Từ gánh hàng rong, vợ chồng nông dân Quảng Trị có thu nhập hơn nửa tỷ nhờ làm nước mắm truyền thống

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 27/04/2023 05:30 AM (GMT+7)
Từ chỗ mỗi ngày phải gánh nước mắm lặn lội hàng chục km đi bán rong, thu nhập chẳng là bao, đến nay vợ chồng ông Khai đã thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Thương hiệu nước mắm Khai Hà đã nổi danh, gắn liền với mâm cơm của nhiều gia đình Việt.
Bình luận 0

Thu nhập cao từ nước mắm

Một buổi chiều cuối tháng 4, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà khang trang của vợ chồng ông Nguyễn Minh Khai (SN 1967, trú khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Vừa bước vào cổng, mùi nước mắm thơm nồng quyện với làn gió mát thổi vào từ biển khiến mọi người chìm đắm, ngất ngây.

Từ gánh hàng rong, đôi vợ chồng nông dân có thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ sản xuất nước mắm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Khai có thâm niên sản xuất nước mắm đến nay đã gần 30 năm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tiếp chúng tôi bằng nụ cười tươi, ông Khai cho biết, đã có thâm niên sản xuất nước mắm truyền thống gần 30 năm nay. Nhờ nước mắm gia đình ông có thu nhập cao, góp phần mang niềm vui cho ngư dân.

Ông Khai kể, năm 1994, nhận thấy nhu cầu sử dụng nước mắm của người dân khá cao nhưng nguồn cung hạn chế nên ông cùng vợ là Trần Thị Hà quyết định sản xuất nước mắm.

Thời điểm đó, đường từ quốc lộ 1A đến thị trấn Cửa Việt chưa được xây dựng nên sau khi sản xuất nước mắm, vợ chồng ông Khai phải lên thuyền nhỏ, theo sông Hiếu lên tới thị xã Đông Hà (nay là thành phố), sau đó quang gánh đi bán rong. Không chỉ Đông Hà, vợ chồng ông Khai còn rong ruổi nhiều nơi, thậm chí lên tới huyện miền núi Hướng Hoá, ngược ra Vĩnh Linh… để bán nước mắm, mỗi ngày quang gánh hàng chục km. Điều kiện giao thông khó khăn nên bán không được nhiều.

Mãi đến năm 1996, khi đường từ quốc lộ 1A đến thị trấn Cửa Việt được mở, cuộc sống của gia đình ông Khai nói riêng và người dân vùng biển nói chung mới khởi sắc.

Từ gánh hàng rong, đôi vợ chồng nông dân có thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ sản xuất nước mắm - Ảnh 2.

Nước mắm Khai Hà đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước và cả nước bạn Lào. Ảnh: Ngọc Vũ.

Không còn cảnh qua sông thì phải luỵ đò, vợ chồng ông Khai bắt đầu tập xe đạp, rồi xe máy tiếp tục chở nước mắm đi bán. Giao thông thuận lợi, bán được nhiều hơn nên sau mỗi năm vợ chồng ông Khai lại mở rộng quy mô, nâng sản lượng nước mắm.

Năm 2016, vợ chồng ông Khai ra mắt thương hiệu nước mắm Khai Hà trứ danh, được tiêu thụ nhiều nơi trên cả nước.

Mỗi năm, cơ sở sản xuất nước mắm Khai Hà thu mua khoảng 200 tấn cá nguyên liệu ở cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt) và hàng chục tấn muối ở Ninh Thuận, Bình Thuận để sản xuất 35.000 đến 40.000 lít nước mắm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông Khai có lãi khoảng 600 triệu đồng từ làm nước mắm, có năm đỉnh điểm mức lãi lên tới gần 1 tỷ đồng.

Ông Khai cho biết, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm sẽ mua cá nục, cá cơm về làm sạch, cho vào bể trộn với muối hạt tỷ lệ 3/1 (3kg cá, 1kg muối), ủ trong 18 tháng đến 2,5 năm sau đó chiết nước mắm ra chai. Xác mắm đem bán cho cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau đó, ông Khai vệ sinh sạch sẽ bể, các loại vật tư thiết bị trước khi sản xuất mẻ nước mắm tiếp theo.

Nghề dễ mà khó

Theo ông Khai, làm nước mắm dễ nhưng lại khó. Dễ là công thức có sẵn, nhiều người có thể làm được. Nhưng khó ở chỗ phải làm đúng kỹ thuật, phải mua cá tươi, chọn loại muối đủ độ mặn và đặc biệt là quá trình phối trộn, ủ đủ nắng, đủ thời gian. Hơn nữa, để làm ra nước mắm ngon còn phụ thuộc một phần chữ "duyên", nói theo dân gian là tay người làm.

Từ gánh hàng rong, đôi vợ chồng nông dân có thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ sản xuất nước mắm - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Khai có thu nhập bình quân 600 triệu đồng mỗi năm từ sản xuất nước mắm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Quá trình sản xuất nước mắm, gia đình ông Khai nhận được sự quan tâm động viên, hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể địa phương, đặc biệt là từ Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Trị. Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản thuộc Sở NNPTNT tỉnh kiểm tra định kỳ, đột xuất và luôn đánh giá cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở.

Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất nước mắm Khai Hà còn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 10 đến 15 lao động địa phương. Bên cạnh đó, gia đình ông Kha còn đóng góp tích cực vào công tác xã hội, ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn…

"Sản xuất thực phẩm, điều đầu tiên tôi nghĩ tới đó là an toàn vệ sinh thực phẩm, uy tín chất lượng, giá cá hợp lý, mẫu mã đẹp, luôn hướng tới sự hài lòng của khách hàng" – ông Khai chia sẻ.

Theo ông Khai, để nghề sản xuất nước mắm phát triển bền vững, các ban, ngành địa phương cần quan tâm đầu tư cụm công nghiệp làng nghề. Bởi thực tế hiện nay, các hộ gia đình muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng gặp khó khi không có đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem