Một làng cổ ở Quảng Nam trăm năm đan một loại thuyền, sao giờ chỉ còn mỗi một người làm?

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ ba, ngày 14/11/2023 06:00 AM (GMT+7)
Đến làng cổ Trà Nhiêu, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hỏi về nghề đan thuyền thúng trăm năm (thúng chai), thì ai cũng chỉ dẫn đến nhà lão nông Trần Văn Hỷ (83 tuổi, trú thôn Thi Lai). Ông là người duy nhất trong làng còn trụ lại với nghề đan thúng chai truyền thống từng nở rộ suốt một thời gian dài.
Bình luận 0

Người duy nhất còn trụ lại với nghề đan thúng

Xã Duy Vinh là nơi hợp lưu giao thủy của các dòng sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang. Người dân sinh sống bằng nhiều ngành nghề, trong đó đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vì lẽ đó, nghề đan thuyền thúng truyền thống ở nơi đây được hình thành, nở rộ từ sau ngày đất nước giải phóng năm 1975.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hỷ là người cuối cùng, người duy nhất “sống” với nghề đan thúng truyền thống ở làng cổ Trà Nhiêu, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Trở về nhà khi mặt trời đã đứng bóng, lão nông "Bảy Hỷ" niềm nở mời chúng tôi uống nước và bắt đầu kể về những thăng trầm với nghề đan thúng.

"Từ đời ông nội tôi đã gắn bó với nghề đan thúng chai, lúc thịnh nhất nơi đây có hàng chục hộ sống tốt nhờ nghề này. Và tôi cũng thế, lớn lên dưới luỹ tre làng, tắm mình trên dòng sông quê, nuôi dưỡng một tình yêu mãnh liệt với nghề đan thúng của cha ông truyền lại. Nhưng rồi tôi cũng nhìn từng người một lần lượt bỏ nghề mà đi…", ông Hỷ tâm sự.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 2.

Công đoạn vót nan và đan đát tạo bụng thúng đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tỉ mỉ. Ảnh: T.N.

Nghề đan thúng chai làm thủ công mà lại rất công phu, đòi hỏi người thợ phải khoẻ mạnh, khéo tay và có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt. Ấy thế mà ở tuổi 83, ông Hỷ vẫn ngày ngày miệt mài với nghề đan thúng.

Nguyên liệu để làm nên một chiếc thuyền thúng gồm hoàn toàn từ tre. Để đảm bảo bụng thúng bền chắc, tuổi thọ cao, thì ông chỉ chọn loại tre khoảng 2 năm tuổi, thẳng, ít đốt, tre đặc (tre nạc), để khi vót hạn chế bị gãy.

Theo thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển, ông Hỷ ngậm ngùi nhìn những rặng tre làng dần biến mất. Để có nguyên liệu làm thúng, ông phải lặn lội sang làng bên kia sông để mua tre hoặc tìm đến những làng quê ở địa phương lân cận.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 3.

Để có tre đan thúng, ông Hỷ phải sang làng bên kia sông hoặc tìm đến những làng quê ở địa phương lân cận. Ảnh: T.N.

Ông Hỷ cho biết, công đoạn vất vả nhất khi làm thúng là lúc chọn mua tre, cưa tre về dùng. Thời tiết nắng như đổ lửa nên công việc càng nặng nhọc hơn, cứ khoảng 3 tháng ông sẽ thuê vài người thợ để cùng đốn tre. Đây là nghề "của một đồng công một lượng", chi phí nguyên liệu rẻ nhưng tiền vận chuyển và thuê nhân công cao, mỗi người là 400.000 đồng/ngày.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 4.

Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Hỷ vẫn miệt mài với nghề truyền thống của cha ông. Ảnh: T.N.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 5.

Để làm một chiếc thuyền thúng phải trải qua nhiều công đoạn, cụ thể là chẻ tre, vót nan, phơi nan, đan thúng, vót và uốn vành, lận vành, trét phân bò và quét dầu rái.

Cây tre được cưa chẻ thành nhiều đoạn cho phù hợp với kích cỡ của thuyền. Ông Hỷ mất 2 tuần để hoàn thành một chiếc thuyền thúng cỡ lớn với đường kính 2m, sâu 50cm và cần khoảng 13 cây tre lớn.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 6.

Sau khi đan hoàn thành bụng thúng, ông Hỷ tiến hành lận vành. Ảnh: T.N.

Sau khi các nan tre được chẻ đều và phơi khô, thì ông bắt đầu đan đát tạo bụng thúng. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ để tạo nên những hoạ tiết tuy đơn giản nhưng có kết cấu bền chắc, an toàn. Tiếp đó ông dùng dụng cụ để uốn, ép vành thuyền cho chặt.

Tre lận vành phải là loại tre đặc biệt được tuyển chọn lâu năm mới có cây tốt. Dây cột vành là loại cước chuyên dụng có khả năng chịu nắng, chịu mưa, giá thành khá cao.

Nghề truyền thống của một làng cổ có nguy cơ mai một

Khi tạo hình hoàn tất, ông Hỷ kiểm tra và định mẫu lần cuối rồi mới cắt, gọt nan cho sát mép để đặt vành (lận vành). Sau đó lấy dây cước buộc chặt vành và phần nan tre, tuỳ vào độ lớn của thúng mà độ dày của vành cũng sẽ tăng theo. Khi vành đã lận xong, thuyền thúng được mang đi phơi nhiều nắng.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 7.

Ông Hỷ trét phân bò và dầu rái để chống thấm nước, bảo vệ nan tre và giúp thúng cứng cáp hơn. Ảnh: T.N.

Ông Hỷ chia sẻ kinh nghiệm: "Để thuyền thúng không bị thấm nước và sử dụng được lâu dài hơn, thì tôi trét 1 lớp phân bò vào các khe nan, phơi khô rồi quét tiếp lớp dầu rái phủ đều lên 2 mặt thúng để bảo vệ lớp nan tốt hơn, giúp thuyền thúng thêm cứng cáp. Đem thúng đi phơi từ 3-4 ngày là có thể đưa vào sử dụng".

Tùy theo kích cỡ thuyền và phụ thuộc vào thời tiết mà thời gian hoàn thành một chiếc thuyền thúng cũng khác nhau, có khi là 1 tuần nhưng cũng có lúc gần cả tháng. Loại thuyền thúng cỡ trung dành cho dân đi biển có giá dao động khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc.

Ngày trước, thuyền thúng chỉ dùng để ngư dân đi biển, nhưng hiện nay, nó được đưa vào khai thác du lịch và là phương tiện được du khách rất thích thú. Với những thúng cỡ lớn (2m) dành cho hoạt động du lịch, thì có giá trung bình 5 triệu đồng/chiếc.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 8.

Thuyền thúng được sử dụng trong khu du lịch rừng dừa ở làng cổ Trà Nhiêu. Ảnh: T.N.

Nếu như thời hưng thịnh, ông Hỷ làm thúng không kịp bán, không có thời gian rảnh rỗi, thì hiện nay, mỗi năm ông chỉ làm khoảng 5-7 chiếc theo đơn đặt hàng trước của ngư dân, khu du lịch.

Vì tuổi thọ thúng tre cao nên ngư dân cũng ít mua mới, chỉ khi nan thúng bị rách thì người làng sẽ đem tới nhà ông để nhờ trét và vá lại hoặc thay vành.

Ông Hỷ cho biết, thúng chai rất khó bị lật, dễ len lách và xoay trở nhờ hình dáng tròn. Chỉ cần một mái chèo là có thể nhẹ nhàng lướt sóng, thậm chí không cần dụng cụ gì vẫn có thể đưa thúng chai lướt trên mặt nước nhờ cách lắc thúng.

Chiếc thuyền thúng là phượng tiện mưu sinh của ngư dân làng chài, sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như kéo lưới, câu mực, lặn sò, vận chuyển ngư cụ và hải sản từ tàu lớn vào bờ, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng để thoát thân.

Trải qua bao biến cố, chứng kiến những thăng trầm của làng nghề, chiếc thuyền thúng trở thành một vật dụng ẩn chứa bao hoài niệm, nhớ thương. Riêng đối với lão nông Bảy Hỷ, chiếc thuyền thúng gắn bó như máu thịt và là một phần hơi thở tự nhiên.

Quảng Nam: Người đan thúng cuối cùng ở làng Trà Nhiêu - Ảnh 10.

Ông Hỷ giới thiệu về những chi tiết trong căn nhà còn vết tích của văn hoá “nhà tranh vách đất”. Ảnh: T.N.

Từ thanh niên trai tráng, đến những người "đầu hai thứ tóc" như ông trong làng đều đã bỏ nghề. Bởi đứng trước nhiều lựa chọn tốt hơn trong đời sống, thì nghề làm thúng chai bấp bênh, thu nhập thấp. Đặc biệt là khi có sự xuất hiện của thúng nhựa hiện đại, chiếc thúng đan truyền thống không thể cạnh tranh lại.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Hỷ chỉ tay về cánh cửa gỗ, nơi có tấm tre đan theo kiểu "nhà tranh vách đất" ngày xưa. Từ những nan tre được chẻ nhỏ, ông đan lại để tạo thành vách, che chở gió mưa….

Nghĩ về một ngày nào đó phải tạm biệt nghề, ông Hỷ trầm ngâm nói: "Bây giờ tôi già rồi, ngày nào còn sức khoẻ thì tôi còn đan thúng. Chứ bỏ nghề cũng không đành, rảnh tay lại làm cho đỡ nhớ, mệt thì nghỉ. Các con không ai theo nghề đan thúng của cha ông, người trong làng thì lại càng không. Rồi đây, nghề đan thúng chai ở Trà Nhiêu chỉ còn trong ký ức…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem