Những con mực ống dần uốn trên bếp than hồng. Thơm ngào ngạt! Hương thanh khiết theo từng cơn gió sông Đà Rằng, thoảng qua khứu giác lữ khách.
|
Con mực ống Phú Yên ngọt dai đáo để. Ảnh: |
Vị mực ngọt đậm đà, thịt dẻo dai “ăn đứt” họ mực ở những vùng biển khác. Đó là bí mật tuyệt vời, “chỉ có mực quê em mới có!” Hỏi tại sao, cô chủ quán biết vậy mà cũng... chịu thua. Có thể do thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng phiêu sinh ở đây đặc biệt hơn biển Phan Thiết, Bình Định, Cà Mau...
Để cảm nhận sự khác biệt này là chuyện không đơn giản. Và càng khó hơn với một thực khách chưa từng thưởng ngoạn nhiều ở non nước hữu tình Phú Yên, chưa nếm nhiều sản vật quê nhà. Riêng sản vật của tỉnh này như một hòn ngọc chưa mài dũa. Còn các nhà làm du lịch có thể bận rộn với những dự án lớn hơn...
Về Sài Gòn, gặp lại mực ống cũng tậu từ quê Gành Đá Dĩa – Phú Yên ở quán Cây Me, Bình Thạnh. Nắng rát mặt, tìm hoài chẳng thấy một lá me. Cô chủ quán nói gọn: “Me khó nuôi em chặt rồi”. Đúng là kiểu đùa lạc quan của dân Gành Đá.
Công tâm mà nói, độ tươi con mực quán này kém điểm so với mực bờ kè sông Đà Rằng. Dễ hiểu bởi con mực sẽ phải “bơi” trong đá lạnh qua cả vài trăm cây số. Bù lại, nó cũng có nhiều cung bậc từ bàn tay người đứng bếp.
Thế nhưng, vẫn có cách “son phấn” nhẹ: gia ít nước mía và thơm (khóm) ép vào hỗn hợp muối ớt để thịt con mực ngon ngọt hơn. Song chắc gì chủ quán Cây Me chịu lỡ mất hương đồng cỏ nội, nếu vậy thì “chu choa”... buồn ơi là buồn.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.