Một nông dân Bình Định xây nhà lớn nuôi chim trời kiểu gì mà nhặt tổ quý bán 20 triệu/kg

Thứ hai, ngày 19/02/2024 05:54 AM (GMT+7)
“Trong năm đầu, tôi tập trung tạo không gian tự nhiên, dẫn dụ chim yến. Với 300 m2 sàn, nhà nuôi của tôi có thể thu hút 5.000 con yến về làm tổ. Giữa năm 2021, tôi bắt đầu thu hoạch tổ yến, trung bình mỗi tháng được chừng 2 kg yến thô trị giá khoảng 25 triệu đồng/kg” - ông Ảnh, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ.
Bình luận 0

Với khát vọng làm giàu, ông Lê Văn Ảnh, ở thôn Tân An, xã An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đã mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, áp dụng KHKT để xây dựng thành công mô hình nuôi chim yến. Đến nay, gia đình ông Ảnh đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương.

Cuối năm 2018, tham quan mô hình nuôi chim yến ở tỉnh Gia Lai, nhận thấy đặc điểm địa hình, khí hậu ở đây tương tự gần giống với An Lão, đồng thời, được người bạn chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim yến lấy tổ, ông Ảnh quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để tổ chức nuôi chim yến. 

Đến giữa năm 2019, ông đầu tư 700 triệu đồng làm nhà nuôi yến tại khu đất vườn đồi của gia đình.

Ông Ảnh thuê kỹ sư từ Gia Lai về xây dựng nhà yến với quy mô hơn 300 m2 sàn. “Trong năm đầu, tôi tập trung tạo không gian tự nhiên, dẫn dụ chim yến. 

Với 300 m2 sàn, nhà nuôi của tôi có thể thu hút 5.000 con yến về làm tổ. Giữa năm 2021, tôi bắt đầu thu hoạch tổ yến, trung bình mỗi tháng được chừng 2 kg yến thô trị giá khoảng 25 triệu đồng/kg” - ông Ảnh chia sẻ.

Một nông dân Bình Định xây nhà lớn nuôi chim trời kiểu gì mà nhặt tổ quý bán 20 triệu/kg- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Ảnh, nông dân nuôi chim yến ở xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định trực tiếp chế biến sản phẩm yến sào để cung cấp cho khách hàng. Ảnh: DIỆP DIỆU.

Thấy mô hình đạt hiệu quả khá, cuối năm 2021, ông Ảnh tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng xây thêm một nhà yến nữa với gần 400 m2 sàn. Với hàng nghìn con chim yến về sinh sống và làm tổ ổn định, mỗi năm bình quân ông Ảnh thu được từ 30 - 36 kg yến thô. 

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim yến, ông Ảnh cho biết: Do yến tự kiếm ăn từ nguồn thức ăn thiên nhiên nên người nuôi không gặp khó ở khâu này. 

Cái khó ở chỗ là tạo âm thanh dụ yến, cân bằng độ ẩm và nhiệt độ, tạo mùi… để bảo đảm điều kiện nhà nuôi tương tự như môi trường tự nhiên, thích hợp cho chim làm tổ. Vì vậy, nơi ở của chim yến cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.

Để sử dụng hiệu quả nguồn “lộc trời”, ông Ảnh đã thành công chế biến các sản phẩm mang thương hiệu “Yến sào Anh Thiết” cung ứng ra thị trường, đem lại nguồn thu lớn. 

Với sản phẩm sạch, chất lượng, sản phẩm tổ yến sạch tinh chế của “Yến sào Anh Thiết” đã được UBND huyện công nhận đạt OCOP 2 sao năm 2023.

Với những thành công có được, mô hình đã thu hút nhiều người dân trên địa bàn xã và các địa phương lân cận đến học hỏi kinh nghiệm. 

Không giấu nghề, ông Ảnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi chim yến với những ai muốn thực hiện mô hình này. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ 3 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 6 lao động nông thôn.

Với những đóng góp tích cực trong thời gian qua, ông Lê Văn Ảnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định năm 2023.


Diệp Thị Diệu (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem