Đó là nhận định của ông Jonathan Dunn – Trưởng Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam.
Lạc quan với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam
Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 6% trong khi các nước trong khu vực chỉ đạt 5,6% làm cho quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng gần gấp đôi và hiện nay đạt khoảng trên 200 tỉ USD
Bày tỏ sự tâm đắc của mình về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015, ông Jonathan Dunn khẳng định: Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng khen ngợi trong việc giảm nghèo và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế cho thấy, nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô được bắt đầu từ năm 2011 đã mang lại kết quả rất khả quan.
Lạm phát ở mức một con số kể từ năm 2012 trong khi tăng trưởng đã dần lấy lại đà và hiện đang được hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cầu trong nước hỗ trợ.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nhận xét: Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong mỗi trụ cột chiến lược và đạt kết quả phát triển chung.
“WB cũng dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt khoảng trên 6,5%, còn năm tới là 6,6%. Tuy nhiên, triển vọng trong trung hạn và dài hạn thì còn tích cực hơn.
Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng” - Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.
Còn theo bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã thể hiện xuất sắc và đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ với một số chỉ tiêu như: Vấn đề đói nghèo đã hoàn thành trước thời hạn (trong vòng 5 năm gần đây, đã có trên 6 triệu người thoát nghèo). Điều này phản ánh sức mạnh của sự phát triển ngày càng tiến bộ ở Việt Nam trong thời kỳ hậu đổi mới.
Khuyến nghị của các chuyên gia
"Vấn đề mấu chốt ở đây là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. Quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa cho thấy kết quả rõ rệt. Có lẽ cần xem xét lại vấn đề và xốc lại quyết tâm thì mới có thể thành công được", bà Victoria Kwakwa chia sẻ.
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, các chuyên gia kinh tế quốc tế khuyến nghị, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và đột phá hơn nữa. Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho rằng: Chính phủ Việt Nam nên có những hành động tập trung vào 3 vấn đề chính như:
Thứ nhất, cần tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA sẵn có.
Thứ hai, sau nhiều năm nỗ lực “dừng lại và đi tiếp”, chúng ta cần nâng cao vai trò của giá trị sức mua tương đương tại Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục nỗ lực phối hợp để thúc đẩy phát triển của thị trường vốn nhanh hơn.
Thực tế việc thị trường tài chính và thị trường vốn chậm phát triển đã làm cho Việt Nam mất đi nguồn đầu tư cần thiết.
Ông Eric Sidgwick dẫn giải: “Lấy ví dụ như một công ty xây dựng đường của Việt Nam. Nếu không được tiếp cận với nguồn vốn dài hạn, họ có thể bị mất hợp đồng vào tay các công ty nước ngoài có khả năng tiếp cận vào thị trường vốn tốt hơn.
Nếu một công ty Việt Nam có thể tham gia vào thị trường trái phiếu trong nước, nó sẽ giúp công ty này cạnh tranh tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn và có được những thuận lợi thực tế cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Do đó Việt Nam cần tiếp tục đưa ra các tiêu chuẩn tài chính, kế toán, kinh doanh minh bạch và rõ ràng hơn vì nó sẽ giúp tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư và giúp họ mong muốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Theo đó, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế có thể đóng vài trò quan trọng trong việc tạo lập niềm tin thị trường và gia tăng số lượng các nhà đầu tư.
Bà Victoria Kwakwa thì cho rằng, điều cần làm để đối phó với tình trạng giảm mức năng suất lao động hiện nay là tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.
Ngoài ra, chương trình nghị sự cải cách thể chế thị trường của Việt Nam cần được đẩy mạnh đáng kể thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Tiếp đến là cần xây dựng một khung ưu đãi đầu tư vào nguồn năng lượng tái sinh như: Gió, khí đốt hoặc mặt trời, thực hiện đồng thời với tăng cường tiết kiệm điện.
“Liên Hợp Quốc rất lạc quan về tương lai của Việt Nam, vì đất nước của các bạn được trời phú cho tài nguyên quý giá nhất. Đó là những con người của tinh thần, tham vọng và sự khéo léo. Các bạn đã được công nhận trên toàn thế giới là quốc gia đạt được thành tích cao đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, và giờ đây hoàn toàn có khả năng trở thành tấm gương tương tự trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững” Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
|
Minh Phong (Giáo dục và thời đại)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.