Một đặc sản quý của tỉnh Bình Phước lại bị giả danh, cộng đồng doanh nghiệp bức xúc

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 25/07/2024 18:30 PM (GMT+7)
Hạt điều Việt không đủ nhiều để tạo thế mạnh làm thương hiệu, hạt điều Bình Phước được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý vốn đã ít ỏi còn bị làm giả. Việc xây dựng, bảo vệ uy tín chất lượng hạt điều cần nỗ lực nhiều hơn từ ngành chức năng và các doanh nghiệp.
Bình luận 0

Hạt điều kém chất lượng giả danh hạt điều Bình Phước

Hội Điều Bình Phước vừa cho biết, tình trạng giả mạo thương hiệu hạt điều Bình Phước lại tái diễn. Một số website và mạng xã hội đăng sản phẩm thương hiệu "Đặc sản Bình Phước" để bán.

Sau khi xác minh, các sản phẩm này không đúng trọng lượng ghi trên bao bì. Sản phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng, cũng không có cơ sở truy xuất nguồn gốc chế biến, không biết ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chất lượng hạt điều bình phước được đánh giá cao nhờ hạt to đều, cân đối; khi rang có màu vàng sáng bắt mắt chứ không vàng cháy hay vàng đậm; có mùi thơm và bị béo đặc trưng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hạt điều Bình Phước được đánh giá cao nhờ hạt to đều, cân đối; khi rang có màu vàng sáng bắt mắt chứ không vàng cháy hay vàng đậm; có mùi thơm và bị béo đặc trưng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thậm chí, trong hộp sản phẩm còn có nhiều hạt điều sâu, mốc; nhân điều không còn mùi vị đặc trưng. "Những thông tin sản phẩm nêu trên không phải là hạt điều có nguồn gốc Bình Phước, mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ, kém chất lượng", ông Vũ Thái Sơn – Chủ tịch Hội Điều Bình Phước nói.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành điều Bình Phước lên tiếng vụ giả danh. Sự việc này diễn ra rầm rộ vào năm 2020, sau một thời gian chấn chỉnh, hoạt động này tái diễn trong những tháng gần đây.

Theo ông Sơn, chất lượng điều nhập khẩu không cao bằng điều trong nước. Nhiều đối tượng tranh thủ người tiêu dùng còn mập mờ về hạt điều "chế biến từ Bình Phước" với hạt điều "trồng và chế biến tại Bình Phước" để kinh doanh trục lợi.

Các doanh nghiệp này cũng lợi dụng việc người tiêu dùng chỉ để ý giá bán và trọng lượng ghi trên hộp; không kiểm tra trọng lượng điều thực trong hộp để gian dối, móc túi người tiêu dùng.

Hội Điều Bình Phước đề nghị ngành chức năng tổ chức thanh, kiểm tra hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý để có biện pháp xử lý nghiêm nhằm bảo vệ người dùng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội Điều Bình Phước đề nghị ngành chức năng tổ chức thanh, kiểm tra hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý để có biện pháp xử lý nghiêm nhằm bảo vệ người dùng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngành chức năng cần tổ chức thanh, kiểm tra hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý để có biện pháp xử lý nghiêm nhằm bảo vệ người dùng, nông dân trồng điều và doanh nghiệp chân chính. "Bởi vì, ngành điều sẽ phải nhận lại cái giá đắt hơn khi uy tín đã mất", ông Sơn đề nghị.

Thiếu số lượng để nâng cao uy tín chất lượng hạt điều Việt

Theo nhiều khách hàng, chất lượng điều trong nước, đặc biệt là hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội so với điều nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Tạ Quang Huyên - Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1 (huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho biết, người tiêu dùng trên thế giới vẫn chưa phân biệt rõ hạt điều Bình Phước. Họ cũng chưa chấp nhận mua điều Bình Phước với giá cao hơn.

Thêm nữa, phần lớn các doanh nghiệp trong nước tập trung chế biến, bán điều thô cho công ty nước ngoài. Nhiều đơn vị hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt. Cách làm này dễ đánh mất thương hiệu và giá trị vốn có của hạt điều Việt Nam.

Việt Nam cung cấp khoảng 350.00-400.000 tấn điều, chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng sản lượng điều thô toàn cầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việt Nam cung cấp khoảng 350.00-400.000 tấn điều, chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng sản lượng điều thô toàn cầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2023, tổng sản lượng điều thô toàn cầu khoảng độ 5,3 triệu tấn. Việt Nam cung cấp khoảng 350.00-400.000 tấn. Như vậy, tổng sản lượng điều Việt Nam cung cấp cho thị trường thế giới chỉ khoảng 8%. "Quả thực, chúng ta chưa có nhiều hạt điều để có thể tạo ra thương hiệu riêng".

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, niên vụ 2023-2024 vừa qua, năng suất điều bình quân toàn tỉnh chỉ đạt hơn 1 tấn/ha, thấp nhất trong 4 năm qua. Nhiều nông dân chán nản, chặt bỏ cây điều, thay bằng cây trồng khác.

Theo ông Trần Văn Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước, ngành nông nghiệp khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nông dân cần đảm bảo cây trồng mới đáp ứng điều kiện thổ nhưỡng, vị trí, nước tưới cũng như kỹ thuật chăm sóc.

Toàn tỉnh gần 1.400 doanh nghiệp nhưng phải nhập hơn 70% điều thô về để chế biến. "Việc nhập khẩu điều về chế biến, rồi làm giả thương hiệu đã ảnh hưởng đến thương hiệu điều Bình Phước, vốn đứng ở vị trí số 1 thế giới. Các doanh nghiệp gian lận cần được phát hiện và xử lý", ông Phương nói.

Hạt điều được nhập khẩu từ nước ngoài về phơi khô, chế biến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hạt điều được nhập khẩu từ nước ngoài về phơi khô, chế biến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngành nông nghiệp Bình Phước cũng cho biết, sẽ tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng điều để có thể dùng chung nguồn nguyên liệu. Sau đó là đẩy mạnh chế biến sâu hạt điều để nâng cao giá trị, quay trở lại nâng cao thu nhập cho người trồng điều.

Cơ sở pháp lý đảm bảo chất lượng hạt điều

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, chất lượng điều nhân phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng điều thô và quy trình chế biến.

Có nhiều chỉ tiêu để đánh giá chất lượng hạt điều thô, như độ ẩm, mức thu hồi, (tức tỷ lệ hạt không đạt chuẩn)... Đáng chú ý nhất là độ ẩm không quá 10% và không bị mọt, hay sâu.

Vì độ ẩm vượt con số đó, tức phơi chưa đủ khô thì nấm mốc sẽ phát triển trên đường vận chuyển và lưu kho. Hạt điều bị mọt hay sâu không những không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà có thể không sử dụng cho được con người.

Hàng năm, ngành điều Việt Nam nhập khẩu phần lớn điều thô từ các nước. Việc đảm bảo chất lượng điều thô nhập khẩu là yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm và uy tín của mỗi doanh nghiệp cũng như ngành điều Việt Nam.

Nhưng để đảm bảo chất lượng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm phải thực hiện đầy đủ bộ TCVN 12380:2018. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp điều Việt Nam đàm phán, thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài, cũng như giúp các cơ quan liên quan giải quyết vi phạm, đảm bảo chất lượng nguyên liệu đưa vào chế biến.

Một doanh nghiệp chế biến điều ở Bình Phước. Ảnh: NVCC

Một doanh nghiệp chế biến điều ở Bình Phước. Ảnh: NVCC

Theo ông Nhựt, ngành điều Bình Phước đóng vai trò quan trọng, mang tính chủ đạo trong quá trình phát triển của ngành điều Việt Nam. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra ở Bình Phước là diện tích và sản lượng điều thô thu hoạch được có xu hướng giảm.

Diện tích trồng điều của Việt Nam khoảng 300.000ha, chỉ cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến. Trong số này, hạt điều mang chỉ dẫn địa lý chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.

Vì thế, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, và kiểm soát chất lượng điều Bình Phước là rất quan trọng. "Đây không phải là giải pháp mới, cũng không phải là giải pháp lớn nhưng là giải pháp toàn cầu vì nhiều nước đang sử dụng chỉ dẫn địa lý làm công cụ cạnh tranh", ông Nhựt chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem