Minh làm nhân viên kế hoạch cho một công ty sữa, còn Lan là kế toán của một doanh nghiệp. Nhờ khéo thu vén nên sau ba năm họ cũng mua được nhà riêng. Trước khi cưới, hai người đã giao ước với nhau về công việc nhà, Lan lo chuyện nấu nướng, Minh lau nhà, giặt ủi quần áo. Để phân minh rõ ràng, sẽ không ai làm thay công việc cho ai dù bất cứ hoàn cảnh nào, ngoại trừ lý do bị bệnh. Họ đã trải qua nhiều năm hôn nhân suôn sẻ, hạnh phúc, không hề xảy ra chuyện tị nạnh, giận hờn nhau.
Hình minh họa
Bạn bè Lan ai thấy cũng ganh tị, ước ao. Năm năm sau ngày cưới, họ sinh con. Kế hoạch của hai người là khi Lan sinh tháng đầu, anh sẽ xin nghỉ một tháng không ăn lương. Sau đó, khi hết thời gian nghỉ hộ sản Lan sẽ thuê người về chăm em đến mười tám tháng sẽ cho em đi nhà trẻ. Mặc dù hai bà nội, ngoại đều còn khỏe mạnh nhưng Lan không có ý định nhờ trông cháu. Lan nói : “Mẹ đã sinh ra, nuôi nấng mình cực khổ rồi, bây giờ để mẹ phải vất vả vì cháu nữa là điều hết sức vô lý, càng không nên xem đó là trách nhiệm của mẹ, huống hồ nay mẹ đã có tuổi không còn dẻo dai mạnh khỏe như hồi trẻ”. Minh nghe vợ nói thế trong bụng cũng thầm vui vì cho rằng vợ mình biết nghĩ và biết thương mẹ nên anh gật đầu đồng ý chứ Minh đâu biết rằng Lan đang rất lo mẹ chồng cô sẽ lấy lý do chăm cháu để lên ở chung với hai vợ chồng cô. Mặc dù về làm dâu nhà Minh được hơn năm năm nhưng chưa bao giờ Lan về quê Minh ở quá hai ngày.
Cô luôn nại lý do này khác để thoái thác về quê chồng. Sinh ra, lớn lên và sống cả đời ở quê, mẹ chồng cô ít học lại không có điều kiện đi đây đó nên cách sống của bà vẫn đậm chất của một người phụ nữ nông thôn. Nông thôn từ cách nghĩ đến cách sinh hoạt. Nhà nuôi vừa heo vừa gà vịt, lại quần quật chuyện ruộng nương, bà không còn thời gian để chăm chút nhà cửa nên chuyện bừa bộn, nhem nhuốc là đương nhiên. Lan không quen với cảnh sống ở quê đã đành, càng không quen với cách sinh hoạt ấy của mẹ chồng nên cảm thấy rất bực bội nhưng vì thi thoảng mới về, lại không ở lâu nên cô không thấy bị áp lực. Nay, nghĩ đến cảnh bà lên ở cùng để chăm cháu, Lan rất ngại. Bởi vậy, được chồng ủng hộ, cô rất mừng. Nhưng không ngờ, bà tự ý mang vác đồ đạc từ quê lên, nói là để chăm sóc cho con dâu và cháu nội. Sự việc chẳng đặng đừng, Lan đành chấp nhận. Thật lòng mà nói có bà nội, mẹ con Lan được chăm sóc rất chu đáo. Bà chăm cháu từng li từng tí, có đêm cháu quấy khóc, bà vác cháu lên vai lui tới suốt đêm cho Lan ngủ, bà quần quật suốt ngày không ngơi tay nhưng lúc nào cũng cười nói vui vẻ.
Có điều Lan phải rất vất vả để đối phó với những quan niệm về chăm sóc bà đẻ và em bé theo truyền thống có khi rất phản khoa học của bà. Bà không cho giặt đồ em bé bằng máy, vì sợ máy vắt quần áo, em bé sẽ bị vặn mình. Bà còn lấy một con dao to để trên đầu giường cho em bé khỏi giật mình, thế vẫn chưa nguy hiểm bằng chuyện bà gửi về quê mua thứ thuốc bột xam xám, tanh tanh không thấy ghi nhãn hiệu gì, bảo cho em bé uống để xổ nhớt. Lan cầu cứu Minh. Cũng giống như bao bà mẹ quê khác, mẹ chồng Lan đặc biệt rất thương và chiều con trai nên Minh nói bà nghe, mọi việc cũng êm xuôi. Đó là những ngày Lan còn trong tháng, chỉ loanh quanh trong phòng. Đến ngày đầy tháng, Lan bước xuống nhà thì hỡi ơi, từ phòng khách đến nhà bếp đều rối tung, đồ đạc vất tứ tung như cái nhà kho. Lan tự an ủi, nay mai bà cũng về, rồi đâu sẽ lại vào đấy. Nhưng một lần nữa, bà tuyên bố sẽ ở chăm cháu cho tới lúc cháu đi học mầm non vì bà không yên tâm khi giao cháu cho nhà trẻ. Mặc dù đã thỏa thuận từ trước nhưng hình như Minh ngầm ủng hộ. Thì ra là vì từ ngày có bà, bà gánh hết công việc phần anh.
Với mọi người, đây là phúc đức ba đời của Lan. Có người còn nói thẳng với cô, có bà mẹ chồng như vậy trong thời buổi này là ước ao của biết bao người. Thật ra, mẹ chồng Lan là người rất mực thương con cháu, chỉ có điều bà đã quen nếp sinh hoạt bao nhiêu năm ở quê, không thích nghi được với cách sinh hoạt của người thành phố, tính bà lại bảo thủ không chịu đổi mới. Vợ chồng Lan đi làm suốt ngày, bà ở nhà phá hỏng hết từ lò vi sóng đến bếp từ, máy ép trái cây… mặc dù Lan đã hướng dẫn cẩn thận. Quần áo, khăn nón bạ đâu bà treo đó, người lúc nào cũng nồng nặc mùi nước tiểu em bé, bảo mặc tã cho em bà sợ hâm, bà nói nước đái em bé thơm sữa chứ khai đâu mà khai, ngày xưa người ta còn uống nữa là…(?).
Không những thế, từ ngày có bà ở chung, Minh đâm ra đổ đốn, anh không còn tuân thủ các quy ước, vì các công việc đáng lẽ anh được phân công phải làm thì bà làm hộ anh tất tần tật. Thỉnh thoảng bà còn rủ mấy bà hàng xóm qua tám chuyện, bao nhiêu bánh kẹo, trái cây lôi ra ăn hết. Nhiều lúc Lan tức muốn đổ bệnh mà không biết nói gì bây giờ. Con gái Lan thì xem ra rất quấn bà.
Lan đi làm về nó chỉ nhìn Lan cười một cái rồi lại bám cổ bà đòi bế đi chơi. Thế là “mẹ về rồi, mẹ trông nhà nhé, bà cháu tôi đi chơi đây”. Chừng hai bà cháu đi chơi về, Lan lại phải giải quyết cái hình thù nhem nhuốc của con bé vì chà lết quết xảm dưới đất. Bây giờ, mỗi chiều tan sở, nghĩ đến việc phải về nhà là Lan rất oải, có khi lại loanh quanh đâu đó cho đỡ căng thẳng. Cô đang mong cho thời gian qua mau đến ngày con bé đi học mầm non để thoát được cảnh ở chung với mẹ chồng.
Gia Nghi (Dòng Đời) (Gia Nghi (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.