Một doanh nghiệp cần 1.500 tấn thủy sản/tháng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng sẵn sàng

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 13/08/2021 18:55 PM (GMT+7)
Tổ công tác phía Nam của Bộ NNPTNT (Tổ công tác 970) vừa tổ chức kết nối trực tuyến giữa Công ty TNHH Kết nối Thủy sản Mekong với lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, các hợp tác xã nhằm tìm cơ hội liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản.
Bình luận 0

Nhu cầu thu mua thủy sản lớn

Công ty TNHH Kết nối Thủy sản Mekong (trực thuộc Mekong Food Goup) là đơn vị có nhu cầu lớn về liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. 

Giám đốc Công ty - ông Hoàng Văn Duy cho biết, đơn vị cần các mặt hàng như: Tôm càng xanh, ếch (đùi ếch), cá rô phi, điêu hồng, các mặt hàng khô, cá cơm sông… với số lượng cỡ 1.500 tấn mỗi tháng...

Do đó, công ty cần thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT các địa phương để kết nối với các hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững lâu dài.

Công ty TNHH Kết nối Thủy sản Mekong rất cần được các địa phương, nhà cung ứng, hợp tác xã hỗ trợ các thông tin, hình ảnh, video về sản phẩm, về câu chuyện sản phẩm, câu chuyện của người nông dân, của hợp tác xã làm ra sản phẩm, các chứng chỉ về chất lượng, chỉ dẫn địa lý, đặc sản vùng miền đã đạt được... để từ đó, quảng bá sản phẩm đến bạn hàng quốc tế.

Kết nối sản xuất - tiêu thụ thủy sản 4 tỉnh ĐBSCL - Ảnh 1.

Công ty TNHH Kết nối Thủy sản Mekong (trực thuộc Mekong Food Goup) là đơn vị có nhu cầu lớn về liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm. Ảnh: Chúc Ly

Tính đến ngày 12/8, đã có 1.064 đầu mối cung ứng nông sản đăng ký kết nối tiêu thụ thông qua Tổ công tác 970 (Bộ NNPTNT).

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang thông tin, nhờ sự kết nối của Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT mà địa phương đã tiêu thụ được nhiều mặt hàng nông sản. Mới đây nhất đã có 2 doanh nghiệp kết nối thu mua tôm càng xanh đưa đi TP.HCM tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân.

Theo ông Toàn, từ nay đến cuối tháng 8, nông dân trong tỉnh sẽ thu khoảng 1.500 tấn thủy sản các loại, trong đó, các mặt hàng rất cần được kết nối tiêu thụ là tôm càng xanh, sò huyết và cá nuôi lồng bè.

Tỉnh Kiên Giang đã xây dựng đề án phát triển nuôi biển và phát triển kinh tế biển sẽ là chủ lực trong thời gian tới. Tiềm năng sản xuất ra 1 triệu tấn sản phẩm mỗi năm.

Ông Toàn mời gọi các doanh nghiệp đến địa phương tìm hiểu và ký hợp đồng nguyên tắc để liên kết hợp tác lâu dài. Căn cứ vào đó, ngành nông nghiệp sẽ chỉ đạo sản xuất, bố trí mùa vụ, vùng nguyên liệu phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất theo các tiêu chí của phía doanh nghiệp đặt hàng, đảm bảo cung ứng nguyên liệu bền vững.

Cùng quan điểm, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, tỉnh có vùng nguyên liệu lớn về cá tra, cá điêu hồng, tôm càng xanh, ếch… Sẵn sàng làm đầu mối để kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã để liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị.

Tại Đồng Tháp, các mặt hàng thủy sản như cá điêu hồng, rô phi, cá tra, ếch, tôm càng xanh cũng lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Trong đó, mặt hàng ếch nuôi đang rất cần đầu ra trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Sẽ cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), thành viên Tổ công tác 970, nhấn mạnh, để liên kết hợp tác tiêu thụ thủy sản theo chuỗi thì trước hết các địa phương phải tổ chức sản xuất, tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Trong đó, các hộ nông dân, cơ sở nuôi phải đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. Cần tổ chức sản xuất theo hợp tác xã và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu. Về lâu dài sẽ đánh số, cấp mã số vùng nuôi theo quy định.

TS Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (CCD – thuộc Trường Cán bộ quản lý NNPTNT II), thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT cho biết, về chỉ đạo sản xuất và kết nối cung cầu nông sản trong điều kiện Covid-19, thời gian qua đã kết nối hàng trăm đơn vị đầu mối, giúp cung ứng các mặt hàng thiếu yếu cho các địa phương.

 Tổ công tác đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trong thời gian tới của các doanh nghiệp, đề nghị được liên kết sản xuất theo chuỗi với các hợp tác xã ở các địa phương, có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp. 

Theo ông Hải, thời gian tới các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ cho các hợp tác xã không chỉ phát triển nuôi trồng làm ra sản phẩm, mà còn phải đầu tư sơ chế, chế biến để đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem