Pháp viện Thánh Sơn ở Khánh Hòa, ngôi chùa có kiến trúc Ấn Độ-Myanmar của hệ phái Khất sĩ
Pháp viện Thánh Sơn ở Khánh Hòa, ngôi chùa có kiến trúc Ấn Độ-Myanmar của hệ phái Khất sĩ
Công Tâm
Thứ bảy, ngày 24/06/2023 13:00 PM (GMT+7)
Pháp viện Thánh Sơn tọa lạc tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, (tỉnh Khánh Hòa) là một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng hệ phái Khất sĩ, đây được xem điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm một chốn thanh tịnh, an yên trong tâm hồn.
Pháp viện Thánh Sơn-ngôi chùa mang phong cách kiến trúc Ấn Độ-Myanmar
Tọa lạc tại thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Pháp viện Thánh Sơn này cách trung tâm TP.Nha Trang khoảng 25km về phía Tây, nơi đây cũng gần tiếp giáp với xã Diên Xuân.
Nếu du khách ở xa từ Bắc vào Nam hoặc chiều ngược lại thì đến Ngã ba Thành, đến Ngã 3 Thành rẽ phải vào đường Quốc lộ 1A qua khỏi cầu Mới đi tiếp đến gặp ngã 3 đi Đất Sét hoặc Trại Giam Đồng Găng sẽ dễ dàng nhận thấy Pháp viện Thánh Sơn.
Chùa có rất nhiều tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng các vị La Hán… được bài trí 2 bên các lối đi. Nơi đây còn có hoa lá, cây cỏ, hồ nước, tượng phật, các bức phù điêu đan xen vào nhau một cách hài hòa, mềm mại và nhìn xa xa là cánh đồng mênh mông cùng hình ảnh những người nông dân lao động.
Clip: Phong cách kiến trúc độc đáo của Pháp viện Thánh Sơn, ngôi chùa phong cách Ấn Độ-Myanmar của hệ phái Khất sĩ. Chùa tọa lạc tại thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Trước kia vùng đất này có ngôi chùa Thánh Sơn do cố Phật tử Lê Thiện xây dựng năm 1918, nhưng do chiến tranh và thời gian đã tàn phá hư hoại. Trải quan hai thời kỳ Pháp nạn (1945 - 1954) và Thực dân Mỹ xâm chiếm (1954 -1975), Thánh Sơn đã bị 2 lần sụp đổ hoang tàn.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, dân tộc Việt Nam được hòa bình tự do độc lập, đến năm 1976 Thánh Sơn mới được phục dựng lại và sinh hoạt an lành và đến năm 1981 Lê Thiện mất.
Đến năm 2006, Đại sư Giác Khoan đã cho xây dựng lại chùa vì thế ngoài tên gọi là Pháp Viện Thánh Sơn. Trụ trì của ngôi chùa - Sư Giác Khoan đã để lại trong lòng những phật tử, du khách nhiều ấn tượng khó quên. Ông là một người đã tu nghiệp tại Ấn Độ và Myanmar nhiều năm nên kiến trúc trong chùa sẽ có xu hướng khác biệt rất nhiều với kiểu cách cổ kính truyền thống trước đây.
Từ khi Sư Giác Khoan về xây dựng, với sự quyết tâm và tài ngoại giao tuyệt vời Sư đã thổi hồn vào công trình Pháp viện Thánh Sơn mang một dáng dấp uy nghi, trang nghiêm, thanh tịnh và đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Hiện chùa vẫn đang tiếp tục xây dựng các công trình tiếp theo và đang dần hoàn thiện hơn.
Nơi đây, với lối kiến trúc độc đáo với các bức tượng Phật được chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt, 4 bức tượng La Hán, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở Pháp viện được điêu khắc công phu và cực kỳ hoành tráng. Đến tham quan Pháp viện Thánh Sơn, đi đến đâu bạn cũng thây cây xanh mang lại bầu không khí thoáng mát, thoải mái.
Đặc biệt, các tượng Phật nằm, Phật ngồi, Phật Di Lặc và Quan Âm xuất hiện ở khắp nơi trong khuôn viên của Pháp Viện Thánh Sơn. Điều ấn tượng khi đến Pháp viện Thánh Sơn là mọi thứ được bày trí hài hòa lẫn nhau. Đá, hoa, cỏ và tượng Phật được tôn trí đan xen tạo nên một không gian tâm linh trầm mặc, uy nghiêm và còn gợi sự thanh thản, an lạc nơi du khách.
Người dân đến đây không chỉ được tham quan, khám phá những nét kiến trúc truyền thống, độc đáo của các nền Phật giáo. Mà còn có thể dâng hương, cầu mong mọi may mắn, hạnh phúc và bình an cho bản thân và gia đình mình.
Chốn tu tập, nơi sinh hoạt tôn giáo hướng thiện
Hàng năm, nơi đây tổ chức nhiều lễ hội kỷ niệm với hàng ngàn phật tử, quan khách hướng về tham dự cùng Chư Tăng Ni, đó là lễ hội Thánh Sơn, đại lễ Phật Đản, lễ Vu lan báo hiếu - lễ dâng y,...
Ngoài việc Hoằng dương giáo pháp, phát hành kinh sách, Pháp viện còn là nơi hoạt động xã hội thiện nguyện thiết thực ở tỉnh Khánh Hòa. Đã thực hiện nhiều chuyến cứu trợ cho đồng bào, nhân dân những vùng bị thiên tai, ủng hộ xây dựng lại nhiều nhà cửa cho các khu vực lũ lụt và người nghèo,..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.