Lũ dữ đi qua, nỗi lo ở lại

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 27/10/2017 06:30 AM (GMT+7)
Không ít tài sản các gia đình nhiều đời tích góp, cha truyền, con nối. Nhiều đôi vợ chồng chắt chiu cả chục năm trời mới dựng được ngôi nhà để an cư lạc nghiệp. Nhưng chỉ sau một cơn lũ khủng khiếp, của cải của 15 gia đình bà con người Mường ở bản Bang, xã Mường Bang huyện Phù Yên tỉnh Sơn La đã sạch bách. Chăn màn, gạo thóc, lợn gà, mái nhà, nền gạch đã bị cơn lũ hung dữ cuốn đi tất cả, để lại cho họ nỗi sợ kinh hoàng và nỗi lo không nhà, không cửa.
Bình luận 0

Phù Yên tan hoang

Chiều muộn, chúng tôi mới lên đươc tới Phù Yên, huyện bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt mưa lũ vừa qua của tỉnh Sơn La. Ông Cầm Văn Tân - Phó Chủ tịch huyện Phù Yên, trong bữa cơm muộn cùng chúng tôi vẫn không giấu được vẻ mệt mỏi. Ông chia sẻ: “Toàn huyện có 27 xã, thị trấn, tất cả đều bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ. Huyện bị cô lập hoàn toàn mất 2 ngày, không điện, không nước và không có sóng điện thoại. Tất cả cán bộ huyện đều trực tiếp xuống các nơi bị ảnh hưởng mưa lũ nghiêm trọng để nắm tình hình, chỉ đạo bà con chống lũ và khắc phục hậu quả sau lũ với quan điểm không để người dân nào phải đói ăn, khát uống hay màn trời, chiếu đất”.

img

Người dân bản Bang nhận quà cứu trợ của Báo Nông Thôn Ngày Nay.  Ảnh: G.T

"Toàn huyện có 27 xã, thị trấn, tất cả đều bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ. Huyện bị cô lập hoàn toàn mất 2 ngày, không điện, không nước và không có sóng điện thoại”.

Ông Cầm Văn Tân

Sáng hôm sau, chúng tôi hành quân đến xã Mường Bang. Từ trung tâm huyện tới xã này khoảng 30km. Anh Hải - cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện Phù Yên làm nhiệm vụ đưa đoàn chúng tôi đến với xã vùng lũ này nói: “Bình thường, nếu đường tốt đi mất khoảng một giờ đồng hồ, nhưng nếu đường vừa bị mưa lũ xong thì không biết thế nào mà nói trước”.

Xe chở 4 tấn gạo của chúng tôi đi được khoảng 20km, đến con suối của xã bản Ro thì bị khựng lại bởi chiếc xe tải chết máy ngay giữa suối. Cùng chung hoàn cảnh tắc đường còn có đám cưới của cô dâu Hà Thị Thính, người bên thị xã Nghĩa Lộ Yên Bái và chú rể Khánh Lưu, xã bản Ro huyện Phù Yên. Hai gia đình cách nhau khoảng 100km. Cả hai vợ chồng đều là người Thái, vào làm công nhân mãi tận Bình Dương, đưa nhau về quê cưới theo theo phong tục của đồng bào.

Do xe bị tắc ở giữa đường, để kịp giờ tốt, cô dâu đã được chở đi bằng xe máy trước để kịp ra mắt nhà chồng, còn lại họ nhà gái được sắp xếp bỏ xe ôtô lại rồi cũng đi bằng xe máy vào nhà trai ăn cỗ. Nhà trai phải huy động họ hàng để chở của hồi môn cô dâu phải sắm theo phong tục để mang về nhà chồng. Của hồi môn bao gồm gường, tủ, tivi, tủ lạnh, đệm mút và... 120 chiếc gối để ngồi. Cả đống quà hồi môn khổng lồ này bị mắc lại giữa đường, khiến nhà trai phải huy động tới gần 10 thanh niên và thuê một chiếc xe tải 3 tấn ra để đưa về nhà trai. Trong đoàn đưa cháu gái mình về nhà chồng, bà Hà Thị Thiết, bác của cô dâu cho biết: “Chưa bao giờ đi đưa dâu mà phải hoãn thế này, nhưng đường sá xe hỏng không đi được, tắc đường đành phải chịu”.

img

Em Bình đang nhớ ngôi nhà của mình. Ảnh: G.T

Cuối cùng chúng tôi cũng được giải thoát bởi chiếc xe cứu hộ được điều từ tỉnh Vĩnh Phúc lên để cẩu chiếc xe chết máy giữa suối. Theo anh Hải, từ đây chúng tôi mới đi vào tâm của cơn lũ với những đoạn đường bị sạt lở. Chiếc xe của chúng tôi đi qua những đoạn đường lầy ngập bánh, thỉnh thoảng có những tảng đá to bằng ngôi nhà đang nhỏ nước đục ngầu đỏ quạch ở ven đường, nhiều lúc tưởng như xe không tài nào bò được. Anh Hải chia sẻ: “Từ khi bị lũ ngày 13.10 tới giờ, đây đã là chuyến thứ 5 tôi đi vào vùng lũ Mường Bang. Những ngày đầu thì lội bộ khoảng 15km, sau khi trời tạnh huyện đã chỉ đạo tất cả các máy xúc máy ủi có trong huyện đi san gạt thi công để mở đường cho bà con đi lại cũng như đưa các đoàn từ thiện cứu trợ đến tận nơi. Nếu đợi  đấu thầu, thi công, có khi nửa năm nữa chưa có đường đi cho bà con  vì có đến hàng chục điểm sạt lở.”

Phải đến 1 giờ chiều, chúng tôi mới nhìn thấy UBND xã Mường Bang được kẹp giữa con suối sau gần 4 giờ di chuyển với quãng đường 30km những chiếc xe với 4 tấn gạo mới vào được tới nơi. Đây cũng là đoàn báo chí đầu tiên có mặt ở xã vùng lũ này, sau những đơn vị của huyện Phù Yên.

Ngơ ngác tìm nhà

img

Xã Mường Bang  là xã có đa số là người Mường sinh sống, tập trung trải dài theo con suối Bang. Trước kia, những ruộng lúa màu mỡ đã giúp xã này thường xuyên thoát khỏi cảnh đói giáp hạt.  Phó Chủ tịch xã Hà Văn Phương trên đường đưa chúng tôi xuống với bà con, nhìn những thửa ruộng bị đất đá vui lấp, lúa thì gẫy rạp đã  chia sẻ: “Với tình hình này, bà con chỉ có gạo ăn khoảng 1 tháng nữa là hết, nhiều nhà đã bị trôi sạch, không còn gì để ăn, để mặc. Theo người già trong bản, đây là lần đầu tiên có một trận lũ với sức nước ác đến như vậy”.

Nhặt nhạnh những mảnh gỗ cuối cùng ở ngôi nhà của mình, vợ chồng  anh Đinh Xuân Diệp (31 tuổi) và chị Phùng Thị Tơ (24 tuổi) mặt vẫn còn ngơ ngác, thẫn thờ. anh Điệp với đôi mắt thất thần lắc đầu: “Nhà tôi mất hết rồi, chẳng còn gì cả. Hai vợ chồng lấy nhau được 4 năm, tích góp vay mượn được 200 triệu đồng. Vậy mà chỉ sau mấy tiếng nước lũ đổ về, nhà tôi chỉ còn lại nền đá và những đoạn kè toang hoác”.

Anh Điệp chia sẻ, vợ con đã đưa sang bên ngoại tá túc. Do mất nhà, hai vợ chồng không còn đất nền để cắm được nữa, miền núi đất rộng, nhưng chỗ sống được an toàn và tiện sinh hoạt không phải dễ tìm. Giờ lũ đi qua, gia đình anh vô cùng khó khăn, nhưng được sự quan tâm của chính quyền và một số đoàn từ thiện nên sẽ cố gắng cầm cự trong thời gian tới.

Cũng trong cảnh phải dựng lều ở tạm là vợ chồng chị Hà Thị Huệ và anh Đinh Văn Thịn. Chị Huệ chia sẻ: “Vợ chồng em tích góp 11 năm mới dựng được ngôi nhà khang trang để ở, yên ổn được 4 tháng  nhưng đã bị biến thành đống gỗ vô hồn. Công sức của 2 vợ chồng 11 năm giờ đã xuống sông, xuống suối hết”. Chị Huệ lại càng lo hơn nữa khi chị đang mang bầu đứa con thứ 2 được 6 tháng, không biết lúc cháu ra đời đã có nhà để trú thân chưa ?

Trong cả chuyến đi, tôi bắt gặp sự ngơ ngác của em Hà Văn Bình, đang học lớp 6, khi em quay về ngôi nhà cũ, nay chỉ còn lại nửa cánh cửa sắt bị gẫy ngang, em nói: “Trước kia nhà em là ngôi nhà 2 tầng kiên cố đẹp nhất bản, nhưng bây giờ không còn nhà để ở nữa, phải sang ngủ nhờ nhà anh. Bây giờ Bình chỉ thấy nhớ nhà cũ, thích được ngủ trong ngôi nhà của mình”.

Sau một cơn lũ dữ, toàn xã Mường Bang có 260 gia đình bị ảnh hưởng mất ruộng, mất mùa nguy cơ đói đứt bữa đang treo trước mắt. 15 gia đình bị cuối trôi nhà hoàn toàn, phải lo chạy tìm nơi đất mới để dựng nhà ổn định chỗ ở. Nhiều người dân ở đây vẫn còn chưa biết cuộc sống ngày mai của mình ra sao, khi nhà cửa ruộng vườn đều bị tàn phá...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem