Ngày 20.2, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (TLPCLB) Đà Nẵng cho biết, do lượng mưa trên địa bàn thời gian qua quá thấp nên 21 hồ chứa nước ở Đà Nẵng không có hồ nào đầy. Riêng 2 hồ chứa nước lớn nhất Đà Nẵng là Hòa Trung và Đồng Nghệ chỉ có 50% nước.
Sông Vu Gia đoạn chảy qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - nguồn cung cấp nước chính cho địa bàn Đà Nẵng, hiện mực nước đã xuống thấp đến nỗi người dân có thể lội bộ từ bên này sông qua bên kia sông. “Hiện mực nước đo được tại trạm bơm Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) xuống thấp dưới 2m” - anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ thủy lợi huyện Đại Lộc, cho biết.
Sự thiếu hụt nước này đã dẫn đến khô hạn cho nhiều diện tích lúa đông xuân ở Hòa Vang (Đà Nẵng). Theo bà Nguyễn Thị Lụa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), ruộng nhà bà khô đã lâu mà chưa thấy thủy lợi, đất đã nứt nẻ, cây lúa đã quắt queo, thiệt hại về năng suất đã thấy trước mắt.
Tại Quảng Nam, tình trạng khô hạn diễn ra còn nghiêm trọng hơn cả Đà Nẵng. Tại hàng loạt huyện, thành phố của tỉnh này, nhiều cánh đồng lúa đang vào giai đoạn làm đòng nhưng không có nước. Bà Mai Thị Nông (45 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) cho biết: “Nhà tôi có 4 sào lúa, đang vào mùa bón đòng để trổ. Mấy ngày nay, tôi không ngủ được vì lo lắng.
Ban đêm, cả nhà tôi phải thức để canh lấy nước vào ruộng, nhưng các kênh mương thủy lợi đều không có nước xả về. Phân bón thì đã mua để trong nhà, nhưng lượng nước trong ruộng rất ít nên không dám bón phân. Vợ chồng tôi đã đi mượn máy bơm về ra ao, đầm bơm vắt nước nhưng các ao đầm cũng khô cạn đáy. Không riêng nhà tôi mà cả cánh đồng 50ha của xã tôi đang có nguy cơ thất bát”.
Ông Đinh Thương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Phước cho biết: Tiên Phước có tất cả 8 hồ thủy lợi nhỏ và 28 đập dâng để phụ vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, lúa đang vào mùa bón đòng, nhưng tất cả các hồ, đập đều khô hạn. Nguy cơ vụ mùa năm nay nông dân sẽ thu hoạch thấp hơn năm ngoái”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, cho biết: “Để cho nông dân có được nước đưa vào đồng ruộng dưỡng lúa, chúng tôi đã yêu cầu các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải thường xuyên xả nước cho người dân lấy. Các thủy điện cứ 5 ngày xả, 5 ngày nghỉ. Hiện nay, Thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn) thông báo đang xả nước 50m3/s; A Vương (Đông Giang) xả 30m3/s; Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) xả 15m3/s. Tuy nhiên do trời nắng gắt nên chừng đó nước xả cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của cây trồng”.
Đình Thiên - Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.