Lục bình đổi ngoại tệ

Thứ năm, ngày 22/08/2013 06:45 AM (GMT+7)
Từ người làm thuê, anh Hồ Văn Út (SN 1980), ấp Bình Hòa, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đã gây dựng nên HTX Kim Ngân chuyên gia công các mặt hàng đan lát lục bình xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho gần 800 lao động nghèo.
Bình luận 0
Do công việc tất bật, phải hẹn đi hẹn lại nhiều lần anh Hồ Văn Út mới sắp xếp được thời gian rỗi tiếp chuyện với chúng tôi. Giọng nói từ tốn, nhỏ nhẹ với phong thái hết sức “hai lúa”, anh Út tâm sự với chúng tôi: “Gia đình tôi có 11 anh em, mình là con út. Nhà nghèo, chỉ có vài công ruộng làm không đủ ăn, cho nên học hết cấp 2, tôi phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

Anh Hồ Văn Út kiểm tra sản phẩm.
Anh Hồ Văn Út kiểm tra sản phẩm.

Làm thuê gây dựng cơ nghiệp

“Sau khi làm thuê nhiều nghề chỉ đủ lo cho bản thân, năm 2008, gần nhà có một tổ hợp tác gia công đan lục bình, khi rảnh rỗi, tôi xem mọi người đan lục bình. Mỗi ngày tôi học lỏm một chút ít, rồi lấy lục bình tập tành đan thử” – anh Út trầm ngâm nhớ lại.

Khi tay nghề bắt đầu cứng cáp, anh lấy hàng đem về nhà gia công. Làm gia công ròng rã suốt gần năm trời, thấy tiền công cũng chẳng đáng là bao nên anh không tha thiết với nghề đan lục bình. Đang trong tâm trạng chán nản, cơ may cuối năm 2008, một số người quen đang công tác tại Liên minh HTX huyện biết chuyện rủ anh đứng ra thành lập HTX đan lục bình.

“Tôi suy nghĩ mãi chẳng nhẽ làm gia công kiếm ba cọc ba đồng hoài cũng khổ. Thế là tôi “làm liều”, nghe theo lời khuyên của những người bạn. Đầu năm 2009, HTX ra đời lấy tên là Kim Ngân với 13 xã viên. Lúc mới thành lập, HTX gặp vô vàn khó khăn nào là vốn liếng, nguồn hàng, lực lượng lao động, kinh nghiệm trên thương trường. Phải bươn chải lắm, đến cuối năm 2010, HTX mới thực sự hoạt động”- anh Út kể.

Cứu tinh của nông dân nghèo

Sau khi HTX chính thức hoạt động, anh Út cùng các xã viên chạy đôn chạy đáo tìm đối tác đặt hàng. Thông qua Sở, Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh và huyện, HTX Kim Ngân hợp tác tuyển sinh đào tạo lao động và gắn kết với giải quyết việc làm. Chị Nguyễn Thị Tuyết Loan, học viên ở xã Xã Phiên hồ hởi nói: “Nhờ có HTX Kim Ngân mà bà con có việc làm, thu nhập ổn định. Công việc đan lát rất phù hợp với chị em phụ nữ, thu nhập bình quân mỗi người trên dưới 150.000 đồng/ngày”.

Không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong huyện, HTX Kim Ngân còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở một số địa phương khác. “Bình quân, mỗi tháng HTX giao hàng chục ngàn sản phẩm cho các đối tác trên TP.Hồ Chí Minh để xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của HTX muốn vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tuy nhiên đề án vay vốn lập từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được giải quyết” – anh Út buồn so nói.

Ông Nguyễn Văn Tính – phụ trách dạy nghề Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện Long Mỹ cho biết: Ngoài uy tín, các sản phẩm hàng hóa chất lượng, nhiều năm qua HTX Kim Ngân là đơn vị gia công đan lát lục bình duy nhất trên địa bàn huyện đã góp phần giải quyết tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nghèo của địa phương, giúp nhiều học viên thoát nghèo bền vững. Anh Út được mọi người xem như vị cứu tinh của dân nghèo.

Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem