Liên quan đến việc Hội đồng Quản trị
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM bất ngờ thông báo được Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ
Công An) cấp
con dấu mới gây xôn xao dư luận, ngày 20.1,
Dân Việt đã tiếp xúc
được với văn bản thông báo về việc hủy con dấu này của Cục Cảnh sát QLHC về
TTXH (thông báo số 90/C64-P2) ký ngày 13.1.2014.
Văn bản này nêu rõ: Cục Cảnh
sát QLHC về TTXH đã thực hiện thủ tục khắc con dấu mới và giao cho Trường ĐH
Hùng Vương TP.HCM sử dụng (bao gồm con dấu ướt và dấu nổi), kèm theo giấy chứng
nhận đã đăng ký mẫu dấu (Số 36/14/ĐKMD và số 37/14/ĐKMD ngày 10.1.2014), con dấu
có giá trị sử dụng từ ngày 13.1.2014.
Thông báo Hủy con dấu của
ĐH Hùng Vương TP.HCM bằng văn bản
Hủy con dấu Trường ĐH Hùng Vương
TP.HCM (gồm dấu ướt và dấu nổi) do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã khắc trước đây
kèm theo giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu (số 29/08/ĐKMD cấp ngày 4.6.2008
và số 34/08/ĐKMD cấp ngày 11.6.2008). Tổ
chức cá nhân nào sử dụng con dấu, giấy đăng ký mẫu dấu đã bị hủy theo thông báo
trên đây là vi phạm pháp luật - thông báo này ghi rõ.
Nói về việc hủy con dấu “có một không
hai” này, nhiều luật sư tại TP.HCM đều lắc đầu khó hiểu bởi theo thông tư Liên tịch số 07/2002/TT-LT ngày 06/5/2002 của
Bộ Công an - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện
một số quy định tại Nghị định 58/2001/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: Trường
hợp con dấu của cơ quan, tổ chức bị mòn,
méo, hỏng hoặc trong trường hợp chia,
tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể tổ chức hoặc kết thúc nhiệm vụ
thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó phải nộp con dấu cũ và “Giấy chứng nhận
đã đăng ký mẫu con dấu” cho cơ quan Công an đã cấp; trường hợp khắc lại con dấu
thì chỉ được nhận con dấu mới sau khi
đã nộp con dấu cũ và “Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu” đã cấp.
Ngoài ra, ở thông tư số
07/2010/TT-BCA ngày 05/02/2010 của Bộ Công An cũng thông tin: “Trường hợp đổi, làm lại con dấu thì chỉ được nhận con dấu mới và Giấy chứng
nhận đã đăng ký mẫu dấu sau khi đã nộp con dấu cũ và Giấy chứng nhận đã đăng ký
mẫu dấu cho cơ quan Công an nơi đăng ký con dấu mới”.
Như vậy, việc Cục Cảnh sát QLHC về TTXH lại ra thông báo “hủy con dấu”
bằng văn bản số 90/C64-P2 trong khi con dấu cũ vẫn được bảo quản tại Phòng
Hành chính Tổng hợp của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM thì thật... khó hiểu.
Được biết trước đó, ngày 1.11.2013, Văn phòng
Chính phủ đã có công văn số 9235/VPCP-NC truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Thiện
Nhân (lúc đó là Phó Thủ tướng - PV) về việc tạm đình chỉ việc sử dụng con dấu của
trường, giao Bộ Công An chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan
có thẩm quyền, tổ chức thu hồi con dấu của trường.
Công văn nói rõ: “Sau khi ổn định tổ chức bộ máy mới
cho phép sử dụng lại con dấu”.
Không chỉ có sự khó hiểu ở việc hủy
con dấu bằng văn bản thông báo, ngay ở chính văn bản số 90/C64-P2 của Cục Cảnh
sát QLHC về TTXH cũng gây nhiều thắc mắc. Cụ thể, ở tờ 1 văn bản này lại in
trên giấy khá đen nhưng ở tờ 2 văn bản này lại là giấy trắng; phông chữ, khổ giấy
của 2 trang này cũng khá khác nhau.
Thêm vào đó, văn bản này được ký vào
ngày 13.1.2014 do Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản
lý Hành chính về Trật tự Xã hội ký tên và đóng dấu. Tuy nhiên, trước đó ngày
15.1, Dân Việt đã trực tiếp gọi ĐT cho ông Đàm để xác minh việc đơn vị này cấp
con dấu mới cho ĐH Hùng Vương TP.HCM nhưng ông Đàm cho biết: “Tôi không biết việc
này. Có gì thì liên hệ với tổng cục”.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến con dấu mới của ĐH Hùng Vương, nhiều
chuyên gia khẳng định con dấu mới này được khắc theo phông chữ có chân.
Về vấn
đề này, một chuyên gia lĩnh vực này tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Qua quan sát, tôi khẳng định chữ trên con dấu
mới này là chữ có chân. Đây là điều khá “lạ” bởi theo Thông tư số
21/2012/TT-BCA thì: Mẫu chữ trong con dấu chỉ được viết có chân thuộc về các cơ
quan tối cao của nhà nước, chính phủ. Các mẫu chữ trong con dấu thuộc cấp Bộ trở
xuống đều không có chân và phải theo mẫu quy định của Thông tư số
21/2012/TT-BCA.
Quốc Hải (Quốc Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.