Mía đường vật vã vượt qua tụt hậu, năng suất kém nhất thế giới

Minh Huệ - An Nhiên (thực hiện) Thứ năm, ngày 07/09/2017 18:45 PM (GMT+7)
Sau loạt bài “Mía đường kém ngọt vì nhiều nút thắt lớn”, phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam về những giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm đưa ngành này phát triển trong thời gian tới.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Cùng một xuất phát điểm, nhưng đến nay ngành mía đường Việt Nam đã bị một số nước trong khu vực ASEAN bỏ xa, bị cạnh tranh ngày càng gay gắt. Những điểm yếu nào khiến ngành mía đường Việt Nam bị tụt hậu, thưa ông?

- Chương trình mía đường đầu tiên được khởi xướng cuối năm 1994 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 có 1 triệu tấn đường, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng nhà máy đường. Khi đó, chúng ta vẫn phải nhập đường 500.000-700.000 tấn/năm. Trong 5 năm (1995-2000), chúng ta đã xây dựng được 44 nhà máy đường. Tuy đạt mục tiêu 1 triệu tấn mía đường/năm, nhưng các nhà máy gặp nhiều khó khăn.

img

Nông dân huyện Đăk Pơ (Gia Lai) thu hoạch mía bán cho nhà máy đường. Ảnh: Hồng Thương

Thứ nhất, khó khăn nội tại của ngành chế biến nông sản là bất cập giữa vùng nguyên liệu với công suất nhà máy. Nông dân đang sản xuất nhỏ lẻ phân tán, họ chưa sẵn sàng làm nguyên liệu, họ phải thấy có nhà máy mới trồng mía làm nguyên liệu.

Đây là khó khăn lớn nhất, chính vì vậy trong giai đoạn 3 năm đầu, các nhà máy không thể phát huy hết trên 50% công suất. Thứ hai, có một số nhà máy xây dựng xong nhưng không có nguyên liệu, phải chuyển nhà máy đi chỗ khác. Thứ ba, để đẩy nhanh tiến độ, bên cạnh vốn vay quỹ hỗ trợ phát triển lãi suất ưu đãi, nhiều nhà máy vay thêm vốn thương mại, chính vì thế giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao hơn.

Thứ tư, thời điểm đó có 2 tác động trực tiếp đó là khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, đồng thời giá đường thế giới giai đoạn đó thấp nhất lịch sử ngành mía đường, còn 2.000 đồng/kg, trong lúc giá thành 3.500 - 4.500 đồng/kg.

img

Đối với công nghiệp chế biến cần tính đa dạng hóa sản phẩm, ngoài đường cần sản xuất ethanol, hay tận dụng bã mía để phát triển điện sinh khối, như thế sẽ cho nguồn thu lớn. Đây là chìa khóa liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, giữa nông dân với nhà máy”.

Ông Phạm Quốc Doanh

Năm 2004 Chính phủ đã xử lý dứt điểm tài chính của các nhà máy mía đường nhưng phải gắn với chuyển đổi sở hữu chuyển 100% công ty nhà nước sang công ty cổ phần. Đây chính là động lực để ngành mía đường phát triển như ngày hôm nay.

Trong giai đoạn hội nhập, những khó khăn nào là lớn nhất với ngành mía đường?

- Năng suất mía đã tăng nhiều nhưng so với bình quân thế giới vẫn thấp hơn, họ bình quân 70 tấn/ha, ta 65 tấn/ha; năng suất đường cũng thấp hơn bình quân thế giới. Chính vì vậy chi phí sản xuất, giá thành kể cả mía và đường vẫn ở mức cao. Việc đa dạng hóa sản phẩm hạn chế, chưa tận dụng sản phẩm mía đường để làm các sản phẩm khác chưa nhiều (làm điện, xăng…).

Việc tái cơ cấu ngành mía đường đã được bàn đến nhiều trong thời gian qua, trong đó việc nâng cao năng suất, giảm giá thành được coi là giải pháp sống còn, nhưng xem ra quá trình này vẫn chưa có gì thay đổi. Ông có thể cho biết quá trình hiện đại hóa ngành mía đường đang vướng mắc nhất ở khâu nào?

- Một trong những nhiệm vụ sống còn để ngành mía đường hội nhập là phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để tái cơ cấu ngành mía đường, bắt đầu từ giống, kỹ thuật canh tác, sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, đa dạng hóa trong sản phẩm chế biến.

Hiện Bộ NNPTNT đã giao cho các đơn vị liên quan xây dựng đề án tái cơ cấu ngành mía đường, sau khi đề án này được phê duyệt, chúng ta mới có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên có nhiều mô hình đã triển khai các biện pháp từ giống, canh tác thu hoạch chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.

Có 2 khâu phải tập trung đẩy mạnh, một là sản xuất nguyên liệu, hai là công nghiệp chế biến. Trong sản xuất nguyên liệu tập trung quy hoạch lại, thiết kế lại đồng ruộng tạo ra những cánh đồng mía phù hợp để thực hiện cơ giới hóa và áp dụng biện pháp canh tác mới. Thứ hai, phải tổ chức lại khâu nghiên cứu và sản xuất giống... Chỉ khi nào thu nhập trên 1ha mía ít nhất bằng hoặc hơn thu nhập các cây khác thì người trồng mía mới chuyên tâm.

Việt Nam chưa có Luật Mía đường, các quy định chưa đủ chặt chẽ khiến nhiều mâu thuẫn xảy ra. Vậy theo ông chúng ta có cần ban hành luật?

- Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã chính thức có kiến nghị Bộ NNPTNT để đăng ký danh mục luật và pháp lệnh để xin Chính phủ trình Quốc hội cho phép xây dựng dự án Luật  Mía đường. Đấy là một trong những yếu tố cần thiết để quản lý ngành. Vì chúng ta đã vào sân chơi chung quốc tế, họ quản lý bằng luật mà chúng ta chưa có thì cũng không được.

Luật phải nêu được nội dung quản lý nhà nước đối với mía đường, trách nhiệm quyền lợi của nhà máy, người chế biến công nghiệp, giải quyết mối quan hệ giữa người làm nguyên liệu với nhà máy, mối quan hệ giữa cơ quản quản lý nhà nước đối với nhà máy... Kể cả thương mại, tiêu dùng trong nước, xuất nhập khẩu như thế nào... Có như vậy ngành mía đường mới phát triển bền vững được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem