Luật Phòng thủ dân sự: Cân nhắc chức danh Chủ tịch Ủy ban quân sự

Thành An Thứ năm, ngày 22/09/2022 19:20 PM (GMT+7)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh Lê Tấn Tới, quy định "Chủ tịch Ủy ban quân sự" cần cân nhắc, vì chức danh này chỉ áp dụng đối với địa bàn thiết quân luật nhưng không thuộc phòng thủ dân sự.
Bình luận 0

Chiều 22/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ thảm hoạ, sự cố dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

"Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thời gian qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp mang tính chuyển tiếp, trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng Phan Văn Giang nói và cho rằng, các biện pháp chuyển tiếp này cần được luật hoá để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Luật Phòng thủ dân sự: Cân nhắc chức danh Chủ tịch Ủy ban quân sự - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, việc xây dựng Dự án Luật Phòng thủ dân sự là nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự....

Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Uỷ ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Đánh giá, bố cục của dự thảo Luật được xây dựng cơ bản hợp lý, tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban đề nghị cần bám sát khái niệm "phòng thủ dân sự" để thiết kế thêm một số nội dung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm cân đối giữa các nội dung lớn, giữa các chương, mục và nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các quy định về phân công, quan hệ phối hợp.

Cân nhắc chức danh Chủ tịch Ủy ban quân sự

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng, nhưng quy định này chưa rõ mối quan hệ với các cấp độ, sự cố, rủi ro cụ thể tại các luật chuyên ngành...

Bên cạnh đó, về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, việc dự thảo Luật giao thẩm quyền cho các chủ thể cho ban bố, bãi bỏ các cấp độ phòng thủ dân sự cần được nghiên cứu kỹ.

Luật Phòng thủ dân sự: Cân nhắc chức danh Chủ tịch Ủy ban quân sự - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Phạm Thắng.

Về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, Thường trực Uỷ ban tán thành việc chỉnh lý tên mục thành "Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp" nhằm bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự được triển khai thống nhất, kịp thời trong một trạng thái đặc biệt của xã hội (trạng thái tình trạng khẩn cấp).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Dự thảo Luật quy định chung "Chủ tịch UBND các cấp, Chủ tịch Ủy ban quân sự căn cứ tình hình thực tế quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 Luật này, quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và một hoặc một số biện pháp sau" là chưa chặt chẽ, dễ lạm quyền và các chủ thể này đều có thể "trưng dụng phương tiện và tài sản" là chưa thống nhất với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền trưng dụng.

Ngoài ra, quy định "Chủ tịch Ủy ban quân sự" cần cân nhắc, vì chức danh này chỉ áp dụng đối với địa bàn thiết quân luật nhưng không thuộc phòng thủ dân sự.

Luật Phòng thủ dân sự: Cân nhắc chức danh Chủ tịch Ủy ban quân sự - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Cần nghiên cứu kỹ, không để lại khoảng trống pháp luật

Phát biểu ý kiến vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, về vấn đề cấp độ phòng thủ dân thì Dự luật có đưa ra 4 cấp độ. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm lại phân ra các cấp độ khác. Do vậy, cần nghiên cứu thêm để đảm bảo sự hài hòa, tương thích giữa các luật khi áp dụng trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, một số nội dung quy định cụ thể trong Dự án Luật này vẫn còn chưa thống nhất với các luật chuyên môn, cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo phạm vi của Dự án Luật bao trùm toàn bộ các lĩnh vực, các trường hợp, không để lại khoảng trống pháp luật, đồng thời tạo cơ chế thống nhất về nhận thức, về lãnh đạo, về chỉ huy trong phòng thủ dân sự.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần đầu tư nghiên cứu nội dung quy định về thiết chế, cơ cấu, tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy trong công tác phòng thủ dân sự.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem