Nuôi con đặc sản "đắm chìm" trong bể xi măng ngập bèo, ông nông dân TT-Huế chỉ bán giống đã kiếm bộn

Thứ tư, ngày 31/05/2023 12:44 PM (GMT+7)
Ngôi nhà của ông Phan Bá Lương, nông dân nuôi ba ba ở thôn 2, xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc diện bề thế nhất nhì trong vùng, là “minh chứng” thành quả lao động sản xuất bao năm nay. Ông Lương “sống khỏe” nhờ nuôi ba ba, đồng thời “lan tỏa” mô hình hiệu quả này đến nhiều hộ khác trên địa bàn.
Bình luận 0

Chúng tôi đã phải trầm trồ, tấm tắc trước ngôi nhà to lớn, bề thế, với đầy đủ vật dụng tiện nghi, hiện đại. 

Ông Lương nở nụ cười mộc mạc, bộc bạch rằng, vốn dĩ vợ chồng ông chịu thương chịu khó, vừa bám biển khai thác hải sản gần bờ, vừa làm nông nghiệp. 

Cách đây tầm 17-18 năm, với mong muốn tăng thêm thu nhập, sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi ba ba, vợ chồng ông Lương xây bể nuôi, đồng thời mạnh dạn bán 6 chỉ vàng, đặt từ các tỉnh phía nam, mua 300 con ba ba giống.

Ông Lương tiếp tục ươm giống để chủ động phát triển sản xuất. Ông chia sẻ: “Ba ba lúc còn nhỏ nuôi với mật độ dày cũng được, nhưng khi phát triển tầm đến 0,3- 0,4kg thì phải tách bể, với mật độ 1m2 thả 4 con. Như vậy vừa đảm bảo về kỹ thuật, cũng tránh ba ba cắn nhau....".

"Người nuôi ba ba cần chú ý khi tách hồ phải lựa ba ba đực riêng, ba ba cái riêng. Mỗi ngày cho ăn 2 lần (thức ăn là cá vụn, ốc, rau cỏ, bột công nghiệp…), mới đảm bảo ba ba phát triển tốt”, ông Lương cho hay.

Nuôi con đặc sản "đắm chìm" trong bể xi măng ngập bèo, ông nông dân TT-Huế chỉ bán giống đã kiếm bộn - Ảnh 1.

Ông Lương, nông dân nuôi ba ba thành công ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) thả ba ba mới nở xuống bể xi măng để gây nôi làm ba ba giống.

Giống tự ươm nên vợ chồng ông Lương tiết kiệm được khoản vốn này. Ba ba thịt nuôi đến tầm 0,8kg- 1kg là bán được. Ba ba thịt bán giá 300 nghìn đồng/1kg, trừ mọi chi phí, vợ chồng Lương thu lãi tầm 200 nghìn đồng/kg.

Nuôi ba ba đúng kỹ thuật, chủ động nguồn giống, thị trường bao giờ cũng có nhu cầu, nên vợ chồng ông Lương mở rộng sản xuất. Từ vài hồ ban đầu, ông Lương đầu tư xây 7 hồ nuôi. 5 hồ nuôi ba ba thịt thả mỗi lứa 600 con. 2 hồ nuôi ba ba giống, vừa để cung cấp nguồn giống cho một số hộ ở các xã lân cận như Vinh Xuân, Vinh Thái (nay là xã Phú Gia).

Thấy nuôi ba ba hiệu quả kinh tế cao, nên cách đây 8 năm, em trai ruột và chị gái ruột của ông Lương cũng đầu tư cho mô hình này. Khi chúng tôi đến, ông Phan Bá Tương (em trai ông Lương) và người vợ đang đưa ba ba mới nở (sau quá trình ấp trứng) thả xuống hồ. 2 hồ ba ba giống của gia đình ông Tương, mỗi hồ có vài ngàn con. 

Ngoài nguồn thu từ ba ba thịt, mỗi năm, gia đình ông Tương thu 100 triệu đồng tiền lãi từ nguồn bán ba ba giống. 

Ông Tương cho biết, ngoài cung cấp giống cho các địa phương lân cận, cách đây 2-3 năm, có 2 hộ gia đình ở thôn 1 (Vinh Thanh) cũng đã bắt tay nuôi ba ba. 

Ông Tương là người cung cấp giống thường xuyên cho họ. “Hiện tôi có 2 hồ nuôi ba ba giống; 4 hồ nuôi ba ba thịt. Vợ chồng tôi đang chuẩn bị mở rộng, xây thêm 2 hồ nuôi ba ba thịt nữa. Chị gái của chúng tôi là bà Phan Thị Chuộng, kinh tế cũng ổn định, vững vàng từ nuôi ba ba thịt” - ông Tương kể.

Theo ông Lương và ông Tương, hiện nguồn cung ba ba thịt vẫn không đủ cầu. Do đó, những người nuôi ba ba trên dịa bàn vẫn “sống khỏe”. Tuy nhiên, ngoài việc nuôi ba ba, những người dân biển Vinh Thanh vẫn cần cù theo nghề biển, nghề nông. 

“Nhưng đến lúc sức khỏe không còn đảm bảo, chúng tôi có thể không ra biển được nữa, nhưng đã yên tâm vì có nghề nuôi ba ba” - ông Phan Bá Lương tự hào vì từ thành quả lao động, vợ chồng ông đã nuôi 6 đứa con ăn học thành người có ích cho gia đình và xã hội. Các con của ông Lương, người là bác sĩ, cán bộ ngành ngân hàng, là chủ doanh nghiệp. Tất cả hiện đang an cư lạc nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Quỳnh Anh (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem