Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Bộ TNMT để hỏi cụ thể một số nội dung liên quan đến con tôm thẻ chân trắng. Thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ TNMT, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã trả lời về việc tại sao Bộ này vẫn bảo lưu quan điểm chưa đưa con tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
|
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi trên cát vùng biển Bình Hải (Quảng Nam). |
Cục này khẳng định, việc xếp tôm thẻ chân trắng vào "Phần II-loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại" thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT đã nhận được sự nhất trí của Bộ KHCN và Hội đồng tư vấn khoa học do Bộ TNMT thành lập (3/9 thành viên Hội đồng là cán bộ chuyên môn của Bộ NNPTNT-PV).
Tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc từ châu Mỹ La Tinh hiện đang được nuôi rất nhiều tại các tỉnh ven biển Việt Nam. Năm 2001, một số ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hải Phòng, Nam Định đã xuất hiện bệnh “đỏ đuôi”-mang virus Taura. Ngoài virus Taura, tôm thẻ chân trắng còn mang nhiều loại virus khác có thể và đã lan truyền sang các loài tôm bản địa trong đó có loài tôm sú của Việt Nam.
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học dẫn nguồn một đề tài nghiên cứu về loài động vật thuỷ sinh lạ xâm nhập thuỷ vực Việt Nam từ năm 2004-2005 của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản (cũ) PV) thì tôm thẻ chân trắng được xếp vào danh mục “xám”, nghĩa là loài ngoại lai chưa rõ có hay không tác động xấu đến đa dạng sinh học ở nước ta, cần theo dõi và quản lý ở các cơ sở nuôi.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám - Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, con tôm sú bị nông dân thành phố này bỏ dần để thay vào tôm thẻ chân trắng (TTCT). Năm 2008, Đà Nẵng còn có 120 ha tôm sú thì sang năm 2009 tôm sú chỉ còn 17 ha. Cũng 2 năm này, TTCT từ 25 ha đã tăng vụt lên 151 ha. Theo ông Tám, sở dĩ nông dân thích TTCT vì nó cho năng suất, lợi nhuận cao. Ông Tám cho biết, năng suất của TTCT trong vùng đạt trung bình từ 10-13 tấn/ha/vụ. Với giá thành hiện nay, thì 1 ha TTCT/vụ có thể thu trên 1 tỷ đồng. (Vân Anh)
Liệu tình trạng nhiều địa phương vẫn đang nuôi tôm thẻ chân trắng có tính chất sản xuất kinh doanh có vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý giống ngoại lai và bảo tồn đa dạng sinh học không?
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi này mà viện dẫn các điều 50-54 Luật Đa dạng sinh học năm 2008, trong đó điều 52 quy định “việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học”; Thông tư 22/2011 ngày 1.7.2011 của Bộ TNMT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục các loài ngoại lai xâm hại...
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ NNPTNT vẫn khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn nuôi con tôm thẻ chân trắng và có nói, nếu Bộ TNTM vẫn bảo lưu việc giữ con tôm thẻ chân trắng trong danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại thì Bộ NNPTNT sẽ đưa vấn đề này lên Chính phủ xem xét.
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.