Cách Hà Nội 90km có một nơi ở Phú Thọ, hơn 100 năm trước làng lên thị xã, nay vẫn là thị xã

Chủ nhật, ngày 26/11/2023 15:48 PM (GMT+7)
Hơn một thế kỷ qua đi, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) dù trải qua bao thăng trầm và biến cải. Tuy nhiên, trong từng con phố và nét sinh hoạt của người dân thị xã vẫn thấp thoáng bóng dáng của một trung tâm tỉnh lỵ xa xưa.
Bình luận 0

Thị xã Phú Thọ được người dân Đất Tổ yêu mến gọi là “phố cổ” của tỉnh. Với lịch sử phát triển lâu đời, thị xã Phú Thọ từng là vùng đất phát tích gắn với những dấu mốc lịch sử của tỉnh. 

Trong ký ức của bà Trần Thị Mai Chính (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ) - một người đã sinh ra, lớn lên và gắn bó với thị xã Phú Thọ những ký ức của vùng đất Phú An xưa hay Làng Mè nay vẫn còn nguyên vẹn.

Theo những truyền tích mà bà Chính được thế hệ trước kể lại, vùng đất Phú An thời kỳ hoang sơ còn thưa thớt, cư trú tập trung ở các khu vực nhỏ gọi là động gồm: Động Tiên - trung tâm của làng (khu vực ga ngày nay), động Cờ (khu trường Cao đẳng Sư phạm ngày nay) và động Cao (khu Cao Bang ngày nay). 

Phía Nam làng là sông Thao, phía dưới làng đều chưa có đê ngăn nước, mỗi mùa nước lớn, làng như một hòn đảo nhỏ.

Trong những văn bản còn được lưu truyền, vào thời Hùng Vương thứ 18, người con trưởng của Bảo Quốc công Đại tướng Ma Khê đã đưa một bộ phận họ Ma từ núi Đọi (Cẩm Khê) sang cư trú và lập thành động riêng.

Người họ Ma làm động trưởng, về sau hợp nhất với động Tiên, liên kết với động Cao, động Cờ gọi chung là động Phú An. Đây là những dấu tích đầu tiên dựng xây nên phố thị cổ kính của Đất Tổ bây giờ.

Cách Hà Nội 90m có một nơi ở Phú Thọ, hơn 100 năm trước làng lên thị xã, nay vẫn là thị xã - Ảnh 1.

Cây đa lịch sử với người dân thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Suốt những đời vua Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… sau này, cái tên Phú An được giữ nguyên, khi thì gọi là Phú An bộ, Phú An xã, khi thì gọi là làng Phú An. 

Năm 1890, vua Thành Thái nhà Nguyễn chuẩn y đổi tên làng Phú An thành làng Phú Thọ. Làng Phú Thọ bấy giờ nằm trong tổng Phú Thọ, huyện Sơn Vi, Phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây.

Dấu mốc đưa làng Phú Thọ dần trở thành trung tâm của khu vực vào năm 1891, Làng Phú Thọ trở thành đơn vị hành chính cơ sở thuộc địa bàn tỉnh Hưng Hóa theo Nghị định điều chỉnh lại địa giới một số tỉnh Bắc Kỳ của Toàn quyền Đông Dương Delanessan. 

Nhận rõ mặt địa lợi của làng Phú Thọ, từ năm 1902, người Pháp đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các địa điểm, di dời một số hộ dân và đình làng Phú Thọ (đình Lập) để xây dựng các công sở. 

Ngày 5-5-1903, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định chuyển lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, tổng Thượng Nông, huyện Tam Nông về làng Phú Thọ, tổng Phú Thọ. Cũng trong năm này, tỉnh Hưng Hóa đổi gọi là tỉnh Phú Thọ.

Cho tới năm 1907, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định nâng cấp các trung tâm Phú Thọ và Việt Trì thành các thị xã, giới hạn của thị xã Phú Thọ được quy định lại. 

Thị xã Phú Thọ được chia thành sáu phố và hai khu, các phố không có tên mà gọi theo số thứ tự, sau nhân dân tự đặt những cái tên như phố Tân Hưng, phố Chợ…

Cách Hà Nội 90m có một nơi ở Phú Thọ, hơn 100 năm trước làng lên thị xã, nay vẫn là thị xã - Ảnh 2.

Chợ Mè (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) vẫn giữ được những nét truyền thống của “phố cổ”.

Thị xã Phú Thọ ngày càng có sức hấp dẫn đối với các thương nhân người Việt và ngoại kiều, nhiều ngành kinh tế mới xuất hiện, tạo nên một cơ cấu kinh tế mang đặc trưng của một đô thị nhỏ miền trung du. 

Tuy vậy, vẫn còn trên 90% cư dân làng Phú Thọ sống bằng nghề làm ruộng, trồng rau, làm vàng mã, bún, bánh, phở, đóng giày dép, đúc lưỡi cày gang, ép dầu dọc, dầu sở… Hơi thở của một đô thị bắt đầu.

Đầu năm 1947, trong ký ức của những người thế hệ trước như ông Phùng Hữu Chức (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ), thị xã Phú Thọ bước vào chiến dịch tiêu thổ để cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đã có 1.350/1.550 ngôi nhà gạch ngói 1-2 tầng cùng hệ thống ống dẫn nước, cầu cống xe lửa được phá hủy hoàn toàn. 

Hàng trăm km đường giao thông hào. Hàng ngàn rào, lũy, hầm bí mật, ụ cản dược đào đắp. Cho tới 1955, hòa bình lập lại, thị xã Phú Thọ được tái lập. Đến năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú.

Trong suốt những năm tháng phát triển gắn với hoàn cảnh chung của đất nước và khu vực, thị xã Phú Thọ đã nuôi dưỡng một hơi thở văn hóa đặc biệt về ẩm thực, phong cách sống và sinh hoạt thành thị.

Ở mỗi góc phố, mỗi con đường, khu chợ, hàng quán… đều phảng phất nét thành thị nhộn nhịp đặc biệt ấy.

Hơn một thế kỷ qua đi, thị xã Phú Thọ dù trải qua bao thăng trầm và biến cải. Tuy nhiên, trong từng con phố và nét sinh hoạt của người dân thị xã vẫn thấp thoáng bóng dáng của một trung tâm tỉnh lỵ xa xưa. 

Những di tích lịch sử, những nét truyền thống và cổ kính vẫn in đậm không thể hòa lẫn với bất cứ vùng đất nào khác, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân “phố cổ” của Đất Tổ.

Huy Lê (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem