Móng Cái: Sớm tiếp sức cho nghề nuôi tôm

Biên Thùy Thứ ba, ngày 16/09/2014 06:13 AM (GMT+7)
Con tôm có thể giúp người dân làm giàu, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương ở Móng Cái (Quảng Ninh). Tuy nhiên, nghề nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói chung vẫn đang bị “bó” bởi nhiều khó khăn, cần được “hà hơi tiếp sức”. 
Bình luận 0

Những khó khăn vướng mắc đó là thiếu đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thiếu sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng con giống, chế phẩm nuôi… Có thể thấy rõ câu chuyện điển hình về vấn đề này tại vùng nuôi tôm phường Bình Ngọc (TP.Móng Cái).

Vùng đất của các triệu phú tiềm năng

Anh Vũ Văn Dương ở khu 4, phường Bình Ngọc bắt đầu nuôi tôm sú và cua từ năm 2003. Đến năm 2007, anh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ phương thức nuôi quảng canh truyền thống hiệu quả không cao, chuyển sang nuôi thâm canh, công nghiệp, áp dụng KHKT là cả một quá trình đối với anh Dương cũng như nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản khác. Năm 2012, anh Dương là người đầu tiên ở Bình Ngọc áp dụng kỹ thuật ao nuôi tôm lót bạt. Hiệu quả tốt hơn hẳn.

“Việc lót bạt sẽ giúp đáy ao sạch, ngăn được chất độc thẩm thấu từ ngoài vào, môi trường nước ổn định nên tôm ít bị dịch bệnh, hiệu quả nuôi cao, ít rủi ro hơn so với đầm đất. Trung bình theo quy trình nuôi tôm trong đầm lót bạt, thời gian nuôi chỉ dao động từ 65-70 ngày là tôm có thể đạt trọng lượng 50-55 con/kg, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi” -anh Dương chia sẻ.

Là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho NTTS, nghề nuôi tôm từ nhiều năm nay đã giúp không ít hộ dân ở Bình Ngọc vươn lên làm giàu và góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Những năm gần đây, diện tích vùng nuôi tôm ở đây đang dần được mở rộng. Theo số liệu thống kê của UBND phường Bình Ngọc, 6 tháng đầu năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 156ha với 128 hộ nuôi (tăng 138% so với cùng kỳ năm 2013). Vụ xuân hè 2014 vừa qua, toàn phường đạt 215 tấn tôm, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2013. Nhờ liên tục bội thu, các hộ nuôi tôm ở Bình Ngọc tiếp tục xuống giống vụ mới. Nhiều hộ đang muốn mở rộng diện tích nuôi tôm. Mặc dù vậy, nghề nuôi tôm ở đây vẫn đang bị “bó” bởi khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hạ tầng không đồng bộ, lo vỡ đê bao

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, người nông dân nuôi tôm đang bị khá nhiều thiệt thòi do cơ chế, sự hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng và sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý con giống, chế phẩm nuôi tôm chưa kịp thời. Ông Lê Đức Tâm - Chủ tịch UBND phường Bình Ngọc cũng thừa nhận: “Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của Bình Ngọc, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân làm giàu. Hiện 1 ha nuôi tôm có thể cho lợi nhuận từ 200 triệu đồng, thậm chí được tiền tỷ, nhưng cũng có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đầu tư nuôi tôm gắn với tiền đầu tư của người dân rất lớn. Song cơ chế hỗ trợ về vốn, về đầu tư cơ sở hạ tầng cho người NTTS hiện còn rất hạn chế”.



Ông Nguyễn Đức Tâm 
 Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của Bình Ngọc, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân làm giàu… Nhu cầu vốn đầu tư của người dân rất lớn. Song cơ chế hỗ trợ về vốn, về đầu tư cơ sở hạ tầng cho người NTTS hiện còn rất hạn chế.
 
Về vốn đầu tư, hiện đa phần các hộ nuôi tôm ở Bình Ngọc có số vốn đầu tư hạn chế. Nếu thế chấp nhà, đất ở để vay vốn phát triển sản xuất thì mức vay trung bình cũng chỉ khoảng 70 triệu đồng/hộ. Các hộ NTTS ở đây cũng không có điều kiện được thế chấp đầm nuôi và tài sản NTTS do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vì hiện toàn phường Bình Ngọc mới chỉ có 34ha đất NTTS là được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, mức đầu tư trung bình đầu tư cho cơ sở hạ tầng 1 ha đầm nuôi tôm lên tới 1,5-2 tỷ đồng. Do vậy rất nhiều nông dân không có điều kiện để phát triển và đầu tư sản xuất quy mô theo hướng công nghiệp công nghệ cao.

 

Nhiều người dân nuôi tôm ở đây cũng phản ánh về tình trạng nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng thì khan hiếm trong khi đó các chế phẩm nuôi tôm thì tràn lan, thật giả lẫn lộn trên thị trường. Không ít hộ nuôi đã vì mua phải các chế phẩm kém chất lượng, làm tôm bị bệnh, thiệt hại nặng nề song sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong vấn đề này còn hạn chế.

Một khâu yếu khác trong đầu tư phát triển nuôi tôm ở Bình Ngọc là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, từ đường giao thông cho đến hệ thống điện lưới. Đặc biệt, tình trạng đê Mắn Thí trên địa bàn phường hiện rất yếu, nguy cơ vỡ đê trong mùa mưa bão cao và nếu vỡ đê thì hậu quả thiệt hại cho người nuôi thủy sản ở đây là cực kỳ nghiêm trọng.

“Để phát triển ngành NTTS, trước mắt cần tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, có các cơ chế khuyến khích người dân nuôi trồng cũng như có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng con giống, chế phẩm nuôi... Nếu có sự đầu tư như thế, chắc chắn lợi nhuận từ nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm còn lớn hơn nhiều” - ông Nguyễn Đức Tâm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem