Lớp học ở trang trại

Thứ năm, ngày 25/08/2011 19:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với kinh nghiệm tích lũy sau 5 năm nuôi ba ba, nhím, ông Đỗ Mạnh Hùng, ở khu 1, trị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình đã phối hợp với Hội ND mở lớp truyền nghề cho bà con.
Bình luận 0

Ông Hùng tâm sự: "Trước tôi làm gạch nung, năm 2006, tôi xem trên ti vi chương trình nói về nghề nuôi ba ba ở Hưng Yên, thấy nuôi ba ba dễ và có tương lai, nên quyết định đổi nghề".

Nuôi con đặc sản là hợp lý

Theo ông Hùng, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, nhu cầu ăn các món ăn lạ, thực phẩn cao cấp của người dân ngày càng lớn, đây là lúc thích hợp nhất để nuôi con đặc sản. Hiện giá ba ba trơn khoảng 250 - 300 nghìn đồng/kg, ba ba gai 1,6 - 1,8 triệu đồng/kg. Nếu vài năm nữa, giá mua có giảm xuống một nửa, người nuôi vẫn có lãi, bởi thức ăn cho chúng rẻ và dễ kiếm.

img
Trang trại ba ba- nơi ông Đỗ Mạnh Hùng truyền nghề cho ND.

Ngày mới vào nghề, ông Hùng nuôi ba ba trơn, do không vớt thức ăn thừa dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, ba ba chết, ông lỗ gần 60 triệu đồng. Không nản lòng, ông mua sách, báo về học, rồi đến các trang trại lớn ở Thanh Oai (Hà Nội) để học hỏi. Năm 2007, thấy nuôi ba ba gai có giá trị kinh tế cao, ông nuôi thử 100 con và sau 1 năm lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện ông có 4 ao nuôi ba ba đẻ (320 con), 8 ao nuôi ba ba thịt (500 con), mỗi năm thu khoảng 600 triệu đồng.

Năm 2008, thấy nuôi nhím hiệu quả, ông lên Sơn La mua 10 đôi nhím giống (giá 15 triệu đồng/đôi) về nuôi. Khi mua có cặp đang mang thai, nên chỉ sau 3 tháng ông đã có 13 đôi nhím. Thấy nhím đẻ khỏe, dễ nuôi, nguồn thức ăn sẵn ông mua thêm 50 đôi về nuôi. Sau vài năm gắn bó với ba ba, nhím ông Hùng đã trở thành "kỹ sư" chuyên bắt bệnh ba ba, nhím. "Trước khi nuôi con gì, mình phải tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tâm huyết với nó thì sẽ thành công"- ông Hùng chia sẻ.

Dạy nghề tại trang trại

Ông Nguyễn Thế Việt - Chủ tịch Hội ND thị trấn Kỳ Sơn cho biết, vài năm gần đây ông Hùng đã cùng với Hội tổ chức dạy nghề chăn nuôi cho hàng chục ND trong huyện. Bà con đến trang trại ông và thực hành ngay trên con ba ba, nhím cách làm chuồng, cho ăn, phát hiện bệnh, rồi chữa trị như thế nào. Cách dạy đơn giản, nhưng hiệu quả, sau khi học xong, những hộ khó khăn được ông hỗ trợ một phần tiền con giống, giúp cho đến khi thành công thì thôi. Hiện thị trấn Kỳ Sơn có hơn chục hộ học nghề từ ông Hùng nay đã có từ 10 - 20 đôi nhím, thu vài trăm triệu/năm, như anh Nguyễn Văn Kim, Đỗ Thanh Bình (xã Dân Hạ), anh Bùi Văn Sơn (xã Phú Minh)…

Tôi biết gì thì bảo bà con, bà con làm ăn có lãi coi như đã trả công tôi rồi.

Anh Nguyễn Văn Kim phấn khởi: "Hiện nhà tôi có 20 đôi nhím, năm ngoái tôi bán 4 đôi được gần 100 triệu đồng. Bác Hùng dạy nghề theo cách truyền kinh nghiệm nên rất dễ nhớ. Ví như nuôi nhím, lúc nó có thai không nên cho ăn nhiều vì nhím béo rất khó đẻ, có khi chết cả mẹ lẫn con. Hay việc lấy xương trâu, bò, lợn cho nhím gặm để tăng thêm can xi…".

Ngoài những lớp giảng tại nhà, ông Hùng còn cùng với Hội ND huyện Kỳ Sơn lập dự án nhằm hỗ trợ cho 20 hộ nuôi nhím, với số tiền 200 triệu đồng.

Nói về kỹ thuật nuôi ba ba gai và nhím ông Hùng chia sẻ: "Nuôi ba ba gai cần chú ý đến nguồn nước. Hai tháng nên thay nước một lần và vớt hết thức ăn thừa. Ao rộng 30m2 có thể nuôi được 100 con, bờ nên xây cao, rải cát ven bờ để ba ba đẻ, vào mùa ấm cần cho ba ba ăn no để tăng trọng lượng. Nhím xây mỗi ô chuồng rộng 1,5m2, phải mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Chuồng nên xây thoai thoải, đặt cống ngầm để hạn chế mùi hôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem