Một HTX ở Bà Rịa-Vũng Tàu có doanh thu 1,5 tỷ từ nước mắm cá cơm, lương thành viên 7-10 triệu/tháng

Thứ hai, ngày 11/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng, phường 12, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đăng ký tham gia sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt 1,5 tỷ đồng, thu nhập của thành viên từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận 0

Với nguồn nguyên liệu hải sản dồi dào, đồng thời là vựa muối lớn của vùng Đông Nam Bộ, nhiều hộ nông dân, HTX trong tỉnh đã phát triển nghề sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống.

Phát triển nghề truyền thống

Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề nước mắm truyền thống của vùng quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Lê Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng (khu phố 5, phường 12, TP Vũng Tàu) đã đầu tư tiền của, công sức xây dựng thương hiệu nước mắm cá cơm Hùng Hoa.

Ông Hùng chia sẻ, sau nhiều lần khảo sát thị trường và tìm hiểu nguồn thủy sản tại các vùng ven biển Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và phường 12 (TP Vũng Tàu), ông nhận thấy sản phẩm nước mắm có tiềm năng, lợi thế để phát triển. 

Trong đó, nguồn nguyên liệu muối và cá đều đạt tiêu chuẩn để làm mắm. Muối ở xã An Ngãi có tỉ lệ nguyên chất lên đến 95%, độ tinh khiết, độ kết tinh cao, ít tạp chất. Cá cơm than, cơm trắng đánh bắt ở vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu bảo đảm tươi sạch, đạt chỉ tiêu chất lượng và dinh dưỡng.

“Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các cơ sở chế biến nước mắm ở địa phương trước đây là sản xuất nhỏ lẻ, tư duy manh mún, thị trường không ổn định. Phân tích đầy đủ các yếu tố thuận lợi và khó khăn, năm 2018, tôi đã vận động một số hộ kinh doanh, sản xuất chế biến nước mắm thành lập HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng”, ông Hùng cho biết thêm.

HTX có 7 thành viên, quy mô sản xuất khoảng 30 ngàn lít nước mắm/năm. Nước mắm cá cơm của HTX được sản xuất bằng phương pháp lên men truyền thống. 

HTX đã đầu tư bể chứa, chum sành ủ cá, máy chiết rút đóng chai… Hiện nay, nước mắm cá cơm Hùng Hoa đã có mặt tại nhà hàng, khách sạn, trường học trong tỉnh và nhiều địa phương khác như: Đắk Lắk, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…

Đến xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), hỏi thăm thương hiệu nước mắm Thiên Lộc của ông Nguyễn Cao Thiên (ở ấp Thạnh Sơn 2A) ai cũng biết, bởi đây là một trong những cơ sở chế biến nước mắm cá cơm nguyên chất ở địa phương. 

Ông Thiên cho biết, gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề sản xuất nước mắm tại xã Bình Hải (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), riêng ông cũng đã theo nghề này hơn 30 năm.

Trong khi nhiều nơi ngày càng cải tiến việc sản xuất nước mắm để làm sao có lợi nhuận cao nhất thì gia đình ông Thiên vẫn duy trì công thức chế biến truyền thống.

 Những công đoạn sơ chế nguyên liệu, ủ muối hay chưng cất đều được tiến hành kỹ lưỡng để tạo ra sản phẩm nước mắm chất lượng tốt nhất. Mỗi năm, cơ sở Thiên Lộc thu mua khoảng 500 tấn cá cơm, xuất bán ra thị trường từ 30-40 ngàn lít nước mắm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

img

Ông Lê Viết Hùng, Giám đốc HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng, phường 12, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) giới thiệu hệ thống chiết xuất nước mắm truyền thống làm từ cá cơm.

Chất lượng ngày càng cải thiện

Nhận thấy cấp thiết phải cải thiện vấn đề chất lượng và VSATTP, nhiều hộ gia đình, HTX, cơ cở sản xuất nước mắm đã chú trọng đầu tư công nghệ, cải thiện điều kiện sản xuất.

Ông Nguyễn Cao Thiên, chủ cơ sở nước mắm Thiên Lộc cho biết, ngoài việc chú trọng tạo dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng, cơ sở còn chú trọng mẫu mã bao bì, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường. 

Đến nay, nước mắm nhỉ Thiên Lộc đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao.

Theo ông Thiên, cá cơm nguyên liệu mua tại các cảng cá trong tỉnh phải đạt tiêu chuẩn về độ tươi và phải ủ chượp trong vòng 12-13 tháng cho chín mới đem ra lược được nước mắm chất lượng cao.

“Mặc dù không cạnh tranh được với nước mắm công nghiệp về giá nhưng những người quen ăn nước mắm truyền thống ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh vẫn tìm đến sản phẩm nước mắm nhỉ Thiên Lộc. 

Cơ sở chúng tôi đã được Chi cục Phát triển Nông thôn thẩm định, trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ trang thiết bị sản xuất sau thu hoạch, làm nhà màng… Chúng tôi cũng đang liên kết với các hộ sản xuất trên địa bàn huyện để thành lập HTX, nhằm giúp sản phẩm nước mắm nhỉ cá cơm nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Thiên vui vẻ nói.

HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng cũng đã đăng ký tham gia sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt 1,5 tỷ đồng, thu nhập của thành viên từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả trong hoạt động sản xuất, năm 2023, HTX vinh dự được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối dịch vụ thương mại; được Liên minh HTX tỉnh biểu dương, khen thưởng. Năm 2024, HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng được Chi cục Phát triển Nông thôn thẩm định, đề xuất tỉnh hỗ trợ thiết bị máy chiết rót, đóng chai.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, sẽ tăng cường hoạt động tư vấn hỗ trợ cho các HTX về tổ chức quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại; vận động các hộ sản xuất nước mắm nhỏ lẻ liên kết thành lập HTX. 

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX đủ trình độ điều hành sản xuất, kinh doanh của đơn vị, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận; nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần đưa kinh tế tập thể phát triển theo hướng bền vững.

Đinh Hùng (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem