|
Nông dân phường Sông Bờ trao đổi về kinh nghiệm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây thuốc lá. |
Cuối tháng 5-2010, ông Nguyễn Ngọc Nhân, nông dân phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) hoàn thành khoá học nghề trồng thuốc lá. Ông cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi được học bài bản từ gieo, trồng, chăm sóc cho đến sấy thuốc lá. Cách học rất lạ, không phải là nghe để đấy mà các giảng viên hướng dẫn chúng tôi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với nhau".
Cách học, với ông Nhân và nhiều nông dân, khá mới mẻ vì ngoài cây giống, đất cát, họ còn làm quen với thước đo, thước kẹp, kính lúp và những lọ nhựa để bảo quản các mẫu, những tờ giấy khổ lớn và bút màu để thực nghiệm và tham gia thảo luận. Thông báo kết quả học, ông Nhân nói: "Vùng chúng tôi mới trồng thuốc lá nhưng năng suất đã đạt 1,8-2 tấn/ha. Thu hoạch tới đâu nhà máy thu mua tới đấy. Giờ gia đình tôi sống khoẻ nhờ cây thuốc lá".
Ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, các lớp học trồng cây thuốc lá được Tổng cục phối hợp với Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam tổ chức từ năm 2008. Trong đó có 3 lớp dạy nghề cho nông dân tại Lạng Sơn; 9 lớp dạy nghề cho nông dân tại Cao Bằng, Tây Ninh, Gia Lai, Ninh Thuận. Thực hiện Quyết định 1956, các lớp trồng cây thuốc lá tiếp tục được mở ở Lào Cai (gồm các huyện đã được quy hoạch trồng thuốc lá như Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bắc Hà).
Điểm đặc biệt của các lớp học nghề này là chuyên gia sẽ hướng dẫn nông dân theo phương pháp "huấn luyện, trao đổi và thực hành ngay trên đồng ruộng". Sau đó phát triển vùng trồng cây chuyên canh theo quy hoạch chung của tỉnh.
Đến nay, tại tất cả các tỉnh có lớp học, diện tích vùng trồng thuốc lá đã được mở rộng cả về quy mô, diện tích, sản lượng và chất lượng. Chẳng hạn như Lào Cai đã đặt mục tiêu năm 2010 diện tích trồng là 500ha, năm 2015 là 1.500ha và đến năm 2020 diện tích trồng là 2.500ha.
Mỹ Hạnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.