|
Xét nghiệm độ pH trong máu sẽ tìm được nguyên nhân của nhiều căn bệnh. |
Muốn khỏe, máu phải kiềm
Muốn giữ được trạng thái khỏe mạnh cho cả hai mặt tâm thể thì môi trường sinh học bên trong cơ thể phải kiềm. Ngay cả trung tính cũng không tốt. Bằng chứng là pH của máu, trị số phản ảnh độ kiềm toan của máu không là 7, không ở ngay vị trí trung bình, mà dao động trong khoảng 7,3 - 7,4.
Nếu pH máu có khuynh hướng xuống thấp hơn, nghĩa là chất toan chiếm ưu thế trong cơ thể, như trong trường hợp tăng chất làm mỏi cơ acid lactic, hay chất sinh sạn khớp acid uric, thì bệnh hoạn không dạng này cũng kiểu khác, không sớm thì muộn sẽ viếng thăm thân chủ!
Đó chính là một trong các lý do khiến nhiều người hiện nay mệt mỏi triền miên, hay tệ hơn nữa, nay đau mai yếu. Cuộc sống căng thẳng, khuynh hướng ít vận động của người làm việc trong văn phòng, thói quen dinh dưỡng quá đơn điệu với thực phẩm công nghệ, lại thêm thuốc lá, cà-phê… là cơ sở để nhiều loại phế phẩm có tính chua tích lũy trong cơ thể.
Không lạ gì khi nhiều người, đặc biệt là cư dân ở thành phố lớn, dù chưa đau yếu đến độ phải vào bệnh viện, nhưng luôn than phiền vì nhức đầu, đau khớp khi trở trời, đắng miệng, ợ chua…
Dễ bệnh vì máu quá chua
Rất dễ tạo ra chất chua nhưng muốn trung hòa lại rất khó. Lượng thức ăn “xanh” để tạo chất kiềm phải gấp 4 lần lượng thực phẩm sinh chất chua trong khẩu phần thường ngày mới mong đủ sức trung hòa. Với bữa ăn nào cũng nhiều thịt mỡ hơn rau cải thì khỏi đo cũng biết máu sớm trở thành đồng môn với … dấm!
Dấu hiệu điển hình của tình trạng cơ thể có quá nhiều chất chua thường được bộc lộ qua nhiều giai đoạn như: Dễ bội nhiễm dai dẳng trên đường hô hấp (viêm xoang, viêm phế quản), đường tiết niệu (viêm bàng quang), đường tiêu hóa (viêm dạ dày, tiêu chảy); mệt mỏi, mất hứng thú trong công việc, ợ chua, biếng ăn, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược sinh dục, rối loạn kinh nguyệt, đãng trí, trầm uất và trong nhiều trường hợp thậm chí biến đổi cá tính.
Tình trạng mất quân bình kiềm toan dễ trở thành trầm trọng vì nhiều người chưa hiểu thật đúng về biện pháp cân bằng thông qua chế độ dinh dưỡng. Nếu tưởng muốn bớt chất chua phải kiêng chua nên tránh rau cải, trái cây thì lầm.
Chất chua trong máu là chất cuối cùng trong chuỗi phản ứng sinh hóa và khác xa vị chua của món ăn. Trái lại là khác. Thức ăn quá béo như thịt mỡ, quá ngọt như bánh kẹo, nước giải khát có ga, đường hóa học, rượu bia, cà-phê là những món tạo ra phế phẩm có tính chua.
Ngược lại, rau cải, trái cây, mễ cốc… cho dù có chua ở đầu lưỡi, lại là món ăn dẫn đến sản phẩm có tính kiềm cho cơ thể. Nhiều thầy thuốc vì thế thường khuyên bệnh nhân ăn chay ít ngày để máu bớt chua. Ai chưa tin xin thử một lần.
Bên cạnh cách ăn, uống nước khoáng thiên nhiên loại có nhiều bicarbonate, tối thiểu 1,5 lít mỗi ngày cũng là cách cải thiện độ kiềm của máu. Ngoài ra, đừng quên tiến trình biến dưỡng trong cơ thể có khuynh hướng ngã về chất chua dưới ảnh hưởng của các nội tiết tố sản sinh trong tình huống stress như corticosteroid của tuyến thượng thận, thyroxin của tuyến giáp trạng. Cuộc sống càng căng thẳng, càng nhiều nỗi đắng cay thì máu càng chua!
Bài toán của thầy thuốc bao giờ cũng khó hiểu! Muốn hai vế cân bằng thì bên mặn đến 4 trong khi bên chua chỉ có 1! Chuyện đời xưa nay vẫn thế mới lắm nỗi oái oăm!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.