Hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo: nâng cao thu nhập cho nông dân ĐBSCL

Ngọc Linh Thứ tư, ngày 13/12/2023 12:50 PM (GMT+7)
Việc hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực ĐBSCL mở ra cơ hội nâng cao thu nhập người trồng lúa. Nông dân được cung cấp nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Bình luận 0

 Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, chiều 12/12/2023, tại thành phố Vị Thanh, Hậu Giang, hai đơn vị thành viên Tập đoàn PAN gồm CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) và CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), cùng với CTCP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II (2Phong) đã ký kết biên bản hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo: cơ hội nâng cao thu nhập người trồng lúa - Ảnh 1.

Lễ ký kết biên bản hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của ba bên Vinaseed – VFC – 2Phong. Ảnh: T-Hiền.

Hợp tác ba bên Vinaseed – VFC – 2Phong được coi là giai đoạn triển khai cụ thể đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa". Theo đó, ba đơn vị thống nhất cùng nhau kết hợp xây dựng bộ giải pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an toàn thực phẩm. Giải pháp bao gồm giống của Vinaseed, phân bón của 2Phong và kiểm soát dịch hại của VFC.

Hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo: cơ hội nâng cao thu nhập người trồng lúa - Ảnh 2.

Nông dân sẽ được cung cấp các giống lúa do VinaSeed cung cấp, thuốc bảo vệ thực vật do VFC cung cấp, phân bón do Công Ty phân bón 2Phong cung cấp. Ảnh: Lê Giang.

Đề án hỗ trợ bà con nông dân từ đầu vào gồm nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn, đến các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dịch hại, sau đó gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cuối cùng. Tất cả nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao thu nhập nông dân trên địa bàn, kế hoạch đến 2025, tầm nhìn 2030.

Đề án có sự tương đồng quan trọng và góp phần hiện thực hóa đề án quốc gia "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo: cơ hội nâng cao thu nhập người trồng lúa - Ảnh 3.

Triển khai thực hiện các "điểm trình diễn" trồng lúa ứng dụng cơ giới hoá sản xuất. Ảnh: T-Hiền.

Trong đó, các bên sẽ cùng nhau phối hợp triển khai thực hiện các "điểm trình diễn" giống lúa, phân bón với bộ giải pháp kỹ thuật mới tại các điểm "nông dân nòng cốt" của VFC, Vinaseed và 2Phong tại Đồng Tháp và một số tỉnh trọng điểm tại ĐBSCL. Mặt khác họ sẽ phối hợp theo dõi, giám sát, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và đánh giá hiệu quả đồng ruộng theo giai đoạn sinh trưởng. Đồng thời, các bên chuyển giao kỹ thuật, quảng bá và lan tỏa hiệu quả.

Trước đó, từ đầu tháng 12 bắt đầu từ vụ Đông - Xuân, ba bên đã bước đầu triển khai cung cấp sản phẩm và giải pháp về giống, nông dược, phân bón cho nhiều hộ nông dân trong các vùng liên kết của mỗi công ty với diện tích 35-40 ha. 

Hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo: cơ hội nâng cao thu nhập người trồng lúa - Ảnh 4.

Nông dân được các nhà chuyên môn hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và đánh giá hiệu quả đồng ruộng theo giai đoạn sinh trưởng. Ảnh: Lê Giang.

Sự hợp tác này mang ý nghĩa lớn, không những đưa ra "bộ giải pháp" mới để giảm lượng giống gieo sạ, giảm lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón sử dụng mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là giảm phát thải, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải của quốc gia và của thế giới.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023

Diễn ra từ 11 - 15/12 tại Hậu Giang, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu quốc tế, bao gồm các lãnh đạo ngành, doanh nghiệp đến từ hơn 39 quốc gia ưa chuộng gạo Việt, festival không chỉ là dịp giao thương hàng hóa mà quan trọng hơn đã mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy thương mại lúa gạo quốc gia. Thông qua đó, festival truyền tải với thế giới thông điệp về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Festival cũng chứng kiến lễ phát động thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", từ đó truyền đi thông điệp cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính đã được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem