệu đồng/năm , trừ chi phí lãi 150 triệu đồng. Với anh Nam, trồng cây cảnh không chỉ là nghề hái ra tiền mà đã trở thành niềm đam mê.

Ưu tiên chất lượng

Để việc học nghề thiết thực với ND, ông Hồ Văn Sáu - Phó Chủ tịch thường trực Hội ND huyện Phú Vang cho biết, Hội chú trọng đào tạo các nghề giúp ND chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông thôn, phát triển ngành, nghề thu hút nhiều lao động và dạy những nghề ND có thể làm lúc nông nhàn. Huyện hội chỉ đạo tất cả 20 cơ sở khảo sát thống kê nhu cầu học nghề của hội viên, ND; tổ chức điều tra, khảo sát những nghề có thể áp dụng tại gia đình sau khi học xong, trên cơ sở đó, Hội xây dựng kế hoạch, tổ chức lớp học nghề.

“Cùng với dạy nghề, 6 tháng đầu năm 2012, Hội ND Phú Vang đã tổ chức 158 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho 2.466 hội viên ND; phối hợp với Ngân hàng CSXH cho 756 hộ vay hơn 7 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến nay là 42 tỷ 738 triệu đồng với hơn 5.000 hộ vay; vận động 24,5 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ ND, nâng tổng dư nợ lên trên 1 tỷ 429 triệu đồng cho 397 hộ vay...”.

Theo ông Sáu, dạy nghề cho ND đã khó, để người học áp dụng được kiến thức đã học, sống được với nghề càng khó hơn. Do đó, chất lượng đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu. Với quan điểm này, hơn 90% số học viên sau khi học xong gắn bó với nghề đã học.

Hình thức tổ chức lớp học chủ yếu tại thôn. Hội lấy các chi hội làm điểm tổ chức học nghề theo từng mô hình kinh tế. Hội ND cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo các chi hội vận động hội viên ND tham gia các lớp học nghề. Cách làm này phù hợp với ND vì không phải đi xa, có điều kiện thu xếp công việc hợp lý để tham gia khóa học, nên tỷ lệ học viên đến lớp cao và thi tốt nghiệp đều đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng nghề được đào tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem