Mong có những Chủ tịch gần dân, vì dân

Thứ năm, ngày 16/06/2011 20:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phim “Chủ tịch tỉnh” mới phát sóng trên VTV1 vài tập nhưng đã gây được sự chú ý của khán giả bởi sự sống động của các nhân vật quan chức trong phim. NTNN đã trò chuyện với nhà văn Đình Kính - tác giả kịch bản của phim.
Bình luận 0

Thưa nhà văn, chuyện chạy chức, chạy quyền và vòng quay “có tiền là có quyền, có quyền là có lộc” mà phim đề cập có được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thực trong đời sống?

- Những câu chuyện và những nhân vật trong phim “Chủ tịch tỉnh” là hư cấu hoàn toàn, không dựa trên một nguyên mẫu, hoặc chuyện có thực nào cả. Nhưng theo tôi dẫu có hư cấu nó vẫn không xa lạ với đời sống thường nhật.

Hay nói cách khác, chuyện chạy chức, chạy quyền và tham nhũng trong phim là phản ánh một cách trung thực thực tại xót xa hiện thời trong xã hội. Cuộc sống đa tạp hiện tại vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng có thêm nhiều kẻ tham lam, ích kỷ; chức tước, địa vị được họ coi như một phương tiện làm để giàu.

img
Cảnh trong phim “Chủ tịch tỉnh”.

Nhân vật ông chủ tịch tỉnh tên Sính với hàng loạt những bí mật xấu xa (tham nhũng, có con riêng) lộ ra sau cái chết bất ngờ có mang ẩn ý nào của tác giả? Ông chủ tịch tỉnh mới lên (Tuệ) cũng tình cờ phát hiện mình có con riêng... Có cần đưa ra những sự trùng hợp có thể gây nhàm chán như vậy?

img
Nhà văn Đình Kính

- Đưa ra bất kỳ chi tiết nào của kịch bản đều có nguyên do, không phải ngẫu nhiên mà đều mang ẩn ý nào đó của người viết. Cái chết của ông Sính - một vị lãnh đạo được coi như mẫu người trong sáng, liêm khiết... nhưng “cháy nhà mới ra mặt chuột”, ông là người nhận hối lộ rất nhiều. Và sau cái vỏ chung tình với vợ, ông có bồ và có con riêng.

Chi tiết này gửi đi thông điệp rằng, dù những kẻ tham nhũng có hành động tinh vi đến mấy cũng sẽ bị lột mặt, với cách của chúng tôi là bằng các hình thức nghệ thuật. Còn những trùng lắp về cuộc sống của 2 ông chủ tịch, theo tôi là không nhàm chán, bởi họ ở những hoàn cảnh khác biệt. Những tình tiết đó còn tạo kịch tính và thân phận cho nhân vật, xem hết phim bạn sẽ rõ.

Gần đây có nhiều phim về đề tài chống tham nhũng như “Chạy án”, “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”… Nhưng có người bi quan nói “Phim giờ cứ làm thế, còn tình hình tham nhũng thì vẫn ngày càng nghiêm trọng, chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy”. Ông nghĩ sao?

- Một câu hỏi thú vị. Nhưng câu hỏi này có lẽ bạn nên dành cho các vị lãnh đạo. Chỉ họ mới trả lời được rằng tại sao tham nhũng cứ có chiều hướng gia tăng mặc dù xử lý nhiều, dư luận, báo chí và các hình thức nghệ thuật khác đã phản ánh rất nhiều. Tham nhũng là căn bệnh của xã hội nói chung. Nhưng để hạn chế nó, phải tiếp tục thay đổi, minh bạch các thủ tục, cơ chế trong cuộc sống của chúng ta.

Phim có người khen, và có người chê mới thú vị. Bệnh của phim Việt hiện nay là mấy tập đầu hấp dẫn, nhưng càng cuối càng nhạt. “Chủ tịch tỉnh” có rơi vào tình trạng ấy không, để khán giả xem xong rồi sẽ rõ.

Ông yêu thích nhất nhân vật nào trong phim và vì sao?

- Yêu thích theo nghĩa nào nhỉ? Nếu là nhân vật trong một tác phẩm nghệ thuật thì ông Sính là người tôi thích nhất. Ông có tính cách, có thân phận. Ông là người đáng thương hơn đáng trách. Còn yêu thích theo nghĩa thông thường thì đấy là ông Trí Tuệ.

Xây dựng một vị chủ tịch, người đứng đầu một tỉnh, nhưng không đánh mất mình, vẫn là con người của đời thường và dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng, không ích kỷ cá nhân, luôn gần dân và vì dân… là tôi muốn rằng nước ta có được nhiều ông chủ tịch tỉnh như vậy

Xin cảm ơn nhà văn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem