Một nông dân Hậu Giang tự trả lương cao nhờ nuôi chuột thú cưng, Hamster, trồng cây dâu tằm
Một nông dân Hậu Giang tự trả lương tốt nhờ nuôi chuột thú cưng, trồng cây dâu tằm bẻ trái
Thứ bảy, ngày 15/06/2024 18:54 PM (GMT+7)
Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm lấy trái, nuôi chuột Hamster giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Mơ, ở ấp Ba, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), thoát diện hộ nghèo và có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Xuất phát điểm chỉ với 5 cây giống được trồng với mục đích giúp con trai bổ sung dinh dưỡng và chống lại căn bệnh ung thư, sau khi thấy được tác dụng của loại trái này và bắt đầu tự tìm tòi, nghiên cứu cách trồng, chị Nguyễn Thị Hồng Mơ đã nhanh chóng thu được “quả ngọt” nhờ loại cây “tuy lạ mà quen” này.
Chia sẻ về ý tưởng trồng dâu tằm, chị Mơ cho biết: “Trước đây, diện tích đất sau nhà được sử dụng để trồng xoài Đài Loan.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, đầu ra không ổn định nên năm 2021, tôi quyết tâm cải tạo mảnh vườn và bắt tay vào việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nuôi chuột Hamster gắn với trồng dâu tằm lấy trái theo hướng hữu cơ.
Bước đầu mô hình đạt được hiệu quả kinh tế khả quan, vì cây hợp thổ nhưỡng của địa phương, thu nhập của gia đình cũng được nâng cao lên từ đó”.
Theo chị Mơ, dâu tằm là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư lại thấp, không chứa chất hóa học và đặc biệt là có thể chủ động để trái quanh năm.
Thấy được tiềm năng từ loại cây trồng này, chị đã mạnh dạn nâng diện tích trồng lên hơn 1ha, với hơn 700 gốc dâu tằm để phát triển kinh tế, nguồn giống được chị mua tại Đà Lạt.
Cùng với đó, chị còn kết hợp sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để góp phần giảm công chăm sóc, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, sử dụng các biện pháp thủ công như bắt sâu, ngắt bỏ cành lá bị sâu hại, phát quang vườn, dọn cỏ… để đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
May mắn là cây dâu tằm thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên chỉ sau thời gian ngắn cây đã sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và góp phần tạo sản phẩm du lịch cho địa phương.
Tuy nhiên, người trồng phải lựa chọn thời điểm thích hợp để xử lý ra hoa, cho trái nếu muốn đạt được lợi nhuận cao.
“Thời điểm các ngày lễ lớn, hay dịp Tết Nguyên đán là dâu tằm rất hút hàng do nhu cầu tăng cao. Vào những tháng mùa mưa nên hạn chế để cây có trái do dễ bị rụng, chảy nước khi gặp mưa dầm”, chị Mơ cho biết thêm.
Mô hình trồng dâu tằm lấy trái theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi chuột thú cưng-chuột Hamster bán cho người nuôi làm kiểng đang mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình chị Mơ, nông dân ấp Ba, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).
Hiện tại, bình quân mỗi ngày gia đình chị Mơ thu hoạch được từ 70-80kg dâu tằm, giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg.
Với mức giá này thì gia đình chị thu về khoảng 150 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ. Đầu ra sản phẩm chủ yếu là bán sỉ cho các tiểu thương ngoài tỉnh như Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh,… hoặc bán lẻ thông qua các trang mạng điện tử.
Không chỉ bán dâu tươi, chị Mơ còn ấp ủ dự định mở dịch vụ tham quan, trải nghiệm hái trái, ẩm thực miệt vườn…
Bên cạnh đó, chị còn phát triển các sản phẩm được chế biến từ quả dâu tằm như dâu sấy, rượu dâu, mật dâu,… để dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Dâu tằm có nhiều công dụng như hỗ trợ điều trị mất ngủ, tăng cường hệ tiêu hóa, giúp đen râu tóc...
Các sản phẩm của chị đã được cơ quan chuyên môn huyện xem xét trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và là cơ sở để phát triển kinh tế nông thôn.
Mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cao
Bên cạnh trồng dâu tằm, chị Mơ còn phát triển thêm mô hình nuôi chuột Hamster sinh sản để tạo thêm thu nhập.
Chị Mơ bộc bạch: “Lúc đầu định nuôi làm thú cưng trong nhà thôi, nhưng sau khi tìm hiểu và tự gầy giống thành công, tôi đã quyết tâm kết hợp trồng dâu tằm và nuôi chuột Hamster để tăng thêm thu nhập và phát huy hiệu quả của mô hình này”.
Theo chị Mơ chia sẻ, từ các phế phẩm của trại chuột như thức ăn dư thừa của chuột, chị tận dụng để nuôi cá đồng dưới mương vườn, còn mùn cưa để nuôi chuột Hamster sau khi cũ sẽ được thay mới liên tục để chuột phát triển tốt nhất. Số mùn cưa này sẽ được ủ để làm phân hữu cơ bón cho cây dâu tằm, giúp giảm thiểu tối đa chi phí mua phân bón, tăng lợi nhuận và giúp cây dâu phát triển an toàn.
Để chuột Hamster phát triển tốt, chị Mơ đã xây dựng nhà kính, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong nuôi chuột Hamster sinh sản nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Với 200 cặp con giống bố mẹ, bình quân mỗi ngày trại nuôi chuột thú cưng của chị xuất ra thị trường từ 50-100 con chuột kiểng thương phẩm với giá dao động từ 25.000-35.000 đồng/con, mang lại thu nhập bình quân từ 1.500.000-2.000.000 đồng mỗi ngày.
Với mô hình “trồng dâu tằm lấy trái theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi chuột Hamster”, hàng tháng gia đình chị thu nhập được từ 20-25 triệu đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 người với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Chí Sung, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa, cho biết: Đây là mô hình hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập kinh tế cao cho hộ dân, giúp giảm nghèo tại địa phương, cũng như giải quyết vấn đề lao động cho người dân trên địa bàn.
Trong thời gian sắp tới, xã cùng các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục khảo sát, làm hồ sơ công nhận OCOP cho các sản phẩm từ dâu tằm, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước để mở rộng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, vườn sinh thái dâu tằm, đem lại nguồn lợi nhuận và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.